Cho đến nay cuộc chiến thương mại chống lại Trung Quốc của Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn tập trung vào các loại thuế nhập khẩu hay nói cách khác là nhằm vào các mặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc. Giờ đây có nhiều dấu hiệu cho thấy ông đang quay sang mặt trận mới: "vũ khí hóa" các mặt hàng xuất khẩu của Mỹ.
Bằng cách buộc các công ty Mỹ phải xin giấy phép nếu muốn làm ăn với Huawei, chính quyền Trump đang cố gắng ngăn chặn Bắc Kinh tiếp cận với các công nghệ quan trọng. Ngoài Huawei, Mỹ còn đang xem xét cho thêm 5 công ty Trung Quốc khác vào "danh sách đen".
Động thái này là một phần trong nỗ lực mở rộng và siết chặt các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Mỹ, mà trước đây là hạn chế bán các công nghệ có liên quan đến quốc phòng cho những nước mà Mỹ cho là theo chế độ độc tài và cả các đối thủ chiến lược (như Nga). Tuy nhiên giới doanh nghiệp lo ngại cuộc chiến tranh thương mại mà Tổng thống Trump đang theo đuổi có thể phát triển thành 1 cuộc chiến toàn diện được dẫn dắt bởi công nghệ, kéo theo những hệ lụy không nhỏ đối với kinh tế Mỹ.
Trong những cuộc thảo luận kín về danh sách các sản phẩm xuất khẩu sẽ bị kiểm soát, phe diều hầu trong nội các của ông Trump đang thôi thúc bổ sung công nghệ robot, trí tuệ nhân tạo và in 3D – những thứ mà họ cho là có vai trò quan trọng đối với sức cạnh tranh của các doanh nghiệp Mỹ trong tương lai. Ngoài ra Mỹ có thể ban hành luật lệ buộc các công ty Mỹ hạn chế thuê kỹ sư cũng như các nhà khoa học nước ngoài làm việc trong các lĩnh vực nhạy cảm.
Điều này hoàn toàn phù hợp với quan điểm của chính quyền Trump cho rằng an ninh kinh tế cũng là an ninh quốc gia. Đó chính là lập luận được đưa ra để áp thuế lên thép và nhôm nhập khẩu cũng như linh kiện ô tô của EU và Nhật Bản. Cao hơn, Mỹ cũng đã sử dụng các công cụ như rà soát kỹ lưỡng hơn các khoản đầu tư của Trung Quốc tại Mỹ và cấm vận tài chính để cô lập các nước như Iran và Venezuela.
Hôm qua, Tổng thống Trump miêu tả Huawei là "rất nguy hiểm", thậm chí ông còn nhắc đến khả năng đưa vấn đề của Huawei vào thỏa thuận thương mại với Trung Quốc. Bên cạnh đó ông cũng khiến thị trường lo ngại về kịch bản chiến tranh thương mại lan rộng khi đề xuất đánh thuế hàng hóa của các nước duy trì đồng nội tệ thấp một cách giả tạo.
Một số doanh nghiệp Mỹ e sợ các biện pháp kiểm soát xuất khẩu hơn cả thuế quan. General Electric, Google và Microsoft lo ngại chính sách mới khiến họ không thể cạnh tranh tại các thị trường sinh lời cao, đồng thời khả năng sáng tạo của nước Mỹ sẽ bị thui chột vì không thể tham gia vào các hoạt động hợp tác nghiên cứu.
Bản thân vụ Huawei cũng thể hiện thế khó của Mỹ: từ lâu các cơ quan tình báo Mỹ đã nhằm vào Huawei nhưng rõ ràng việc Huawei bị tấn công đã ảnh hưởng đến cổ phiếu và mô hình kinh doanh của các công ty Mỹ đang là nhà cung ứng cho Huawei.
Nhiều năm nay, hệ thống kiểm soát xuất khẩu của Mỹ luôn nhằm vào những thứ như vật liệu phân hạch, thiết bị viễn thông và an ninh mạng, công nghệ laser và thiết bị vũ trụ. Tháng 11 năm ngoái, Bộ Thương mại Mỹ đề xuất bổ sung 14 công nghệ mới nổi như công nghệ sinh học, hệ thống giám sát và công nghệ robotic. Theo nguồn tin thân cận, đến nay mối quan tâm đã thu hẹp lại 3 công nghệ được coi là quan trọng nhất: trí thông minh nhân tạo, công nghệ lượng tử và công nghệ in 3D.
Trong báo cáo mới được công bố, các nhà nghiên cứu tại Information Technology and Innovation Foundation cảnh báo các biện pháp hạn chế xuất khẩu công nghệ có thể khiến Mỹ thiệt hại 56 tỷ USD và đe dọa 74.000 việc làm trong 5 năm tới.