Bộ ba HNG, HAG, HVG báo lỗ nghìn tỷ
Đầu tiên phải kể đến khoản lỗ quán quân trong năm 2019 của HAGL Agrico (HNG). Kết thúc năm 2019, HAGL Agrico ghi nhận 1.827 tỷ doanh thu, giảm gần phân nửa so với 2018, LNST âm hơn 2.308 tỷ đồng, tăng mạnh so với mức lỗ 659 tỷ đồng năm 2018. Lỗ lũy kế tính đến thời điểm 31/12/2019 đã là hơn 2.206 tỷ đồng.
Tiếp đó, Hoàng Anh Gia Lai (HAG) báo lãi thuần năm 2019 gần 46 tỷ đồng song với khoản lỗ tới 1,788.6 từ hoạt động khác (chi phí chuyển đổi vườn cây và đánh giá lại tài sản không hiệu quả), Công ty báo lỗ sau thuế 1.609 tỷ đồng. Tuy nhiên cổ đông thiểu số chịu lỗ nên công ty vẫn ghi lãi cổ đông công ty mẹ hơn 253 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần cùng kỳ năm trước..
Khoản lỗ nghìn tỷ của Thủy sản Hùng Vương (HVG) trong niên độ tài chính 2019 – 2020 cũng rất đáng chú ý, sau kiểm toán lỗ ròng thuộc về Công ty mẹ tăng thêm 600 tỷ lên 1.075 tỷ đồng, nâng tổng lỗ lũy kế tính đến 30/9/2019 là 1.489 tỷ đồng. Bên cạnh khoản lỗ lớn HVG còn bị kiểm toán đưa ra nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục.
Đơn vị tính: tỷ đồng
Trong bối cảnh thua lỗ lớn như trên, đáng chú ý cả HNG, HAG và HVG đều đang có mối hợp tác mới với THACO. Năm 2019 THACO đã thành lập Công ty THADI, có vốn điều lệ 3.500 tỷ đồng và tổng vốn đầu tư đến nay là 11.000 tỷ đồng, đang sở hữu tổng diện tích đất 29.600 ha (mua lại từ Nông nghiệp Hoàng Anh Gia Lai – HAGL Agrico).
THADI chịu trách nhiệm bao tiêu sản phẩm của HAGL Agrico với diện tích cây ăn trái 26.500ha (với chuối là 11.000ha). THADI cũng công bố hợp tác với HVG thông qua rót vốn trực tiếp (35%) đồng thời thành lập liên doanh nuôi heo giống (THADI rót 65% vốn). Trong đó, liên doanh THADI – HVG đầu tư nuôi heo giống với quy mô 45.000 trong năm 2020, tổng giá trị đầu tư 2.000 tỷ đồng (tại An Giang và Bình Định).
Với sự hợp tác trên đã tạo ra triển vọng kinh doanh trong năm 2020 cho cả HNG và HVG, trong đó, HVG kỳ vọng có thể đạt mức doanh số từ 8.000 - 10.000 tỷ đồng và quay lại mức doanh số 20.000 tỷ đồng vào cuối năm 2020, mục tiêu lãi dự kiến đạt 720 tỷ đồng hậu bắt tay với THADI.
Đến những khoản lỗ trăm tỷ
Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc (DHB) báo lỗ thêm trong quý 4 hơn 217 tỷ đồng – trong khi cùng kỳ lỗ gần 45 tỷ đồng. Đây cũng là số lỗ lớn nhất trong quý của Đạm Hà Bắc từ nhiều năm nay. Tính chung cả năm 2019 Đạm Hà Bắc lỗ tới 636 tỷ đồng trong năm, gấp đôi so với số lỗ 313 tỷ đồng năm 2018. Tổng lỗ lũy kế đến hết năm 2019 lên 3.285 tỷ đồng, đã âm vốn chủ sở hữu hơn 516 tỷ đồng. Không chỉ liên tục thua lỗ trong nhiều năm qua, Đạm Hà Bắc đang phải đối diện với áp lực về vay nợ, trả lãi, khiến kiểm toán đặt nghi vấn về khả năng hoạt động của Công ty.
Tiếp đó "vua gỗ" một thời Kỹ nghệ gỗ Trường Thành (TTF) báo lỗ ròng gần 323 tỷ đồng trong quý cuối năm, theo đó nâng lỗ lũy kế cả năm 2019 lên hơn 804 tỷ đồng.Trong năm qua, TTF đã có những thay đổi lớn trong bộ máy lãnh đạo điều hành mà đáng chú ý nhất là việc bổ nhiệm vị Tổng Giám đốc trẻ tuổi Nguyễn Trọng Hiếu.
Tập đoàn Yeah1 (YEG) báo lỗ ròng cả năm 2019 gần 372 tỷ đồng, nâng khoản lỗ lũy kế lên 292 tỷ do việc trích lập dự phòng liên quan đến mạng đa kênh ScaleLab. Từ sau khủng hoảng Youtube, Yeah1 đã thực hiện nhiều thay đổi từ các vị trí điều hành doanh nghiệp cho đến định hướng chiến lược kinh doanh. Yeah1 vẫn đang loay hoay trong việc tìm kiếm động lực tăng trưởng tiếp theo.
Ngành thép lao đao
Ngành thép cũng đã khép lại năm 2019 đầy khó khăn khi nhiều doanh nghiệp ngành thép báo lỗ. Thép Dana Ý (DNY) báo lỗ cả năm 2019 là 313 tỷ đồng nguyên nhân vẫn là do công ty bị tạm dừng hoạt động sản xuất – lớn hơn nhiều so với ước tính lỗ 68 tỷ đồng mà ĐHCĐ thông qua hồi đầu năm. Thép Pomina (POM) báo lỗ sau thuế gần 310 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ vẫn lãi đến 433,5 tỷ đồng trong khi mục tiêu kinh doanh 2019 là có lãi sau thuế 400 tỷ đồng. Thép Việt Ý (VIS) lỗ 218,7 tỷ đồng trong năm 2019 nâng tổng lỗ lũy kế chưa phân phối đến hết năm 2019 lên đến gần 545 tỷ đồng.
Về nguyên nhân thua lỗ, các doanh nghiệp thép cho rằng do thị trường thép liên tục khó khăn bởi các hàng rào phòng vệ thương mại, giá thép nguyên liệu đầu vào biến động nhưng giá bán thành phẩm, giá gia công lại không tăng. Đồng thời, sản lượng sản xuất giảm dẫn đến chi phí sản xuất và giá thành tăng cao, ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh.
Những khoản lỗ trăm tỷ khác
Khoản lỗ 198 tỷ đồng trong năm 2019 của Tổng Xây lắp dầu khí (PVX) đã khiến doanh nghiệp này đối mặt với án hủy niêm yết cận kề khi kHai năm liền trước, doanh nghiệp này cũng đã thua lỗ liên tiếp, lần lượt lỗ 416 tỷ đồng năm 2017 và 414 tỷ đồng năm 2018.
Ngoài ra còn có khoản lỗ 111,7 tỷ đồng trong năm tài chính 2018 – 2019 của Agifish (AGF) – đây cũng là năm thứ 3 liên tiếp công ty chịu lỗ. Chưa tính đến điều kiện lỗ 3 năm liên tiếp thì mới đây, HoSE đã có quyết định hủy niêm yết bắt buộc với cổ phiếu AGF với lý do vi phạm chậm nộp BCTC trong 3 năm liên tiếp, ngày có hiệu lực nhằm 17/2/2020. Ngày giao dịch cuối cùng của AGF là ngày 14/2/2020.
BOT Cầu Thái Hà (BOT) báo lỗ hơn 41 tỷ đồng trong quý 4 nâng tổng lỗ từ đầu năm lên gần 170 tỷ đồng. Sheraton Đà Nẵng (BDP) báo năm 2019 lỗ ròng 143,5 tỷ đồng trong khi năm 2018 cũng đã báo lỗ 178 tỷ đồng. Công nghiệp - Dịch vụ - Thương Mại Ngọc Nghĩa (NNG) lỗ ròng 350 tỷ đồng trong khi năm 2018 có lãi gần 353 tỷ đồng. Đây cũng là năm đầu tiên NNG báo lỗ kể từ khi niêm yết. Danh sách còn có sự góp mặt của 2 doanh nghiệp vận tải biển NOS và VST đây đều là những doanh nghiệp thua lỗ triền miên trong nhiều quý vừa qua.
Trong 17 doanh nghiệp thua lỗ lớn trong năm 2019 thì có tới 16/17 doanh nghiệp có doanh thu sụt giảm so với cùng kỳ, trong số đó có 10/17 doanh nghiệp đã lỗ cả trong năm 2018 và nếu xét đến kế hoạch kinh doanh được đặt ra tại ĐHĐCĐ thường niên 2019 thì 9/17 doanh nghiệp đặt mục tiêu có lãi thậm chí như Pomina còn dự tính lãi tới 400 tỷ đồng.