Mới đây, Mark Zuckerberg đã phải trải qua phiên đối chất với Thượng viện Hoa Kỳ về vụ bê bối để lộ dữ liệu của hơn 87 triệu người dùng toàn cầu vừa qua. Vị CEO của Facebook cho biết cho biết chính vì người dùng không đọc hoặc không hiểu chính sách bảo mật mà Facebook đưa ra nên họ mới không biết mạng xã hội này thu thập những dữ liệu nào của họ và sử dụng chúng ra sao.
Đối mặt với Ủy ban Thượng viện về Tư pháp và Ủy ban Thượng viện về Thương mại, Khoa học và Giao thông, Zuckerberg đã trả lời những câu hỏi liên quan đến bảo mật dữ liệu người dùng và các phương án mà công ty của anh đã thực hiện. Anh cho biết điều quan trọng nhất chính là duy trì được sự minh bạch trong việc cung cấp đầy đủ thông tin về những dữ liệu bị thu thập cho người dùng. Tuy nhiên, để thực hiện được điều này một cách hiệu quả lại là vấn đề đang làm đau đầu giới công nghệ.
Mark Zuckerberg cho rằng điều quan trọng nhất là phải duy trì được sự minh bạch trong quá trình thu thập và sử dụng dữ liệu người dùng.
Zuckerberg cho biết: “Vấn đề mà chúng tôi (Facebook) và các công ty khác trong lĩnh vực công nghệ đang gặp phải chính là các chính sách bảo mật thường rất lê thê và rắc rối. Chúng tôi vẫn luôn tìm cách để mọi thứ trở nên đơn giản nhất có thể để người dùng có thể dễ dàng hiểu được. Chúng tôi không kỳ vọng họ sẽ bỏ thời gian để tìm hiểu và đọc toàn bộ một văn bản quy định, chính sách quá dài dòng”.
Chúng ta cũng phải thừa nhận đa số người dùng Internet hiện nay không bao giờ đọc hết những chính sách bảo mật mà các ứng dụng, dịch vụ đưa ra. Và nguyên nhân chủ yếu chính là do chúng được trình bày quá dài và gây “rối não”. Thậm chí đã có nghiên cứu chỉ ra rằng một người dùng thông thường sẽ phải nghỉ việc 1 tháng mỗi năm chỉ để đọc toàn bộ chính sách bảo mật trên mọi trang web mà họ sử dụng.
Bên cạnh đó, quá trình thu thập và sử dụng dữ liệu người dùng của Facebook hay các công ty công nghệ khác thường diễn ra tương đối phức tạp. Mặc dù sở hữu đội ngũ luật sư hùng hậu và kinh nghiệm để “giải thích” cho người dùng, nhưng mục đích thực sự của đội ngũ này là bảo vệ Facebook khi cần, thay vì thực sự thông báo cho khách hàng về các quá trình thu thập dữ liệu.
Chính sách bảo mật trên các trang web hiện nay thường được trình bày rất dài dòng, phức tạp.
Để tạo dựng được sự minh bạch, các công ty công nghệ cần phải thông báo cho người dùng một cách nhanh chóng, ngắn gọn và chính xác nhất. Phương pháp này sẽ hiệu quả hơn rất nhiều so với việc tìm cách đơn giản hóa các chính sách bảo mật dài dòng.
Đầu tuần này, Facebook đã công bố một số biện pháp để tăng tính minh bạch trong quá trình tương tác với người dùng, đồng thời bảo vệ hơn nữa dữ liệu của họ. Công ty này đã hợp tác với các nhà nghiên cứu để xác định những vấn đề lớn nhất còn tồn tại quá trình thu thập dữ liệu người dùng của Facebook.
Ngoài ra, họ cũng khẳng định quá trình quảng cáo trên nền tảng của mình sẽ diễn ra minh bạch hơn với việc phân loại dữ liệu rõ ràng cho người dùng: dữ liệu về những đối tượng sẽ nhìn thấy một loại quảng cáo nhất định và dữ liệu về những người trả tiền cho quảng cáo. Facebook thậm chí còn gây quỹ trị giá 40.000 USD để khuyến khích người dùng tố cáo những hành vi lạm dụng quảng cáo trên nền tảng của họ.
Hiện tại, Facebook đang bị Ủy ban Thương mại Hoa Kỳ điều tra gay gắt vì vi phạm những chính sách về bảo mật trên mạng xã hội sau vụ việc liên quan đến một nhà nghiên cứu tại Cambridge Analytica. Zuckerberg sẽ phải tiếp tục đối mặt với Ủy ban Năng lượng và Thương mại trong phiên chất vấn vào ngày thứ tư (11/4 - giờ địa phương).
Theo Motherboard