Theo Ủy ban MTTQ huyện Ba Tri , những năm trước đây gia đình ông Nguyễn Minh Nhủ (sinh năm 1974, tên gọi thân quen là Út Nhủ) chủ yếu sống nhờ vào 02 ha đất sản xuất muối năng suất bấp bênh, giá cả không ổn định nên cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn.
"Những năm gia đình theo nghề muối cuộc sống khổ cực lắm. Mưa nắng thất thường khiến ruộng muối nhiều khi mất trắng. Rồi khi có được muối thì thương lái ép giá nên thu nhập của 2ha đất như gió vào nhà trống, không đủ chi tiêu", ông Nhủ nhớ lại.
Năm 2014, ông mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi , tiến hành đào ao, chuyển sang nuôi tôm biển để tăng thu nhập.
Với hình thức nuôi tôm thâm canh - quảng canh, thu nhập và cuộc sống của gia đình ông đã có những thay đổi đáng kể khi tôm trúng vụ.
Nhưng cuộc đời không hề bằng phẳng. Người nông dân lam lũ này phải đối mặt nhiều thách thức do chưa có kinh nghiệm, thiếu kiến thức nên "một vụ được, ba bốn vụ thất". Có lúc ông tưởng chừng cạn vốn vì ao tôm mất trắng bởi dịch bệnh.
"Nuôi tôm ao đất mình chưa đáp ứng được yêu cầu về kỹ thuật nên cũng gặp thất bại nhiều. Khi đó thả tôm xuống thì "giao cho trời đất" vì không quản lý được con giống và nguồn nước rồi thời tiết nữa", ông Nhủ chia sẻ về những ngày khó khăn khi bắt đầu tập tành nuôi tôm.
Việc thất thu do chưa nắm vững kỹ thuật nuôi tôm không khiến ông nản chí. Người nông dân sinh năm 1974 này quyết định tìm đến những người đi trước, những "cánh chim đầu đàn" trong nghề nuôi tôm ở Ba Tri để học hỏi.
Có kiến thức, đúc kết được kinh nghiệm từ thực tiễn, năm 2017, ông tập trung đầu tư nuôi tôm công nghệ khép kín 2 giai đoạn với loại tôm thẻ chân trắng.
Ông triển khai mô hình dưới đáy ao trải phủ bạt, trên ao che chắn màng lưới để ngăn ngừa dịch bệnh từ bên ngoài, hạn chế rủi ro, giảm chi phí thuốc, hóa chất xử lý. Nhờ vậy, tôm nuôi phát triển tốt, tạo ra sản phẩm sạch.
Cùng với đó, trang bị thiết bị cho tôm ăn bằng máy thay thủ công để giảm chi phí, đảm bảo lượng thức ăn cung cấp cho tôm, hạn chế ô nhiễm môi trường từ thức ăn thừa.
Mặt khác, ông áp dụng hệ thống cho ăn tự động, theo dõi quản lý bằng hệ thống camera với điện thoại thông minh. Nên ngồi một chỗ ông có thể giám sát hết các hoạt động của trại tôm.
"Sau nhiều vụ nuôi tôm quảng canh truyền thống thất bại, tôi được may mắn trúng vụ. Hồi đó nuôi ao đất với 3 ao, trúng được 2 ao lãi 600 triệu. Nhờ số vốn này, tôi mạnh dạn đầu tư để theo hướng nuôi tôm công nghệ cao sau khi học hỏi những người có kinh nghiệm ở Ba Tri, Bình Đại… Khi chuyển sang công nghệ cao này thì tỷ lệ thành công đạt từ 95%. Còn 5% đó là do ảnh hưởng của thiên tai, thời tiết", ông Út Nhủ chia sẻ với Dân Việt.
Sau vụ nuôi đầu tiên trong năm, với diện tích 2ha mặt nước, ông thu hoạch được hơn 15 tấn tôm, sau khi bán trừ chi phí còn lãi trên 700 triệu đồng, cao hơn gấp đôi so với nuôi theo hình thức truyền thống.
"Một vụ tôm thẻ chân trắng khoảng 3 tháng. Nếu nuôi về size bự 20 – 25 con/kg thì 4 tháng. Thường tôi nuôi size 25-30 con/kg đã bán rồi. Mỗi năm tôi nuôi 4 vụ. Cứ xoay vòng các ao 3 tháng ra tôm. Mình vừa ra cái này có vèo ao kia rồi cứ ra tiếp tiếp vậy đó chứ không nuôi theo vụ như nuôi ao đất một năm 2 vụ, 3 vụ. Nên, lúc nào cũng có tôm bán", ông Nhủ cho biết.
Có tích lũy, ông mua thêm đất để mở rộng diện tích nuôi tôm. Đến nay, diện tích nuôi tôm của ông đã lên đến 18ha, đạt sản lượng 400 tấn/năm, tổng thu nhập đến 45 tỷ, trừ chi phí còn lãi hơn 20 tỷ đồng.
Chia sẻ về kỹ thuật nuôi , ông Nguyễn Minh Nhủ cho biết: "Để nuôi tôm công nghệ cao này thành công thì trước khi nước đưa vào ao vèo nuôi tôi phải xử lý nước ổn định, độ phèn, độ trong được đảm bảo. Sau đó mới thả giống nuôi , con giống nuôi phải chọn giống tốt, đảm bảo chất lượng và nuôi được đến kích thước lớn, bán được giá cao.
Điều quan trọng là khâu quản lý phải chặt, nhất là hàng ngày, hàng giờ phải theo dõi thức ăn tôm, phân tôm. Khi thấy phân không ổn định thì tôi trộn thuốc vi sinh hoặc kháng sinh vào thức ăn cho tôm. Nhờ kịp thời theo dõi, phát hiện xử lý nên sau một vài ngày thì tôm sẽ khỏi, ổn định trở lại, phát triển bình thường. Nhờ vậy tôm đảm bảo chất lượng, bán được giá cao".
Ngoài việc phát triển kinh tế gia đình, ông Nguyễn Minh Nhủ còn tạo việc làm cho nhiều lao động ở địa phương với thu nhập khá; tích cực đóng góp kinh phí để xây dựng các công trình phúc lợi xã hội ở địa phương, chăm lo gia đình chính sách, hộ nghèo như xây dựng giao thông nông thôn, xây tặng nhà tình nghĩa, tình thương…
Trong năm qua, ông đã đóng góp trên 200 triệu đồng để thực hiện các chương trình an sinh xã hội. Là Tổ trưởng Tổ hợp tác Nuôi tôm sạch Bảo Thạnh, ông luôn chủ động liên kết và chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật thực hiện mô hình với thành viên của tổ và cộng đồng.
Với những thành tích đạt được, ông Nhủ được Hội Nông dân tỉnh Bến Tre tôn vinh "Nông dân Bến Tre xuất sắc" giai đoạn 2018 – 2020 và được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tặng Bằng khen với thành tích Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp Trung ương giai đoạn 2017 – 2021.
Ông Đặng Văn Phán, Chủ tịch Hội Nông dân xã Bảo Thạnh (huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre) cho biết: "Có thể nói, mô hình nuôi tôm công nghệ cao của ông Nguyễn Minh Nhủ đã thật sự mang lại hiệu quả.
Đây là mô hình mới, đầu tiên và là mô hình sản xuất kinh doanh giỏi tiêu biểu trong các tổ hợp tác nuôi tôm, tổ nghề nghiệp trên địa bàn huyện.
Sắp tới, chúng tôi sẽ tuyên truyền hiệu quả của mô hình cho những nông dân nuôi tôm trên địa bàn biết để thực hiện, nhân rộng. Qua đó nâng cao thu nhập cho người nuôi tôm ở địa phương, góp phần đưa kinh tế, xã hội không ngừng phát triển, đặc biệt là xây dựng nông thôn mới".