Đây là đề xuất được Thanh tra Bộ Xây dựng đưa ra tại dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 139/2017/NĐ-CP đối với vi phạm quy định về trật tự xây dựng.
Xử phạt bổ sung tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm
Sau gần 4 năm thực hiện Nghị định số 139/2017/NĐ-CP (Nghị định 139) quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng việc quản lý đầu tư xây dựng, trật tự xây dựng đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập, thiếu tính khả thi, cần thiết sửa đổi, bổ sung chưa như có biện pháp chế tài dừng thi công xây dựng đối với công trình vi phạm; một số lĩnh vực còn thiếu chế tài xử lý; chế tài xử lý đối với một số hành vi vi phạm hành chính chưa đủ mạnh, chưa đủ sức răn đe, mức xử phạt còn thấp…
Thanh tra Bộ Xây dựng chủ trì tổ chức Hội nghị Tọa đàm về các bất cập của Nghị định 139 với 19 tỉnh, thành phố miền Nam vào tháng 12/2020 |
Trước thực tế trên, tháng 3/2021, Thanh tra Bộ Xây dựng được lãnh đạo Bộ giao chủ trì soạn thảo Nghị định thay thế Nghị định 139. Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 139 được Thanh tra Bộ thực hiện sau 4 tháng nghiên cứu và mở một cuộc toạ đàm với 19 Sở Xây dựng khu vực miền Nam để ghi nhận ý kiến từ thực tế.
Một trong những điểm mới đáng chú ý của dự thảo Nghị định là điều chỉnh mức phạt theo hướng tăng từ 1,5 đến 2 lần so với mức phạt đã quy định tại Nghị định 139, đặc biệt tăng nặng đối với một số hành vi, nhóm hành vi liên quan vi phạm quy định về điều chỉnh quy hoạch xây dựng, trật tự xây dựng, kinh doanh bất động sản (BĐS), quản lý sử dụng nhà chung cư.
Dự thảo đã điều chỉnh các quy định nhằm kiểm soát chặt chẽ từ khâu lập, điều chỉnh quy hoạch, khảo sát xây dựng, thiết kế, thi công xây dựng, giám sát, lựa chọn nhà thầu cho đến nghiệm thu, bàn giao công trình vào khai thác sử dụng. Chế tài xử lý mạnh kết hợp hình thức xử phạt bằng tiền, xử phạt bổ sung, áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả tương ứng đối với từng hành vi vi phạm nhằm tăng cường hơn nữa, đảm bảo công tác quản lý đầu tư xây dựng, trật tự xây dựng đi vào nề nếp.
Đề xuất ngoài hình thức xử phạt bằng tiền, trong nhiều trường hợp vi phạm xây dựng còn bị tước quyền sử dụng giấy phép, thu hồi, hủy giấy phép xây dựng (Ảnh: Công trình C1-CT thuộc dự án khu đô thị An Lạc Green Symphony không có giấy phép xây dựng, bị xử phạt vi phạm hành chính, yêu cầu dừng thi công nhưng vẫn ngang nhiên xây dựng) |
Đối với hành vi điều chỉnh quy hoạch không phù hợp với quy chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn áp dụng hoặc điều chỉnh quy hoạch không đúng căn cứ, điều kiện, nguyên tắc, trình tự điều chỉnh, đề xuất mức xử phạt tiền lên đến 250 triệu đồng (mức phạt quy định tại Nghị định 139 là 70 triệu đồng), đồng thời buộc tổ chức vi phạm phải lập lại quy hoạch xây dựng. Bổ sung biện pháp khắc phục hậu quả buộc dừng thi công đối với công trình xây dựng vi phạm về khởi công, công trình chỉ được tiếp tục thi công xây dựng khi đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý vi phạm xác nhận đã khắc phục xong vi phạm nhằm ngăn chặn, xử lý hiệu quả, triệt để ngay từ giai đoạn đầu.
Vi phạm quy định về trật tự xây dựng (Điều 15 dự thảo) là một trong những nội dung được rất nhiều địa phương quan tâm, phản ánh được Thanh tra Bộ tập trung nghiên cứu, sửa đổi nhằm khắc phục những bất cập trong quá trình triển khai thực hiện.
Dự thảo điều chỉnh theo hướng phân tách hành vi theo quy mô công trình để xử phạt cho phù hợp, tăng mức phạt, cụ thể phạt tiền đến 300 triệu đồng đối hành vi xây dựng công trình không phép, sai phép, sai thiết kế, sai quy hoạch xây dựng (đối với công trình có yêu cầu phải lập dự án đầu tư).
Dù dự án An Lạc Green Symphony vẫn trong quá trình hoàn thiện thủ tục pháp lý như điều chỉnh quyết định giao đất, xác định nghĩa vụ tài chính bổ sung...nhưng Công ty CP Đầu tư An Lạc đã xây xong nhiều dãy nhà biệt thự liền kề và rầm rộ rao bán với giá từ 60-120 triệu đồng/m2. Thậm chí, chủ đầu tư đã bàn giao các sản phẩm biệt thự, nhà liền kề cho khách hàng về ở... |
Phạt tiền đến 600 triệu đồng đối với hành vi tiếp tục vi phạm sau khi đã bị lập biên bản vi phạm hành chính hoặc sau khi đã ban hành quyết định xử phạt (mức phạt quy định tại Nghị định 139/2017 là 350 triệu đồng).
Đặc biệt tái phạm sẽ bị xử phạt đến 1 tỷ đồng (đối với công trình có yêu cầu phải lập dự án đầu tư).
Ngoài hình thức xử phạt bằng tiền, trong nhiều trường hợp còn bị tước quyền sử dụng giấy phép xây dựng, tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính. Trường hợp tổ chức, cá nhân không khắc phục việc xây dựng sai so với giấy phép xây dựng trong thời hạn ghi trong văn bản xử lý vi phạm thì người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền thu hồi, hủy giấy phép xây dựng theo quy định và thông báo cho chủ đầu tư, UBND cấp xã nơi có công trình xây dựng.
Đình chỉ kinh doanh có thời hạn chủ đầu tư “bán lúa non”
Đối với lĩnh vực kinh doanh bất động sản dự thảo cũng tăng mức phạt gần kịch khung 800 triệu đồng đối với một số hành vi trong kinh doanh BĐS đảm bảo tính răn đe. Trên cơ sở quy định mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2020, mức xử phạt tiền trong lĩnh vực kinh doanh BĐS được tăng từ 300 triệu đồng lên đến 1 tỷ đồng (áp dụng đối với tổ chức), theo đó một số hành vi đề xuất tăng mức phạt lên đến 600 triệu đồng như kinh doanh BĐS mà BĐS đó không đảm bảo đầy đủ các điều kiện theo quy định; thu tiền của bên mua, bên thuê mua BĐS hình thành trong tương lai không đúng tiến độ thực hiện dự án hoặc thu vượt tỷ lệ phần trăm giá trị hợp đồng theo quy định.
Đặc biệt tăng mức phạt tiền lên đến 800 triệu đồng đối với một số hành vi vi phạm của chủ đầu tư liên quan việc chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án vi phạm trình tự thủ tục quy định; bàn giao nhà, công trình xây dựng cho khách hàng khi chưa hoàn thành đầu tư xây dựng nhà ở, công trình xây dựng và các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo tiến độ trong dự án đã được phê duyệt hoặc đưa công trình vào khai thác, sử dụng khi chưa đảm bảo kết nối với hạ tầng chung của khu vực...
Theo Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng Nguyễn Ngọc Tuấn, chấp hành chỉ đạo của lãnh đạo Bộ, Thanh tra Bộ triển khai xây dựng Nghị định thay thế Nghị định 139 để bắt kịp thực tế, đảm bảo phủ kín các hành vi và chế tài xử lý trong tất cả các lĩnh vực quản lý nhà nước ngành Xây dựng |
Ngoài hình thức xử phạt bằng tiền, tổ chức, cá nhân vi phạm còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung đình chỉ hoạt động kinh doanh BĐS có thời hạn và bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả phù hợp, tương xứng với hành vi vi phạm như buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp, buộc hoàn trả kinh phí, buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu và buộc hoàn thành việc xây dựng theo đúng quy định hoặc cam kết… nhằm khắc phục, xử lý triệt để hậu quả của các hành vi vi phạm.
Trị bệnh chủ đầu tư “om” nghìn tỷ quỹ bảo trì chung cư
Theo Thanh tra Bộ Xây dựng, xuất phát từ thực tế tình trạng đơn thư khiếu nại gay gắt kéo dài trong việc tranh chấp quỹ bảo trì tại nhiều chung cư tạo nên tình trạng căng băng rôn, khẩu hiệu làm “xấu xí” bộ mặt đô thị, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã giao Thanh tra Bộ thực hiện thanh tra công tác quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư.
Cụ thể, trong đợt thanh tra vừa qua, Thanh tra Bộ Xây dựng đã ban hành 18 kết luận thanh tra đối với 18 chủ đầu tư và 17 ban quản trị tại 24 nhà chung cư/cụm nhà chung cư trong công tác quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư. Sau thanh tra đã giải quyết triệt để nhiều khiếu nại gay gắt của các cư dân, góp phần đưa cuộc sống của hơn 60 vạn người dân ổn định trở lại.
Kết luận thanh tra đã buộc 12/18 chủ đầu tư phải thực hiện gửi vào tài khoản kinh phí bảo trì theo quy định và quyết toán số liệu để chuyển sang ngay trong vòng 10 ngày cho ban quản trị nhà chung cư, tổng số kinh phí bảo trì là hơn 344,96 tỷ đồng…
Thanh tra Bộ Xây dựng cũng đã đề xuất bổ sung 23/26 hành vi vi phạm còn thiếu và tăng mức xử phạt hiện đang áp dụng còn thấp đối với 03/26 hành vi vi phạm về công tác quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì nhà chung cư với mức xử phạt “kịch khung” số tiền là 300 triệu/hành vi, cùng mức phạt này được áp dụng đối với hành vi tái phạm khi tự ý chuyển đổi công năng, mục đích sử dụng phần sở hữu chung, sử dụng chung hoặc tự ý chuyển đổi công năng, mục đích sử dụng phần diện tích không phải để ở trong nhà chung cư có mục đích hỗn hợp nhằm tăng tính răn đe, sự nghiêm minh của pháp luật trong việc quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì nhà chung cư. Ngoài việc xử phạt đối với chủ đầu tư, dự thảo nghị định cũng quy định chế tài xử lý đối với Ban quản trị nhà chung cư, Đơn vị quản lý vận hành nhà chung cư và người sử dụng nhà chung cư trong việc quản lý, sử dụng nhà chung cư.
Ngoài việc xử phạt bằng tiền, tổ chức, cá nhân vi phạm còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả như buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu, buộc phá dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm hoặc buộc hoàn trả lại chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư khoản tiền chênh lệch (nếu có) do tính sai diện tích….
Thanh tra Bộ Xây dựng cho biết, với tinh thần cầu thị, mong muốn nhận được nhiều góp ý để nghiên cứu tham mưu báo cáo Lãnh đạo Bộ, trình Chính phủ Nghị định thay thế Nghị định 139 có chất lượng, góp phần nâng cao hiệu lực hiệu quả của quản lý nhà nước trong các lĩnh vực Ngành xây dựng. Dự thảo Nghị định đang được Bộ Xây dựng lấy ý kiến gồm 89 điều, chia thành 7 chương, bao gồm 70 nhóm hành vi vi phạm trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của ngành.
Mời độc giả xem toàn văn dự thảo TẠI ĐÂY
Hồng Khanh