Theo những người phản đối, khả năng xử lý khủng hoảng của Zuckerberg quá tệ.
Những lời chỉ trích đến sau khi Facebook để một đối tác bán dữ liệu của 50 triệu người dùng cho Cambridge Analytica và chúng đã được dùng nhằm tác động đến cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2016. Facebook biết việc này nhưng không mạnh tay ngăn chặn. Động thái cứng rắn nhất của họ là đóng cửa tài khoản Facebook của Cambridge Analytica trong thời gian gần đây, hành động được mô tả là quá muộn màng.
CNBC cho biết nhà đầu tư công nghệ Jason Calacanis đã chính thức yêu cầu Mark Zuckerberg từ chức và đề nghị đưa COO Sheryl Sandberg lên thay thế. Sandberg được mô tả là người giao tiếp tốt hơn và có khả năng lãnh đạo - hiểu rõ cách xử lý khi bê bối nổ ra.
Tuy nhiên, việc loại Zuckerberg khỏi Facebook là điều vô cùng khó khăn. Nhà đồng sáng lập không chỉ giữ quyền lực cao nhất mà còn là nhà lãnh đạo trọn đời của Facebook. Trước đó, Zuckerberg còn muốn làm CEO mạng xã hội này ngay cả khi cho đi tất cả cổ phần của ông.
"Anh ta chắc chắn sẽ không tự nguyện từ chức. Zuckerberg không phải chịu trách nhiệm trước bất cứ ai và kiểm soát khoảng 60% cổ phần của Facebook", Jeff Sonnenfeld, một nhà nghiên cứu, cho hay.
Sonnenfeld cũng lên tiếng chỉ trích Zuckerberg và COO Sandberg vì không công khai giải quyết các cáo buộc. Họ phớt lờ những bê bối như chưa có việc gì xảy ra, mặc cho cổ phiếu của gã khổng lồ công nghệ sụt giá cùng với uy tín của Facebook.
Hiện tại, Facebook chưa đưa ra phản hồi trước những lời chỉ trích.