Trong những năm gần đây, liên tục các cơn sốt đất “ảo” đến và đi rất nhanh chóng, làm cho thị trường bất động sản ở các nơi trở nên nhiễu loạn. Nhiều nơi, chỉ trong thời gian ngắn giá đã tăng gấp 2 - 3 lần, thậm chí một lô đất có thể sang tay cho 3 - 4 người chỉ trong một ngày.
Trong các cơn sốt đất, không thể thiếu yếu tố tác động của nhóm “cò đất”. Nhóm này liên kết với nhau, lợi dụng những thông tin quy hoạch chưa rõ ràng để tạo sóng. Thậm chí, những khu vực mới chỉ có “sóng” nhẹ thì nhóm “cò’ tiếp tục “đổ thêm dầu vào lửa”, khiến thị trường càng thêm nóng bỏng.
Theo anh Trần Thái, nhà đầu tư lâu năm tại Hà Nội khẳng định, thị trường nhà đất trở nên loạn giá không thể thiếu đôi tay của môi giới bất động sản. Anh Thái tiết lộ 3 độc chiêu của “cò đất”, đầu tiên là tạo sự khan hiếm giả, tiếp theo là thổi giá, cuối cùng là tạo các giao dịch ảo.
Anh Thái cho biết, chỉ cần vừa có thông tin về quy hoạch hay xây dựng hạ tầng cầu đường hoặc sự đổ bộ của các ông lớn. Các “cò” đất sẽ tập hợp các thông tin chi tiết về nhà đất ở những địa điểm liên quan. Đồng thời, tìm kiếm thêm các cộng sự để tiếp tay.
Sau khi tập hợp xong, nhóm cò này sẽ giao nhiệm vụ cho từng thành viên xây dựng bước giá cho từng mảnh đất đang có sẵn, lập danh sách, thu thập thông tin chi tiết rồi truyền tay nhau.
“Không chỉ thu thập về diện tích, vị trí, giá cả, thông tin của thửa đất mà các đối tượng còn thu thập thông tin về lịch sử, văn hóa, truyền thống của khu vực, cả thông tin gia cảnh của từng chủ đất. Sau khi có đầy đủ thông tin, các đối tượng học thuộc lòng rồi bắt đầu “chém gió” với khách hàng, khiến ai cũng phải tin”, anh Thái nói.
Bên cạnh đó, nhóm “cò” đất sẽ thống nhất giá, khách hàng đi tới bất kỳ văn phòng môi giới bất động sản nào trong khu vực cũng đều nhận được mức giá giống hệt nhau như đã được niêm yết sẵn, đây là chiêu trò tạo niềm tin cho khách. Chưa dừng lại ở đó, những lô đất mà gia chủ chưa muốn bán, được nhóm này lập thành danh sách ảo về tên, tuổi, địa chỉ, số điện thoại của khách đã đặt cọc như thật. Hành động này nhằm tạo sự khan hiếm hàng trong khu vực.
Trong trường hợp khách muốn mua lô đất đã có trong danh sách đặt cọc ảo thì khách hàng phải trả giá cao hơn và “cò” đất sẽ giả vờ thương thảo với người đã đặt cọc trước đó. Tất cả đều đã nằm trong kịch bản của nhóm “cò” đất. Chỉ cần khách hàng “mắc bẫy” thì sẽ thi nhau đẩy giá.
“Chỉ cần người có nhu cầu hỏi mua, chúng sẽ truyền tay nhau hết thông tin tên, tuổi, số điện thoại của khách hàng. Trong trường hợp khách hàng đi tham khảo giá ở các môi giới khác thì cũng đều trong vòng vây của nhóm cò. Mỗi lần khách hỏi chỗ khác thì giá lại được đẩy lên cao hơn. Đây cũng trong kịch bản của nhóm từng bước đẩy giá trong khi khách hàng không hề biết và có tâm lý nghĩ rằng thị trường khu vực đó đang có tính thanh khoản cao, khan hiếm nguồn cung nên giá tăng”, anh Thái chia sẻ.
Anh Thái cho biết, thậm chí có trường hợp, khách hàng hỏi về mảnh đất thứ nhất, sau khi đi tham khảo các văn phòng khác rồi quay lại, môi giới sẽ nói đã bán cho người khác, đồng thời đưa ra tờ giấy viết tay được chuẩn bị sẵn với giá cao.
“Nhóm cò đất này sẽ chuẩn bị sẵn văn bản viết tay, đặt cọc, y như thật. Nếu khách ưng, cò sẵn sàng đàm phán để lấy lại mảnh đất đó, nhưng thực tế vẫn là nhóm các đối tượng dàn dựng kịch bản trước đó. Kịch bản này khiến không ít khách hàng tin sái cổ, sập bẫy”, anh Thái chia sẻ.
Theo anh Thái, không chỉ nguyên nhóm “cò” đất mà còn có sự phối hợp của giới đầu cơ bất động sản, cộng thêm sự kỳ vọng, tâm lý sợ mất cơ hội của các nhà đầu tư F0 khiến thị trường trở nên khó kiểm soát. Chưa hết, nhiều môi giới bất động sản chân chính cũng nghĩ thị trường khu vực đó đang có biến động thật, nên vô tình vướng vào tiếp tay cho nhóm này.
Nhà đầu tư này cho rằng: “Thường những nhà đầu tư non kinh nghiệm, chưa nắm vững các chiêu trò của cò đất và có thói quen chạy theo các thông tin quy hoạch rất dễ sập bẫy. Bởi chỉ cần thấy ở đâu có thông tin mới sẽ tới tìm mua hy vọng có cơ hội lướt sóng trong khi chưa am hiểu thị trường tại khu vực”.
TS. Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam cho rằng thực tế có nhiều đối tượng lợi dụng thông tin quy hoạch đất đai rồi thổi giá, tạo cơn "sốt" đất để lướt sóng. Trong các cơn sốt đất ảo, người dân sẵn sàng bán đất nông nghiệp, vốn là tư liệu sản xuất hằng ngày. Khi cơn sốt đi qua, họ không biết làm gì để có thêm thu nhập, từ đó ảnh hưởng đến xã hội.
"Hiện các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam họ triển khai dự án đã có kế hoạch đền bù giải tỏa. Nhưng giá đất bị đẩy lên sẽ khiến cho mô hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp không như định hướng ban đầu, không hiệu quả.
Vòng đời của một dự án khoảng 5 năm nhưng dự án công nghiệp, sản xuất cần tới 20 - 30 năm nên khi giá đất tăng lên sẽ ảnh hưởng rất lớn. Ở góc độ vĩ mô, địa phương bị mất lực hút, mất sức hấp dẫn đối với nhà đầu tư", ông Khương cho hay.
Còn bà Nguyễn Hương, Tổng giám đốc Đại Phúc Land cho biết, hiện nay tâm điểm được nhiều người quan tâm nhất chính là bất động sản.
Theo bà Hương, do nguồn cung hạn chế nên giá đất trong năm qua vẫn tăng. Nhà đầu tư nhìn thấy cơ hội tăng giá cùng kỳ vọng của thị trường thì lại càng đẩy giá lên. Vì vậy, cần công khai, minh bạch các thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất kịp thời, chính xác. Không để khoảng trống thông tin, tuyên truyền. Vận động để người dân nâng cao hiểu biết, tỉnh táo trước những "cơn sốt" đất ảo và xử lý nghiêm các đối tượng cố tình tung tin giả, thổi giá đất để lũng đoạn thị trường, trục lợi...
"Bên cạnh đó, người mua, người đầu tư cần thực sự tỉnh táo khi giao dịch bất động sản, khi mua chúng ta nên tìm hiểu kỹ về chủ đầu tư, khu đất, quy hoạch… vì số tiền bỏ ra lớn nên cứ chậm rãi thực hiện. Cơ hội sinh lời chỉ thực sự đến khi chúng ta có tầm nhìn, đánh giá được những rủi ro và phòng tránh rủi ro", bà Hương chia sẻ.