WhatsApp – dịch vụ nhắn tin với hàng tỷ người dùng toàn thế giới, không bảo mật như Facebook vẫn nói.
Ứng dụng này luôn tuyên bố bảo mật là một trong những ưu tiên hàng đầu của họ còn công ty mẹ Facebook thì nói rằng họ không đọc tin nhắn mà người dùng gửi cho nhau. Tuy nhiên, Facebook đã trả tiền cho một nhóm nhà thầu để đọc tin nhắn WhatsApp và kiểm duyệt nội dung trong đó – đọc và kiểm duyệt cả những tin nhắn được cho là riêng tư.
Cuộc điều tra mới đây của ProPublica nêu rõ, Facebook sử dụng "hơn 1.000 nhân viên hợp đồng lấp đầy các tầng của các văn phòng ở Austin, Texas, Dublin và Singapore, nơi họ kiểm tra hàng triệu mẩu tin nhắn của người dùng".
Facebook cũng thừa nhận, những nhân viên hợp đồng này dành cả ngày để sàng lọc tin nhắn của người dùng và các thuật toán riêng của dịch vụ gắn cờ.
Trả lời Insider, Facebook nói rằng họ cho phép người dùng báo cáo lạm dụng trên WhatsApp và những báo cáo đó sẽ được các nhân viên này xem xét. Khi người dùng báo cáo lạm dụng, người kiểm duyệt WhatsApp sẽ nhận được "tin nhắn gần đây nhất do người dùng hoặc nhóm gửi báo cáo".
Facebook cho biết họ không thể nghe các cuộc gọi cá nhân hoặc đọc tin nhắn gửi qua WhatsApp do dịch vụ này sử dụng mã hoá đầu cuối.
WhatsApp được thành lập dựa trên các gọi là mã hoá "end-to-end", có nghĩa các tin nhắn được xáo trộn trước khi gửi và chỉ được giải mã khi chúng được người dùng nhận. Tuy nhiên, khi người dùng báo cáo lạm dụng, các phiên bản không được mã hoá của thông báo sẽ được gửi đến các nhà thầu kiểm duyệt của WhatsApp, ProPublica cho biết.
"Mỗi ngày WhatsApp bảo vệ hơn 100 tỷ tin nhắn bằng mã hoá đầu cuối để giúp người dùng giao tiếp an toàn. Chúng tôi xây dựng dịch vụ của mình theo cách hạn chế thu thập dữ liệu nhưng vẫn có thể ngăn chặn spam, điều tra các mối đe doạ", phát ngôn viên của WhatsApp cho biết. "Chúng tôi tin tưởng vào đội ngũ an toàn của mình, những người làm việc không mệt mỏi để cung cấp cho hơn 2 tỷ người dùng khả năng giao tiếp riêng tư".
"WhatsApp cung cấp một cách để người dùng báo cáo spam hoặc lạm dụng, bao gồm chia sẻ các tin nhắn gần đây nhất trong một cuộc trò chuyện", người này cho biết thêm. "Tính năng này rất quan trọng để ngăn chặn hành vi lạm dụng tồi tệ nhất trên Internet. Chúng tôi hoàn toàn không đồng ý với quan điểm cho rằng việc chấp nhận báo cáo mà người dùng chọn gửi cho chúng tôi không tương thích với mã hoá đầu cuối".
Câu hỏi mà Insider đặt ra là cách Facebook xác định "tin nhắn gần đây nhất" là như thế nào, kéo dài đến đâu và nếu không có cuộc điều tra, Facebook có công bố thông tin về việc họ sẽ đọc tin nhắn của người dùng cho mục đích mà họ nói là chặn spam và điều tra các mối đe doạ hay không. Người dùng nhiều khả năng cũng không biết rằng khi họ gửi nút báo cáo lạm dụng hoặc spam, tin nhắn gần nhất của họ sẽ bị đọc được.
Facebook mua lại WhatsApp từ năm 2014 với giá trị lên đến 19 tỷ USD.
Tham khảo: BI