Man City đã "lừa đảo" tài chính như thế nào (phần 1): Khi thành công được dựng xây bằng sự dối trá

26/02/2020 22:13
Hàng loạt chức vô địch Premier League, những kỷ lục điểm số bị phá vỡ, những ngôi sao sáng giá,... tất cả đều là thành quả của màn kịch đầy lươn lẹo mà BLĐ Man City thực hiện trong hơn 10 năm qua.

Bài viết được dịch lại từ những tài liệu của báo Der Spiegel - nguồn gốc của cuộc điều tra được Liên đoàn bóng đá châu Âu (UEFA) tiến hành, nhắm vào Man City. Ngày 15/2 vừa qua, UEFA ban hành án cấm Man City thi đấu 2 năm ở các Cúp châu Âu, đồng thời buộc nộp phạt 30 triệu euro vì hành vi lừa đảo nghiêm trọng, phá vỡ luật Công bằng tài chính. Hãy cùng xem Man City đã lừa đảo thế nào, thông qua 4 phần của bài viết.

Trong suốt những năm qua, Manchester City luôn phủ nhận những ông chủ của họ, "thủ lĩnh" (sheikh) của Abu Dhabi, phá vỡ luật công bằng tài chính. Tuy nhiên những buổi nói chuyện qua luồng mail bí mật giữa các thành viên trong cơ quan đầu não của Man City lại chỉ ra một hiện thực rúng động khác.

Họ, những "sheikh" vừa giàu vừa quyền lực, đã sử dụng nhiều chiêu trò khác nhau để che mắt UEFA, bao gồm việc ký những hợp đồng lùi ngày, thu về các khoản tài trợ ảo, "làm mọi thứ họ muốn" để đạt được mục đích cuối cùng.

Man City đã lừa đảo tài chính như thế nào (phần 1): Khi thành công được dựng xây bằng sự dối trá - Ảnh 1.

Man City hiện giờ là một đế chế bóng đá thực thụ. Họ sở hữu những cầu thủ xuất sắc, một HLV thiên tài, một SVĐ được xếp vào hàng hiện đại bậc nhất xứ sở sương mù. Hình ảnh hào nhoáng của nửa xanh thành Manchester hiện tại vượt xa với những gì Anna Connell, người sáng lập ra đội bóng năm 1880 tưởng tượng.

Đội bóng vốn dĩ được xây dựng cho những người vô gia cư, chưa có việc làm tập thể thao để khỏe người, đẩy lùi bia rượu và chất kích thích, đã lột xác khi gặp được gia tộc Al Nahyan, sheikh của Abu Dhabi. Thật hài hước khi 2 tổ chức tưởng chừng chẳng liên quan gì đến nhau, một ở xứ lạnh, một xứ nóng; một không mấy nổi tiếng, một thống trị cả một quốc gia; sau 128 năm lại kết hợp trở thành một khối thống nhất.

Đáng tiếc, đằng sau vẻ ngoài hào nhoáng đó lại là những mánh khóe bẩn thỉu đến ghê người mới bị Football Leaks phanh phui.

Khi mới đến Manchester, những sheikh tuyên bố họ muốn thành lập kỷ nguyên mới của Chủ nghĩa tư bản Manchester. Đây là một thuật ngữ về kinh tế liên quan đến quãng thời gian các công ty bất chấp tất cả để hướng đến cuộc đại cách mạng công nghiệp. Áp dụng vào bóng đá, chúng ta có được một đội bóng tầm trung phát triển vượt bậc trở thành đại diện ưu tú của bóng đá nước Anh, chuyển mình thành đế chế tầm cỡ toàn cầu, thu về những khoản lợi nhuận khổng lồ. Đương nhiên, là bằng bất cứ giá nào, bất chấp mọi quy tắc.

Vinh quang của Man City khởi nguồn từ những điều dối trá. Câu chuyện về họ là ví dụ của sự nhẫn tâm, khiến những người từng có hiểu biết về thế giới bóng đá hoạt động ra sao phải tự hỏi lại bản thân: Liệu mình mới biết được bao nhiêu phần của tảng băng này?

Chương 1: Những phi vụ lừa bịp của sheikh

Ngày 13/5/2020, Manchester City trở thành tân vương của Premier League. Họ đánh bại Queens Park Rangers với tỉ số đầy kịch tính 3-2, nhờ bàn thắng ở những phút giây bù giờ cuối cùng của Sergio Aguero.

Không phải màn nâng cúp, "Aguueeerrooooooooo", tiếng hét của bình luận viên trước khi bóng đi vào lưới Queens Park Rangers lần thứ 3 mới là điều các CĐV Man City nhớ nhất về ngày ấy. Đó là khoảnh khắc lịch sử mà họ đã chờ đợi trong suốt 44 năm trời sống dưới ách thống trị của đội bóng áo đỏ cùng thành phố.

Đối với fan Man City, những gì diễn ra trong ngày hôm đó là một phép màu thực thụ. Nhưng đối với những sheikh quyền lực theo dõi trận đấu ở khu vực VIP, ngày này không sớm thì muộn cũng sẽ đến. Đơn giản vì họ đã đầu tư số tiền lớn kỷ lục vào đội bóng này.

Thành công đến sau những thương vụ chuyển nhượng tốn giấy mực của cánh báo chí khiến Man City thu về lượng anti-fan kha khá. Trong nhóm này có những người thật sự hiểu biết, tin rằng chuyện dùng tiền thao túng thị trường chuyển nhượng là đi ngược lại các nguyên tắc cạnh tranh. Họ tố cáo Sheikh Mansour bin Zayed Al Nahyan lén lút đẩy tiền vào CLB với tư cách là các bản hợp đồng tài trợ không có thật.

Man City đã lừa đảo tài chính như thế nào (phần 1): Khi thành công được dựng xây bằng sự dối trá - Ảnh 2.

Chân dung 2 nhân vật quyền lực nhất Man City, ông Khaldoon Al Mubarak (trái) và Sheikh Mansour (giữa).

Sự thật có thể tìm thấy mà không tốn quá nhiều công sức điều tra. Man City trên danh nghĩa khẳng định họ nhận được sự tài trợ từ Hãng hàng không Etihad, Công ty viễn thông Etaluat, Công ty du lịch Abu Dhabi và Quỹ đầu tư Aabar.

Đặc điểm chung của những tổ chức này, hài hước thay, là đều thuộc Abu Dhabi. Hãng hàng không Etihad do ông em cùng cha khác mẹ của Mansour điều hành. Các tổ chức còn lại, từ Quỹ đầu tư Aabar đến Etaluat đều dưới trướng đại gia tộc Al Nahyan.

Cứ thế, Man City chơi bóng đá trên sân Etihad, mặc áo đấu do Etihad tài trợ. Tất tần tật mọi thứ ở Man City hiện giờ đều đến từ các sheikh. Chưa bao giờ bóng đá Anh chứng kiến sự đầu tư theo kiểu "trọn gói" như thế. Khi những con số thực sự trong một bản báo cáo tài chính của Man City được đưa ra ánh sáng cũng là thời điểm con người phải ghê sợ trước sự giàu có kinh khủng của nhà Al Nahyan.

Bản báo cáo tài chính có tên "Tóm tắt về đầu tư của chủ sở hữu", biên soạn ngày 10/5/2012, 2 ngày trước khi Aguero ghi bàn vào lưới QPR. Từ đó tính đến thời điểm tháng 5/2012, các sheikh mới tiếp quản Man City được gần 4 năm. Một khoảng thời gian khá dài, nhưng rõ ràng là chưa đủ để giúp đội bóng tầm trung vươn lên thành nhà vô địch.

Nhưng với nguồn lực bình thường thì chưa đủ, còn với các sheikh quyền uy thì lại khác. Họ đốt cháy giai đoạn bằng tiền, rất nhiều tiền. Trong 4 năm, Shiekh Mansour đốt ngót nghét 1,1 tỉ bảng Anh cho Man City, đổi lấy một thành tựu duy nhất liên quan đến bóng đá: chức vô địch Premier League.

Theo bản báo cáo tài chính được tiết lộ, một khoản trong con số 1,1 tỉ bảng trên có tên là: "Bổ sung cho các thỏa thuận hợp tác với Abu Dhabi".

Man City đã lừa đảo tài chính như thế nào (phần 1): Khi thành công được dựng xây bằng sự dối trá - Ảnh 3.

Báo cáo tài chính của Man City năm 2012.

Để giải thích cho cụm từ này chúng ta lại phải quay trở lại khoảnh khắc BLV hô vang tên Aguero để nhớ đến một nhân vật góp công lớn không kém tiền đạo người Argentina.

Trên khán đài, những người đàn ông trưởng thành tưởng chừng không bao giờ khóc cũng phải đổ lệ. Dưới sân, các cầu thủ nằm đè lên nhau ăn mừng tạo thành một cái thảm màu xanh dương khổng lồ. Mọi người vì quá vui mà ai để ý đến ông Roberto Mancini, đương kim HLV trưởng đội bóng.

Ông Mancini lúc mới đến Etihad được duyệt chi hàng trăm triệu bảng để đưa đội bóng lên ngôi vị số một sớm nhất có thể. Sau cùng, chính vị chiến lược gia 47 tuổi này lại trở thành nạn nhân của thứ thành công sớm đó. Chỉ sau một mùa giải, khi các cầu thủ Man City bỗng thể hiện bộ mặt rệu rã, Mancini trở thành vật tế thần, bị "đá" khỏi Etihad.

 

Không ai thấu cảm cho Mancini khi ông bị sa thải, cũng như lúc chẳng ai quan tâm đến ông khi Man City vô địch. Vị chiến lược gia này cũng tự hiểu mình đang làm việc dưới tham vọng cực lớn của những ông chủ giàu có. Thế nên khi cái nào không dùng được thì phải tìm cái mới thay thế, đó là logic.

Nhưng lúc Man City sa thải ông Mancini thì họ gặp phải một vấn đề nan giải: Luật công bằng tài chính (FFP). Điều luật được ban hành bởi UEFA có thể hiểu đơn giản là để ngăn cấm các CLB sử dụng tiền làm nhiễu loạn thị trường chuyển nhượng. Nói cách khác, các CLB không được chi tiền vượt số doanh thu.

Thoạt qua, Man City chắc chắn là đối tượng đầu tiên UEFA muốn hướng đến sau khi ban hành FFP. Tuy nhiên giải pháp cho Man City được đưa ra nhanh chóng từ vị Giám đốc tài chính Jorge Chumillas: "Chúng ta thiếu 9,9 triệu bảng để không bị UEFA phạt mùa này".

Ông Chumillas viết vậy trong luồng email riêng gửi đến các sheikh quyền lực. Ngoài thông báo vấn đề khúc mắc, Chumillas cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình, đưa ra cách giải quyết: "Thâm hụt này là do phải đền bù Mancini. Cách duy nhất để lấp khoản lỗ là trích bổ sung từ doanh thu tài trợ của Abu Dhabi".

Cũng trong email gửi đến các sheikh, Chumillas tiết lộ Man City kinh doanh hơi khác so với các CLB bóng đá thông thường. Hoạt động kiếm doanh thu của một đội bóng sẽ theo quá trình như sau: Các cầu thủ chơi bóng thành công, thu hút lượng khán giả ngày càng tăng, được truyền hình trực tiếp, được các nhà tài trợ tiềm năng quan tâm.

Những nhà tài trợ này ký hợp đồng với đội. Họ sẽ trả một khoản tiền cố định để có quyền quảng cáo với CLB. Số tiền này trở thành một phần trong ngân sách của đội bóng, có thể được sử dụng để ký hợp đồng với các cầu thủ, trả phí môi giới hoặc duy trì mặt cỏ trên sân, v.v… Khi kế hoạch của đội không thuận lợi, hoặc đột nhiên phải chi nhiều hơn so với khoản kêu gọi được từ kế hoạch kinh doanh, CLB bị lỗ vào cuối mùa giải và phải cắt giảm chi phí.

Nhưng Manchester City không phải là CLB bình thường. Chi phí và nợ? Đó không phải vấn đề họ để tâm. Nếu có một sự thiếu hụt, các nhà tài trợ từ quê nhà của chủ sở hữu chỉ cần gửi nhiều tiền hơn. Ví dụ là để sa thải Mancini, họ phải đền bù cho vị HLV này 9,9 triệu bảng. Vì vượt quá lượng tiền thu về nên các ông chủ phải chuyển đúng số tiền như vậy để cân bằng.

Man City đã lừa đảo tài chính như thế nào (phần 1): Khi thành công được dựng xây bằng sự dối trá - Ảnh 4.

Ông Mancini, người đem về chức vô địch Premier League đầu tiên cho Man City ra đi với khoản đền bù gần 10 triệu bảng do chính Sheikh Mansour chi trả.

Để né các lệnh trừng phạt của UEFA, BLĐ Man City cũng có một số sáng kiến khác. "Chúng tôi có thể thực hiện một hợp đồng kí lùi ngày trong 2 năm tới và được trả trước", Simon Pearce, Giám đốc điều hành CLB gợi ý. Giám đốc Ferran Soriano, trong khi đó, đề nghị các nhà tài trợ trả cho đội bóng phần thưởng bắt buộc theo hợp đồng cho việc giành cúp FA - dù thực tế Man City về nhì năm đó (2013).

10 ngày sau khi mùa giải 2012-2013 kết thúc, Chumillas trình làng báo cáo tài chính mới toanh, khẳng định cần phải điều chỉnh một số khoản liên quan đến hợp đồng tài trợ. Hãng hàng không Etihad đột nhiên đồng ý trả thêm 1,5 triệu bảng, sau đó là Aabar với 0,5 triệu. Công ty du lịch Abu Dhabi giải quyết nốt 5,5 triệu còn lại. Đây được coi là những khoản đầu tư… sau mùa giải trên danh nghĩa, mục đích chính là để tiễn Mancini lên đường.

Một ví dụ khác cho thấy BLĐ Man City và nhà tài trợ đội bóng đang thoải mái thao túng số liệu cũng nằm ở đoạn email ông Chumillas nói chuyện với đồng nghiệp. Cụ thể, vị giám đốc này hỏi đồng nghiệp James Pearce có nên thay đổi ngày thanh toán cho các nhà tài trợ hay không. Ông nhận được câu trả lời: "Đương nhiên, chúng ta có thể làm những gì chúng ta muốn".

Man City đã lừa đảo tài chính như thế nào (phần 1): Khi thành công được dựng xây bằng sự dối trá - Ảnh 5.

Hành vi sửa lại giấy tờ năm 2013 khiến người ta càng nghi ngờ về cách Man City nhận được tiền đầu tư từ các công ty có trụ sở tại Abu Dhabi. Một lần nữa, lại nhờ Football Leaks, chúng ta có câu trả lời đầy đủ cho câu hỏi này.

"Như chúng ta đã thảo luận, nghĩa vụ trực tiếp hàng năm của Aabar là 3 triệu bảng", Giám đốc James Pearce viết. "Phần 12 triệu bảng còn lại sẽ đến từ các nguồn thay thế được cung cấp bởi Hoàng thân".

"Hoàng thân" mà ông Pearce nhắc tới chính là các seikh quyền lực, hay cụ thể là Sheikh Mansour.

Chiếu theo luật FFP, rõ ràng bản báo cáo tài chính của Man City cuối năm 2013 phải đầy ắp những mũi tên đỏ đại diện cho các khoản đội bóng dùng để mua cầu thủ, trang trải chi phí. Tuy nhiên nếu số tiền này được ngụy trang thành những khoản tài trợ, một dạng doanh thu, Man City có thể lách luật thành công.

Báo cáo tài chính của Man City rõ ràng là một mớ những con số dối trá. Hãng hàng không Etihad danh giá, lớn nhất nhì thế giới cũng là một phần của màn kịch này. "Đóng góp trực tiếp của Etihad không đổi mức 8 triệu", ông James Pearce đã viết như vậy vào tháng 12/2013.

Man City đã lừa đảo tài chính như thế nào (phần 1): Khi thành công được dựng xây bằng sự dối trá - Ảnh 6.

Cách Man City sử dụng để che mắt UEFA thật ra rất đơn giản. Những tổ chức được cho là nhà tài trợ, như hãng hàng không Etihad chỉ cần chờ đợi Tập đoàn Abu Dhabi United (AUDG) của Sheikh Mansour chuyển tiền. Tiền sau đó được "chuyển qua các đối tác trước khi đến với CLB". Tức là ký hợp đồng tài trợ 10 triệu euro nhưng chỉ có 1 triệu euro là của nhà tài trợ, còn lại 9 triệu euro của ông chủ nhưng đi theo đường vòng. Chỉ cần như vậy là Man City sạch tội, thoải mái loạn đoạn thị trường chuyển nhượng.

Trên danh nghĩa, Etihad đem lại 67,5 triệu bảng cho Man City mỗi năm. Nhưng thực tế, theo Chumillas, họ chỉ trả khoảng 8 triệu bảng. 59,5 triệu còn lại là do một tay Sheikh Mansour giải quyết. Thảo nào ông Uli Hoeness, Chủ tịch Bayern Munich hay thở dài với cánh truyền thông rằng: "Man City chỉ cần mở vòi dầu là mua được những cầu thủ đắt giá".

Mới đây khi mánh khóe này bị bại lộ, đại diện Etihad cho biết các nghĩa vụ tài chính liên quan đến đối tác là "trách nhiệm đơn thuần của hãng hàng không". Họ luôn tự hào vì là nhà tài trợ chính của Man City kể từ tháng 5/2009 đến nay. Phía Aabar và Công ty du lịch Abu Dhabi thì im lặng tuyệt đối.

Khi bị sờ gáy, Man City phản bác, nói rằng cáo buộc không có thật, chỉ là để "gây tổn hại danh tiếng của CLB".

Nhưng thực tế Man City không thể mãi lách luật như kia được. Họ vẫn nể UEFA vì từng cùng PSG ngồi chung bàn, đàm phán với cơ quan đầu não bóng đá châu Âu năm 2014 để tránh khả năng bị loại khỏi Champions League.

Còn tiếp...


Tin mới

Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 thu hồi sữa Hofumil Gold Plus nằm trong đường dây sữa giả
17 giờ trước
Ngày 17/4, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết đã rà soát và phát hiện sản phẩm sữa Hofumil Gold Plus được cung ứng trong bệnh viện thuộc danh mục các sản phẩm sữa do một trong các công ty thuộc đường dây sản xuất, buôn bán, tiêu thụ sữa bột giả trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh lân cận vừa được cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an triệt phá.
THACO AUTO tri ân khách hàng dịp lễ 30/4 và 01/5
17 giờ trước
Chào mừng đại lễ 30/4 và 01/5, THACO AUTO triển khai chương trình ưu đãi đặc biệt cùng nhiều quà tặng hấp dẫn cho khách hàng mua xe thương hiệu Kia và Mazda trên toàn quốc.
Vé máy bay dịp 30/4 tăng chóng mặt: Một địa điểm có giá vé tăng gần gấp đôi dù đi bất kì đâu
18 giờ trước
Mặc dù giá vé máy bay dịp lễ 30/4 năm nay đều có xu hướng tăng so với ngày thường, nhưng riêng các chặng bay xuất phát từ nơi này lại tăng gần gấp đôi, có hành trình thậm chí ngang ngửa với cao điểm Tết Nguyên đán.
Ra mắt Rolls-Royce Ghost Series II giá từ 34,9 tỷ đồng: ‘Thảm bay’ của giới đại gia Việt
19 giờ trước
Rolls-Royce Ghost Series II là phiên bản nâng cấp giữa vòng đời của thế hệ thứ 2 ra mắt vào năm 2020.
Vụ gần 600 loại sữa giả tung hoành suốt 4 năm: Doanh nghiệp chiết khấu 60% chưa kể quà cáp lễ Tết; bác sĩ chỉ định mua uống
20 giờ trước
Theo chia sẻ của một chủ cửa hàng sữa thì sở dĩ các shop nhiệt tình tư vấn bán hàng cho những doanh nghiệp này bởi chính sách chiết khấu được hưởng rất cao, dao động từ 40 - 60%, chưa bao gồm các chương trình tặng quà tri ân khách hàng vào dịp cuối năm, lễ tết.

Tin cùng chuyên mục

Từng hạn chế hàng ngoại, người Nhật Bản quay xe dùng một mặt hàng từ Mỹ dù giá đắt đỏ, nguồn cung trong nước liên tục thiếu hụt
21 giờ trước
Dù phải chịu thuế nhập khẩu tuy nhiên mặt hàng này từ Mỹ về Nhật Bản vẫn rẻ hơn mức giá tại thị trường nội địa.
Đặt cược vào Việt Nam, một mặt hàng điện tử cả thế giới khao khát đã "nhảy múa" thoát thuế quan như nào?
22 giờ trước
Trong những ngày đầu tháng 4, 90% số lượng thiết bị xuất sang Mỹ đều đến từ Việt Nam.
Bất chấp Mỹ siết thuế, người tiêu dùng toàn cầu vẫn 'đổ xô' mua xe điện
1 ngày trước
Doanh số xe điện toàn cầu đã tăng 29% trong tháng 3, chủ yếu đến từ Trung Quốc và châu Âu.
Sau Hàn Quốc, Việt Nam là quốc gia thứ 2 được Apple "ưu ái" làm điều này, ngay cả Mỹ hay Nhật cũng chưa từng có!
2 ngày trước
Việt Nam là quốc gia thứ hai trên toàn cầu được Apple ưu ái tính năng này.