Các vụ khiếu nại ngày càng phức tạp
Đó là ý kiến của bà Nguyễn Thị Phương Lan, Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng tỉnh Đắk Lắk tại Hội nghị tổng kết công tác bảo vệ NTD khu vực miền Trung do Cục quản lý cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng tổ chức vào chiều 15/3 tại Đà Nẵng.
Bà Lan cho hay, năm 2017, tại Đắk Lắk, lực lượng chức năng phát hiện hàng loạt các vụ vi phạm nghiêm trọng quyền và lợi ích của người tiêu dùng. Gần 90 người phải nhập viện điều trị do ngộ độc thực phẩm; 86 cơ sở sản xuất thực phẩm bị xử lý vi phạm; trên 650 vụ bị QLTT Đắk Lắk xử phạt thu ngân sách gần 6,9 tỷ đồng… và hàng trăm các vụ vi phạm ở các lĩnh vực khác như nông nghiệp, đo lường chất lượng.
Vụ xe ô tô Nissan bị lộ vỏ xe màu xanh, phủ sơn trắng sau một thời gian sử dụng |
Ông Nguyễn Hà Bắc - PGĐ Sở Công Thương TP Đà Nẵng cho biết, theo thống kê những kiến nghị, phản ảnh đến Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP Đà Nẵng thì ngày càng có nhiều vụ việc yêu cầu cần tiến hành kiểm định chất lượng hàng hóa vì đã gây thiệt hại đến quyền và lợi ích của người tiêu dùng, giá trị hàng hóa khiếu nại ngày càng lớn; tính chất phức tạp của vụ việc khiếu nại ngày càng tăng, ảnh hưởng đến nhiều người sử dụng.
Một số vụ việc gây bức xúc cho người tiêu dùng trong năm 2017 đã được Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP Đà Nẵng tiếp nhận và xử lý như: Vụ việc mua mới xe ô tô Nissan màu trắng, sau một thời gian sử dụng thì phát hiện vỏ xe màu xanh, phủ sơn trắng; vụ việc cửa hàng nội thất bán hàng nội thất gỗ không đúng chất lượng và có hành vi đe dọa, nhục mạ khách hàng; hay vụ việc khách du lịch mua hàng hóa tại một cửa hàng đặc sản có khối lượng thực tế không đúng như niêm yết trên bao bì sản phẩm…
Vì sao bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng gặp khó?
Theo đại diện Sở Công thương Đà Nẵng, với sự phát triển mạnh mẽ của CNTT, TMĐT hiện nay, các hình thức mua bán trực tuyến trên các website TMĐT, qua mạng xã hội như facebook ngày càng thu hút người tiêu dùng ở mọi lứa tuổi do sự đa dạng và tiện dụng. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp/cá nhân đã lợi dụng mạng xã hội để kinh doanh những sản phẩm không đảm bảo chất lượng hàng hóa, nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng, quảng cáo sai sự thật, không có địa chỉ kinh doanh cụ thể, rõ ràng hoặc không có hóa đơn, chứng từ… gây khó khăn trong quá trình kiểm tra, xác minh, xử lý, khó khăn cho công tác bảo vệ người tiêu dùng.
Cục quản lý cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng thì cho rằng, một trong những khó khăn, bất cập trong bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đó là các đầu mối để triển khai công tác chưa được thống nhất nên khó phối hợp.
Đầu mối để triển khai công tác chưa được thống nhất nên khó phối hợp (ảnh M.H) |
Bên cạnh đó, mô hình tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng chưa được thống nhất, mỗi địa phương mỗi kiểu; chưa có hướng dẫn cụ thể về thủ tục rút gọn cho vụ án của người tiêu dùng; nguồn lực cho công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng còn hạn chế.
Mở rộng tổng đài hỗ trợ người tiêu dùng
Theo Cục quản lý cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng, năm 2018, sẽ đưa nội dung pháp luật, kiến thức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vào chương trình giảng dạy, đào tạo. Thực hiện chương trình doanh nghiệp vì người tiêu dùng…
Thêm vào đó, mở rộng tổng đài 18006838 để tư vấn, hỗ trợ người tiêu dùng. Đồng thời thành lập các tổ hòa giải tại các cơ quan bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nhằm đa dạng hóa, mở rộng phạm vi thực hiện tuyên truyền.
Tổng đài 1022 của Đà Nẵng nhận thông tin khiếu nại của người tiêu dùng và chuyển đến các đơn vị chức năng để xử lý (ảnh M.H) |
Minh Hằng