Hôm 15/1, Tân Hoa Xã của Trung Quốc công bố một loạt hình ảnh cho thấy một trong những hạt giống họ gieo trên mặt trăng đã nảy mầm. Trong hình ảnh, một cây con chuẩn bị vươn lên bên trong hộp thí nghiệm. Tuy nhiên, nó không sống được lâu. Cùng ngày, Tân Hoa Xã cho biết thí nghiệm lịch sử đã kết thúc.
Nhóm nghiên cứu của Đại học Trùng Khánh, Trung Quốc đã tạo ra một sinh quyển nhân tạo bên trong thiết bị thí nghiệm được đặt trong tàu thăm dò mặt trăng. Bên trong đó có chứa hạt giống của các loài cây, trứng ruồi giấm và nấm men. Người Trung Quốc hy vọng sẽ tạo ra được một hệ sinh thái nhỏ bên trong đó.
Tuy nhiên, hạt bông là hạt giống duy nhất nảy mầm. Hạt cải và khoai tây đã không thể nảy chồi như các nhà khoa học Trung Quốc hy vọng. Những hạt giống được mang thí nghiệm đều được chọn vì có khả năng chịu được trọng lực thấp, bức xạ mạnh và dao động nhiệt độ lớn trên mặt trăng.
Việc mầm cây chết là điều cũng đã được nhóm chuyên gia dự báo trước. Theo đó, phần tàu thăm dò Trung Quốc hạ cánh sẽ bước vào quãng thời gian đêm tối kéo dài khoảng 2 tuần theo lịch trái đất. Do không có bầu khí quyển bao bọc, việc thiếu đi ánh nắng mặt trời sẽ khiến cho những phần bị che khuất trên mặt trăng rơi vào trạng thái cực lạnh.
Theo NASA, khi màn đêm phủ xuống mặt trăng, nhiệt độ gần xích đạo giảm xuống khoảng -150 độ C. Tàu thăm dò Chang'e 4 nằm ở miệng núi lửa Von Karman thuộc bán cầu nam của Mặt trăng. Thiếu đi ánh sáng, con tàu cũng được chuyển về chế độ ngủ.
Chang'e 4 là tàu thăm dò đầu tiên đổ bộ xuống khu vực phía xa của mặt trăng, vệ tinh tự nhiên duy nhất của trái đất. Khu vực này đôi khi còn được biết đến với cái tên phần tối của mặt trăng. Tàu cũng đã triển khai thành công tàu thăm dò Jade Rabbit 2 với nhiệm vụ thăm dò bề mặt. Hạt giống nảy mầm được xem là sự kiện lịch sử thứ 2 trên sứ mệnh Chang'e 4.
Việc trồng cây trên được xem là tối quan trọng nếu con người muốn hiện thực hóa giấc mơ tới định cư trên mặt trăng. Tuy nhiên, với những công nghệ hiện tại, việc sống trên vệ tinh tự nhiên duy nhất của trái đất vẫn chỉ là giấc mơ hão huyền.
Sau Chang'e 4, Trung Quốc sẽ tiếp tục phóng tàu Chang'e 5 với sứ mệnh thu thập mẫu vật trên mặt trăng và đưa trở lại trái đất để phục vụ nghiên cứu. Ngoài ra, nó cũng sẽ cung cấp những dữ liệu quan trọng để chuẩn bị cho việc đưa con người trở lại nơi này. Trung Quốc cũng không giấu diếm tham vọng chinh phục sao Hỏa và lên kế hoạch thực hiện nó trong năm 2020.