OneWeb, công ty khởi nghiệp vệ tinh trụ sở tại London, đang phấn đấu trở thành ngôi sao mới trong lĩnh vực cung cấp Internet trên quy mô toàn cầu từ không gian và trở thành đối thủ cạnh tranh chính với Starlink của Elon Musk. Họ đang muốn phóng một loạt 36 vệ tinh lên quỹ đạo vào ngày 4/3 nhằm từng bước hoàn thiện mạng lưới 648 vệ tinh của mình. Tuy nhiên, kế hoạch đó có thể sẽ đổ vỡ khi Roscomos, cơ quan vũ trụ Nga, cản trở động thái này.
Theo đó, một tên lửa Soyuz do Nga chế tạo nhưng được Arianespace SA của Pháp vận hành sẽ mang những vệ tinh này lên quỹ đạo thấp trái đất từ sân bay vũ trụ Baikonur thuộc sở hữu của Nga ở Kazathstan. OneWeb và Nga đã ký thỏa thuận nhiều năm cho các vụ phóng vệ tinh, trong đó chúng sẽ do tên lửa Soyuz của Nga đưa vào quỹ đạo.
Tuy nhiên, ông Dmitry Rogozin, Tổng giám đốc Roscosmos và là cựu Phó Thủ tướng Nga, có thể sẽ từ chối tiến hành vụ phóng để đáp trả các lệnh trừng phạt của Anh nhằm vào nước này. Cơ quan không gian của Nga yêu cầu Chính phủ Anh phải bán tất cả cổ phần trong OneWeb và công ty phải đảm bảo không dùng các vệ tinh này cho mục đích quân sự thì mới cho phép phóng.
Roscosmos nhấn mạnh yêu cầu này bắt nguồn từ "lập trường thù địch của Vương quốc Anh đối với Nga". Trong cuộc phỏng vấn với Russia 24, Nga cho công ty của Anh thời hạn tới 9h30 tối 3/3 để đáp ứng yêu cầu của mình.
OneWeb đã có 428 vệ tinh trên quỹ đạo với lần phóng cuối cùng diễn ra vào tháng trước. Công ty này đang nỗ lực hút khách hàng và hoàn vốn cho các nhà đầu tư sau khi Chính phủ Vương quốc Anh và Bharti Global của Ấn Độ cứu nó khỏi phá sản năm 2020.
Tuy nhiên, các nhà lập pháp Anh có vẻ sẽ không khuất phục và tuân theo các yêu cầu của Roscomos. Họ tuyên bố rằng sẽ không có cuộc đàm phán nào về vấn đề này và Chính phủ Anh cũng không bán cổ phần của mình, Kwasi Kwerteng, Bộ trưởng Kinh doanh và Năng lượng Vương quốc Anh, viết trên mạng xã hội. Ông Kwerteng cho biết Anh đang liên hệ với các "cổ đông khác" nhằm thảo luận về những bước đi tiếp theo.
Căng thẳng giữa Nga và phương Tây liên quan đến vấn đề vũ trụ không phải bây giờ mới nảy sinh. Sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014, mâu thuẫn giữa đôi bên đã bùng lên. Chính ông Rogozin cũng đã có những tuyên bố rất căng thẳng về vấn đề này. "Sau khi ban bố các lệnh trừng phạt chống lại ngành công nghiệp vũ trụ của chúng tôi, tôi đề nghị Mỹ đưa các phi hành gia của họ lên trạm vũ trụ quốc tế bằng bạt lò xo", ông Rogozin từng nói.
Tuy nhiên, trên thực tế, Mỹ và Nga vẫn tiếp tục hợp tác sau đó trong lĩnh vực không gian. Theo đó, Nga vẫn tiếp tục hỗ trợ Mỹ trong các sứ mệnh liên quan tới ISS cho tới khi trạm này ngừng hoạt động.
Dẫu vậy, Nga bây giờ cũng không phải cầu nối duy nhất giữa Mỹ với ISS. Sau thành công vang dội của các chuyến đi, SpaceX của Elon Musk hiện có thể đưa người và hàng hóa vào không gian với loại tên lửa tái sử dụng của mình.
Tham khảo: CNN