Ngày hôm nay, Facebook vừa đưa ra tuyên bố: "Như một phần nỗ lực đảm bảo an toàn cho mọi người và đấu tranh chống lại những sự lạm dụng trên nền tảng quảng cáo của mình, chúng tôi đã nộp 2 đơn kiện riêng biệt chống lại những hành động trái luật pháp vào ngày hôm nay đối với những đối tượng lừa đảo trực tuyến, vi phạm Chính sách quảng cáo".
Đáng chú ý trường hợp thứ 2 trong vụ kiện của Facebook là một nhóm cá nhân người Việt Nam chuyên tấn công chiếm đoạt tài khoản để chạy hàng triệu USD quảng cáo trái phép.
Được biết, những người Việt Nam này sử dụng mánh khóe “đánh cắp cookie” hay “đánh cắp session” để xâm phạm tài khoản các nhân viên của nhiều đại lý quảng cáo, tiếp thị và sau đó chạy quảng cáo trái phép.
Các nạn nhân sẽ cài đặt một ứng dụng tên "Ad Manager for Facebook" từ Google Play Store. Ứng dụng này hiện đã bị loại khỏi Play Store đã được tạo ra bởi chính 4 người kể trên, họ khuyến khích người dùng chia sẻ tài khoản và thông tin Facebook của họ khi đăng nhập, sau đó được sử dụng để truy cập vào tài khoản Facebook và chạy quảng cáo. Được biết tính tới tháng 12 năm ngoái, ứng dụng này đã có trên 10.000 lượt tải xuống.
Theo thông tin từ Facebook, nhóm này đã chạy trên 36 triệu USD quảng cáo trái phép. Trong trường hợp này, Facebook đã hoàn tiền lại cho các nạn nhân và giúp họ bảo mật tài khoản.
Theo thông tin của Mediapost, chi tiết tên tuổi của 4 người bị kiện gồm T.N, L.K, N.Q.B và P.H.D và yêu cầu họ phải chịu trách nhiệm cho việc tạo ra ứng dụng lừa đảo kể trên nhằm chạy ad trái phép.
"Các hành động pháp lý ngày nay thể hiện cam kết liên tục của chúng tôi trong việc bảo vệ người dùng, thực thi các chính sách của chúng tôi và buộc mọi người phải chịu trách nhiệm về việc lạm dụng các dịch vụ của chúng tôi", đại diện Facebook nói.
Hiện tại Facebook cũng đã vô hiệu hóa tài khoản Facebook và Instagram của 4 người kể trên.
Trước khi bị phát hiện, 4 đối tượng này đã chạy quảng cáo sai lệch để quảng bá việc bán nhiều mặt hàng bao gồm quần áo, cốc chén, đồng hồ và đồ chơi cho chính nền tảng thương mại điện tử của mình. "Ngay khi ai đó nhấp vào quảng cáo, người dùng được chuyển đến trang web của bên thứ ba để thanh toán cho giao dịch mua của họ. Tuy nhiên, một khi thanh toán hoàn tất, người dùng không bao giờ nhận được bất kỳ hàng hóa nào hoặc mặt hàng được giao không phải là những gì họ đặt hàng hoặc có chất lượng kém", Facebook cho biết.
4 người kể trên không chỉ chạy khoảng 10.000 quảng cáo trên Facebook và Instagram mà còn "cho thuê các tài khoản vi phạm". Ví dụ đối tượng có tên P.H.D "thường xuyên cung cấp cho người dùng Việt quyền truy cập vào các tài khoản Facebook đã bị chiếm đoạt, sau đó chạy quảng cáo sản phẩm thông qua hình thức phát trực tiếp video".
Nguồn: Mediapost, Facebook