Trong hai ngày, Zuckerberg đã trải qua gần 10 tiếng điều trần, trả lời câu hỏi của gần 100 nhà lập pháp. Dù buổi điều trần đầu tiên tại Thượng viện có những câu hỏi khó nhưng dường như các nhà lập pháp vẫn tôn trọng vị tỷ phú trẻ tuổi. Tuy nhiên, những gì diễn ra tại Hạ viện hoàn toàn khác biệt. Các nhà lập pháp liên tục chỉ trích và ngắt lời Zuckerberg vì những câu trả lời không làm họ hài lòng.
Hôm 11/4, các nhà lập pháp tập trung truy vấn Zuckerberg xung quanh các vấn đề liên quan tới dữ liệu người dùng. Các Hạ nghị sĩ đặc biệt tập trung vào các tính năng bảo mật của Facebook cũng nhưng đảm bảo sự riêng tư của người dùng. Nhiều vấn đề khác, trong đó có sự can thiệp của nước ngoài vào cuộc bầu cử năm 2016, cũng rất được quan tâm.
Sử dụng dữ liệu cá nhân
Hạ nghị sỹ Greg Walden của bang Oregon, người đang đảm trách cương vị Chủ tịch Ủy ban Năng lượng và Thương mại Hạ viện Mỹ, bắt đầu phiên điều trần bằng tuyên bố: "Trong khi Facebook đang phát triển mạnh, tôi lo rằng nó chưa thực sự trưởng thành. Tôi nghĩ đã đến lúc đặt ra câu hỏi có phải Facebook đã phát triển quá nhanh và phá vỡ quá nhiều thứ".
Đáp lại, Zuckerberg nhấn mạnh những quy định dành cho Facebook là "không thể tránh khỏi". Tuy nhiên, nhà sáng lập cũng chỉ ra một số quy định có thể được dùng để kiểm soát các công ty lớn như Facebook nhưng lại có thể gây tổn hại cho những công ty khởi nghiệp mới thành lập.
Tuy nhiên, khi các Hạ nghị sĩ gây sức ép với Zuckerberg xung quanh những điều luận cụ thể nhằm bảo vệ sự riêng tư của người dùng, trong đó yêu cầu các công ty như Facebook phải được sự cho phép trước khi thu thập dữ liệu, Zuckerberg đã từ chối và lảng tránh việc ủy hộ một đề xuất lập pháp cụ thể nào đó.
Hạ nghị sĩ Frank Pallone Jr. của bang New Jersey, yêu cầu ông chủ Facebook thể hiện rõ quan điểm đồng ý hay không đồng ý với những quy định mới nhằm buộc Facebook giảm thiểu việc thu thập và sử dụng dữ liệu người dùng. "Đây là một vấn đề phức tạp, cần nhiều hơn một câu trả lời", Zuckerberg đáp lại.
Trong khi đó, Hạ nghị sĩ Bobby L. Rush của bang Illinois chỉ thẳng tay về phía ông chủ Facebook và hỏi tại sao lại đổ trách nhiệm liên quan đến thiết lập an ninh và sự riêng tư cho người dùng.
Có thể nhân rộng mô hình bảo mật của châu Âu?
Tuần trước, Mark Zuckerberg đã hứa. Ông chủ Facebook nói rằng mạng xã hội này sẽ cung cấp cho người dùng trên toàn thế giới các điều kiện bảo mật tương đồng với luật bảo vệ dữ liệu mới và khắt khe của Liên minh châu Âu (EU), sẽ có hiệu lực vào tháng tới.
Tuy nhiên, trong phiên điều trần, Hạ nghị sĩ Gene Green của bang Texas và Jan Schakowsky của Illinois liên tục công kích Zuckerberg về vấn đề này. Cuối cùng, nhà sáng lập Facebook cũng phải nhắc lại những gì ông đã cam kết về quyền kiểm soát của người dùng.
Trong khi đó, một số nhà hoạch định chính sách và bảo vệ quyền riêng tư ở châu Âu cho biết Facebook dường như đang vi phạm các luật mới của châu Âu. Trong một điều luật, châu Âu đòi hỏi sự riêng tư là mặc định. Facebook bị yêu cầu tắt một số cài đặt quảng cáo và bảo mật hiện đang được để mở. Chúng sẽ chỉ được phép kích hoạt khi người dùng cho phép.
Zuckerberg cho biết Facebook đang đưa ra một công cụ cho phép người dùng lựa chọn riêng tư hay chia sẻ những gì họ muốn. Tuy nhiên, có thể người dùng ở mỗi quốc gia lại đi theo những quy định khác nhau, tùy thuộc vào quy định pháp lý của quốc gia đó, Mark nói.
Tuy nhiên, ông Green muốn biết Facebook có tuân thủ luật của châu Âu và mở rộng nó với người dùng trên toàn thế giới bằng cách cung cấp các hồ sơ cá nhân đầy đủ mà Facebook đã sao chép từ họ. Chúng có thể bao gồm các thông tin mà công ty đã thu thập về người dùng thông qua việc theo dõi họ trên các trang web khác hay bất cứ dữ liệu mà công ty mua từ các bên thứ 3 về người dùng cũng như các phân loại của Facebook về người dùng.
Đáp lại, Zuckerberg tin rằng tất cả dữ liệu đều sẵn có. Tuy nhiên, một số phóng viên đã thử tải xuống dữ liệu cá nhân của họ và thấy không đúng như những gì Zuckerberg nói, ít nhất là ở thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, Facebook vẫn có 6 tuần để sửa lỗi trước khi luật mới của châu Âu có hiệu lực.
Công nghệ nhận diện khuôn mặt
Đây là vấn đề thu hút sự chú ý ở cả hai bờ Đại Tây Dương vì nó liên quan mật thiết tới việc đo và thu thập dữ liệu về các thuộc tính vật lý đặc biệt nhất của con người. Facebook sử dụng tính năng trong việc gắn thẻ tự động và đề xuất người dùng. Tuy nhiên, châu Âu muốn Facebook được sự cho phép của người dùng khi triển khai tính năng này.
Một nhóm bảo vệ quyền riêng tư của Mỹ cũng đã đệ đơn lên Ủy ban Thương mại Liên bang vào tuần trước về vấn đề này. Trong phiên chất vấn tại Hạ viện, Mark đồng ý rằng công nghệ nhận diện khuôn mặt cần được sự đồng ý từ người dùng. Tuy nhiên, ông chủ Facebook cũng đề cập tới việc phát triển công nghệ nhận dạng khuôn mặt mới bởi Trung Quốc đang đi đầu trong việc phát triển công nghệ này.
Facebook có độc quyền hay không?
Zuckerberg phản đối những quan điểm cho rằng Facebook đang độc quyền. Thay vào đó, nhà sáng lập cho rằng mạng xã hội này "không có đối thủ thực sự". Zuckerberg cũng đề cập tới sự cạnh tranh nhiều mà quản lý của Facebook "chắc chắn cảm thấy trong quá trình điều hành công ty".
Cambridge Analytica và sự can thiệp bầu cử Mỹ
Các nhà lập pháp xoáy mạnh vào câu hỏi vì sao Facebook không thông báo cho người dùng khi dữ liệu cá nhân của họ bị Cambridge Analytica, một công ty tư vấn có liên quan tới chiến dịch tranh cử của ông Trump năm 2016, bị thu thập và lạm dụng trong năm 2015.
Hạ nghị sĩ Pallone của New Jersey khiển trách Zuckerberg vì vấn đề này: "Với tất cả những gì nó mang lại, Facebook trở thành vũ khí để Nga hay Cambridge Analytica sử dụng để làm hại và phá hoại nền dân chủ của chúng ta".
Thiên vị đảng phái và trách nhiệm kiểm duyệt của Facebook trong vai trò nhà xuất bản
Các nhà lập pháp đảng Cộng hòa liên tục xoáy vào vấn đề thiên vị đảng phái trên Facebook, khi người Cộng hòa dường như không được ủng hộ bằng người Dân chủ. Thậm chí, việc Facebook còn bị nghi ngờ sử dụng thuật toán để làm giảm sự lan truyền của các tin tức bảo thủ. Đáp lại, Facebook khẳng định hoàn toàn không có sự thiên vị hay tác động nào.
Tin tức giả mạo cũng trở thành vấn đề đặt Zuckerberg vào thế lúng túng khi công ty hứa hẹn làm tốt hơn việc loại bỏ tin tức không đúng sự thật. Tuy nhiên, Zuckerberg cũng thừa nhận Facebook không thể làm cảnh sát trong vấn đề ngôn luận.
Facebook là công ty gì?
Hạ nghị sĩ Walden của bang Oregon đặt câu hỏi với Zuckerberg về cách thức hoạt động của Facebook cũng như hình thái chính xác của công ty này. Việc định nghĩa Facebook là gì rất quan trọng bởi nó sẽ quy định những quyền hạn và nghĩa vụ mà một doanh nghiệp phải thực hiện cũng như ủy ban chi phối.
Đáp lại, Zuckerberg cho rằng Facebook là công ty công nghệ bởi nó được tạo lên từ các đoạn mã và cung cấp dịch vụ cho người khác cũng từ những đoạn mã. "Facebook không phải công ty phần mềm dù tạo ra phần mềm, không phải doanh nghiệp hàng không vũ trụ dù có làm máy bay hay tổ chức tài chính dù có cung cấp công cụ thanh toán cho người dùng", Mark Zuckerberg nhấn mạnh.