Tập đoàn Masan (MSN) vừa thông báo phát hành thành công trái phiếu với giá trị 2.000 tỷ đồng từ tổ chức trong nước và nước ngoài. Trái phiếu phát hành có kỳ hạn 3 năm, trả lãi 6 tháng/lần, lãi suất 9,3%/năm trong hai kỳ đầu, lãi suất các kỳ sau theo lãi tiền gửi trung bình cộng biên độ 2,5%/năm.
Kết quả, 87,5% là phân phối tổ chức trong nước và 12,5% là tổ chức nước ngoài. Như vậy, cơ cấu vốn Masan sau đợt phát hành mới ghi nhận tỷ lệ nợ/vốn cổ phần là 154,5%. Tổng nợ tính đến 30/3/2020 là 18.063 tỷ đồng, nợ trái phiếu chiếm 4.500 tỷ đồng. Nhà đầu tư ngoại nắm giữ 12,5% tổng nợ trái phiếu với 250 tỷ đồng.
Trước đó, Tập đoàn vừa phân phối được 30 triệu trái phiếu, tương đương số tiền huy động 3.000 tỷ đồng trong đợt phát hành đầu tiên. Ngày phát hành là vào 9/3. Đây là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và không được bảo đảm tài sản, không phải là nợ thứ cấp của tổ chức phát hành, kỳ hạn 3 năm.
Được biết, 2 đợt phát hành trên nằm trong kế hoạch huy động 10.000 tỷ đồng trái phiếu. Tổng số tiền thu về Công ty dự chi 5.000 tỷ góp thêm vào vốn điều lệ Công ty TNHH Tầm nhìn Masan, cấp khoản vay 3.000 tỷ cho Masan Comsumer Holdings và 1.000 tỷ cho MNS Meat Hà Nam. Cuối cùng, Masan dự chi 1.000 tỷ còn lại để thanh toán nợ vay nội bộ cho công ty con là Công ty TNHH Khai thác chế biến khoáng sản Núi Pháo.
Về kinh doanh, Tập đoàn hiện đã và đang tăng cường các giải pháp nhằm tiếp tục duy trì đảm bảo nguồn cung hàng hóa, bình ổn giá đến người tiêu dùng giữa đại dịch COVID-19. Cụ thể:
(1) Tăng công suất tối đa hoạt động sản xuất của các nhà máy trong hệ thống Masan nhằm đảm bảo đáp ứng các sản phẩm thiết yếu cho nhu cầu tiêu dùng của người dân như: Mỳ tôm, thịt lợn, nước tương, nước mắm và các sản phẩm chế biến từ thịt.
(2) Giao công ty VinCommerce - công ty con của tập đoàn Masan kết hợp với Tổng công ty Lương thực miền Bắc (VinaFood 1) đảm bảo cung cấp đầu đủ gạo cho nhu cầu thiết yếu của người dân tại 63 tỉnh thành thông qua hệ thống hơn 3.000 siêu thị và cửa hàng VinMart, VinMart+.
(3) Làm việc chặt chẽ với các nhà cung cấp của Việt Nam, đảm bảo cung ứng đầy đủ sản phẩm tiêu dùng thiết yếu cho người dân như sữa, đường, muối, mì, thịt… Cải thiện phương thức bán hàng, mở rộng diện phục vụ bán hàng và gian hàng tận nhà.