Đây là kinh nghiệm của tác giả Lucas Trader trên mạng xã hội Stockbook - mạng xã hội chứng khoán đang có 45.000 người dùng, được đánh giá là nổi tiếng nhất hiện nay.
Kiểm soát cảm xúc trong trò chơi cân não
Đầu tư nói chung và đầu tư chứng khoán nói riêng chịu ảnh hưởng rất nhiều từ cảm xúc của nhà đầu tư, trong đó có hai cảm xúc rõ rệt nhất: Tham lam và Sợ hãi.
Thực chất, hai cảm xúc này rất tốt đối với chúng ta. Sợ hãi giúp chúng ta thoát chạy khỏi những con vật săn mồi ghê gớm từ thời nguyên thủy hay giúp chúng ta không có những hành động điên rồ như nhảy từ đỉnh núi xuống cho vui. Tham lam cũng vậy, nó giúp con người có nhu cầu tích lũy nhiều hơn để tồn tại, giúp phát triển thế hệ sau tốt hơn.
Có thể nói nhờ vào tham lam và sợ hãi mà loài người tồn tại đến ngày nay.
Trong khi chúng ta có những công cụ và công nghệ của thế kỉ 21 thì loài người vẫn tồn tại với hai bản năng từ thời nguyên thủy: sợ hãi và tham lam. Và không ở đâu sợ hãi và tham lam lại rõ rệt như ở trong thị trường chứng khoán, khi nhà đầu tư có thể chuyển từ trạng thái này sang trạng thái kia chỉ trong một nốt nhạc.
Làm thế nào để chinh phục sợ hãi và tham lam? Đầu tiên chúng ta cần phải hiểu chúng ta sợ hãi gì và tham lam gì. Về cơ bản, chúng ta có hai nỗi sợ hãi: sợ mất tiền và sợ không kiếm được nhiều tiền bằng người khác. Cũng như thế, chúng ta có hai sự tham lam: muốn giữ được tiền đã kiếm được và muốn kiếm được nhiều tiền hơn.
Muốn kiểm soát sợ hãi và tham lam, do đó, bạn cần phải KHÔNG QUAN TÂM đến người khác đang làm gì, dù họ đang kiếm được tiền hay đang mất tiền. Hãy nhìn vào Buffett, ông không cần phải ngồi ở Wall Street để trở thành nhà đầu tư giỏi nhất thế giới. Và tất nhiên, ông cũng chả quan tâm đến người khác đang làm gì. Loại bỏ yếu tố "người khác", bạn chỉ còn phải đối mặt với bản thân mình. Và bạn cần phải: GIẢM MỨC LỖ CỦA BẠN.
Rất đơn giản. Đừng bao giờ "mua và cầu nguyện". Khi cổ phiếu của bạn giảm, tức là có điều gì đó sai. Không phải là sai sai, mà là rất SAI. Chấm hết. Giảm dần tỷ trọng, hoặc cắt lỗ tùy vào bạn. Nhưng đừng ngồi đó và cầu nguyện. Luôn có một mức cắt lỗ với mọi cổ phiếu và bạn phải đặt ra mức này TRƯỚC KHI bạn tiến hành mua cổ phiếu. Và tất nhiên, một khi đã đặt ra mức cắt lỗ, thì đừng điều chỉnh nó theo chiều thấp đi. Nói cách khác chỉ điều chỉnh LÊN mức cắt lỗ mà thôi. Hãy nhớ luôn "Cắt lỗ thật nhanh và để cho lãi chạy". (Cut your losers quick and let your winners run). Làm chủ cảm xúc hoặc để nó làm chủ, đó là lựa chọn của bạn.