Thông tin từ Tập đoàn FPT mới đây cho biết, 11 tháng đầu năm, Công ty đạt doanh thu hợp nhất 39.319 tỷ đồng, tăng 10%; Lợi nhuận trước thuế (LNTT) đạt 2.990 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ; Lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt 1.958 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước.
Mức tăng trưởng lợi nhuận sau thuế 13% mà FPT đạt được trong 11 tháng đầu năm tương đối sát với kỳ vọng và kế hoạch mà FPT đưa ra trong năm 2017. Tuy nhiên, tăng trưởng lợi nhuận của từng mảng kinh doanh của FPT cũng đã có nhiều sự thay đổi đáng kể. Đặc biệt là lĩnh vực phân phối và bán lẻ vốn chiếm tỷ trọng doanh số lớn nhưng trong nhiều năm qua chưa đạt hiệu quả tương xứng đã có sự chuyển biến tích cực.
Theo số liệu của CTCK Bản Việt (VCSC), trong 11 tháng đầu năm, mảng phân phối và bán lẻ giúp PFT thu về 646 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 35% so với thực hiện cùng kỳ năm trước. Trong đó, mảng phân phối dặt 345 tỷ đồng lợi nhuận, tăng 30% và mảng bán lẻ tăng 41% lên 301 tỷ đồng.
Riêng mảng phân phối của FPT thông qua FPT Trading đã có sự cải thiện đáng kể từ tháng 9-11. Lũy kế 11 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế từ mảng Phân phối tăng 30% so với cùng kỳ năm ngoái lên nhờ lợi nhuận trước thuế các tháng 09-11/2017 tăng mạnh 201% so với cùng kỳ năm ngoái. (Lưu ý trong giai đoạn tháng 9-12/2016, FPT Trading lỗ 121 tỷ đồng, hay 30% lợi nhuận trước thuế 2016 của FPT Trading do thanh lý hàng tồn kho Lumia.)
Trong khi đó, mảng Bán lẻ của chuỗi FPT Shop dưới sự quản lý của FPT Retail cũng ghi nhận những kết quả khả quan trong năm nay nhờ mở thêm cửa hàng mới (464 cửa hàng tính đến tháng 11/2017 so với 385 cửa hàng vào cuối năm 2016), đóng góp từ các cửa hàng đã mở năm 2016 và doanh thu bán hàng online tăng mạnh 122% so với cùng kỳ.
Kể từ ngày 18/12, FPT đã chính thức giảm sở hữu tại FPT Retail xuống 47% và FPT Trading xuống 48%. Hai công ty này theo đó từ công con trở thành công ty liên kết của FPT, đồng nghĩa với việc FPT sẽ không còn tiếp tục hợp nhất doanh thu của 2 công ty này và chỉ còn ghi nhận lợi nhuận theo tỷ lệ sở hữu. Bù lại, việc thoái vốn dự kiến sẽ mang lại cho FPT một khoản lợi nhuận tài chính bất thường lên đến 997 tỷ đồng dự kiến ghi nhận trong tháng 12 năm nay.
Bên cạnh mảng phân phối và bán lẻ, mảng kinh doanh xuất khẩu phần mềm của FPT cũng có mức tăng trưởng tốt với doanh thu tăng 18%, lợi nhuận trước thuế tăng 21% so với cùng kỳ năm ngoái nhờ thị trường Nhật Bản. Thị trường chiếm gần 60% doanh thu của mảng xuất khẩu tiếp tục là trụ cột kích thích tăng trưởng với doanh thu tăng trên 25% so với cùng kỳ năm ngoái và đóng góp 898 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế cho Tập đoàn.
Hai mảng kinh doanh chính còn lại gồm mảng công nghệ đạt 975 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, chỉ tăng trưởng ở mức 8% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, mảng dịch vụ viễn thông thông qua FPT Telecom (FOX) chỉ có mức tăng 3% lợi nhuận trước thuế so với cùng kỳ năm ngoái dù doanh thu tăng 15%. Lợi nhuận trước thuế bị ảnh hưởng do dự phòng cho Quỹ dịch vụ Viễn thông công ích Việt Nam (VTF) theo quy định của nhà nước, tương đương 1,5% doanh thu từ băng thông rộng. Nếu không tính khoản dự phòng này, LNTT từ mảng Dịch vụ Viễn thông 11 tháng đầu năm tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái.