Tập đoàn đoàn Masan ( HoSE: MSN ) vừa công bố báo cáo tài chính quý I với doanh thu thuần hợp nhất đạt 18.189 tỷ đồng, giảm 8,9% so với mức 19.977 tỷ đồng của quý I/2021 do tác động của việc ngừng hợp nhất thức ăn chăn nuôi.
Loại trừ doanh thu từ mảng thức ăn chăn nuôi dựa trên cơ sở (like-forlike hay LFL), doanh thu thuần tăng trưởng 11,9% so với cùng kỳ nhờ vào tốc độ tăng trưởng hai chữ số tại Masan Consumer Holdings (MCH) và Masan High-Tech Materials (MHT) cũng như doanh thu tăng nhẹ tại WinCommerce (WCM).
Lãi sau thuế của Masan Group tăng 452,5%, lên 1.895 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ đạt 1.596 tỷ đồng, gấp 8 lần so với cùng kỳ năm trước.
Lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ đạt 1.596 tỷ đồng, gấp 8 lần so với cùng kỳ năm trước.
Lãi trước thuế, lãi vay và khấu hao (EBITDA) của The CrownX đạt 1.643 tỷ đồng, tăng 35,1%.
The CrownX, nền tảng tiêu dùng – bán lẻ tích hợp WinCommerce và Masan Consumer Holdings, đạt doanh thu thuần 13.450 tỷ đồng, tăng trưởng 7,3% so với cùng kỳ năm 2021 nhờ tăng trưởng doanh thu của Masan Consumer Holdings và việc gia tăng số lượng cửa hàng tại WinCommerce (sở hữu chuỗi VinMart, VinMart+). Lợi nhuận trước thuế, lãi vay và khấu hao (EBITDA) của The CrownX đạt 1.643 tỷ đồng, tăng 35,1%.
Trong quý này, WinCommerce mở mới 109 điểm bán giúp doanh thu tăng 0,8% so với cùng kỳ. Với kế hoạch mở mới 300 cửa hàng trong quý II và kỳ vọng phát triển doanh thu tại các điểm bán hiện hữu, đơn vị này dự kiến doanh thu trong quý sau sẽ tăng 6% so với cùng kỳ năm 2021 và dự kiến đà tăng trưởng cao về cuối năm 2022.
EBITDA của WinCommerce đạt 164 tỷ đồng, tương đương biên EBITDA 2,2%, tăng 40 điểm cơ bản so với cùng kỳ. Biên lợi nhuận cải thiện trong giai đoạn hàng trăm cửa hàng vừa mới khai trương đã cho thấy năng lực vận hành vượt trội của WinCommerce để đạt mục tiêu kép cả về mở rộng quy mô và tăng trưởng lợi nhuận.
Còn với Masan Consumer Holdings, doanh thu thuần đạt 6.448 tỷ đồng, tăng trưởng 17,4% so với cùng kỳ với hầu hết các ngành hàng đều đạt tăng trưởng hai chữ số. Tốc độ tăng trưởng doanh thu dự kiến trong quý II khoảng 30% nhờ vào việc cho mắt các sản phẩm mới cũng như gia tăng quy mô doanh thu của các sản phẩm hiện hữu.
Đơn vị này gia tăng biên lợi nhuận gộp và biên EBITDA lần lượt ở mức 40,7% và 22,7%, tăng lần lượt 100 điểm cơ bản và 80 điểm cơ bản so với cùng kỳ năm 2021. Nhờ vậy, EBITDA của Masan Consumer Holdings đạt 1.466 tỷ đồng, tăng trưởng 28,4%. Dù giá nguyên vật liệu cao dự kiến gây áp lực nhẹ lên biên lợi nhuận trong quý II, ban điều hành giữ vững mục tiêu biên EBITDA đạt trên 20% cho cả năm 2022 nhờ vào các sáng kiến gia tăng năng suất và tiết giảm chi phí (tối ưu các chương trình tiếp thị và khuyến mãi) cũng như việc tối ưu chiến lược định giá sản phẩm.
Doanh thu của Masan MEATLife’s (MML) giảm 80,2% so với cùng kỳ, đạt 931 tỷ đồng
Do tác động của việc ngừng hợp nhất mảng thức ăn chăn nuôi, doanh thu của Masan MEATLife’s ( UPCoM:MML ) giảm 80,2% so với cùng kỳ, đạt 931 tỷ đồng, chỉ bao gồm doanh thu từ mảng kinh doanh thịt. Nếu tính trên cơ sở so sánh tương đương (like-forlike hay LFL), loại trừ doanh thu đến từ mảng thức ăn chăn nuôi, doanh thu thuần của MML giảm nhẹ 5,4% do giá bán thịt heo giảm trong khi khối lượng bán ra tăng cao.
Dù giá nguyên liệu hàng hóa tăng, biên EBITDA thịt heo có thương hiệu MEATDeli và thịt gà 3F VIET lần lượt tăng 1.540 điểm cơ bản và 670 điểm cơ bản so với cùng kỳ năm 2021. Công ty dự kiến xu hướng tăng giá thịt trên toàn thị trường sẽ hỗ trợ biên lợi nhuận, cùng lúc đó việc mở rộng các dòng sản phẩm và gia tăng điểm bán (trong hệ thống WCM và các kênh bán hàng khác) sẽ đẩy mạnh tăng trưởng doanh thu từ quý II trở đi.
EBITDA của Masan High-Tech Materials (MHT) đạt 878 tỷ đồng, tăng trưởng 83,7%.
Với giá hàng hóa tăng mạnh và nhu cầu toàn cầu ở mức cao, Masan High-Tech Materials ( UPCoM:MSR ) đạt doanh thu thuần 3.930 tỷ đồng, tăng 32,6%. EBITDA ở mức 878 tỷ đồng, tăng trưởng 83,7% so với cùng kỳ năm trước và lãi sau thuế đạt 126 tỷ đồng. Giá hàng hóa sẽ tiếp tục là động lực giúp tăng trưởng doanh thu trong quý sau với mức kỳ vọng trên 30% so với cùng kỳ. Ban điều hành đang nghiên cứu các phương án giúp Masan High-Tech Materials tiếp tục nâng cao hàm lượng công nghệ của thành phẩm, giúp cải thiện lợi nhuận và nâng cao giá trị gia tăng.
Doanh thu thuần sau 2 tháng của Phúc Long Heritage đạt 257 tỷ đồng
Doanh thu thuần sau 2 tháng về tay Masan Group đạt 257 tỷ đồng, trong đó 70% đến từ các cửa hàng lớn (flagship), 14% từ các kiosk và còn lại từ các cửa hàng nhỏ và kênh bán hàng qua doanh nghiệp (B2B). Đến cuối quý I, Phúc Long Heritage vận hành 78 cửa hàng flagship, 760 kiosk và 13 cửa hàng nhỏ. Biên lợi nhuận gộp đạt 68,6% và biên EBITDA đạt 18,3%.
Masan Group sẽ mở rộng hệ thống thông qua việc mở mới 100 cửa hàng flagship, 400 kiosk tại các điểm bán của WinCommerce. Phúc Long Heritage tiếp tục phát triển tại thành phố lớn cũng như đẩy nhanh việc mở kiosk tại các đô thị loại 2. Danh mục sản phẩm được bổ sung thêm các dòng sản phẩm cà phê giúp nâng cao giá trị thương hiệu tại các cửa hàng flagship. Đối với các kiosk, Phúc Long Heritage dự kiến xây dựng thực đơn mới với mức giá phải chăng giúp tăng lưu lượng khách hàng tại các điểm bán của WCM.
Về kế hoạch kinh doanh năm 2022, doanh thu thuần hợp nhất của Masan Group ước tính sẽ từ 90.000 – 100.000 tỷ đồng, tăng trưởng 22% – 36% so với năm 2021. Trong năm tài chính 2021, doanh thu từ các mảng kinh doanh phục vụ người tiêu dùng (không bao gồm mảng thức ăn chăn nuôi và Masan Consumer Holdings) đóng góp 68% vào tổng doanh thu và dự kiến sẽ tăng lên 85% trong năm tài chính 2022.
Lợi nhuận sau thuế ước tính sẽ trong khoảng 6.900 – 8,500 tỷ đồng, tăng 82% – 124% so cùng kỳ năm trước (sau khi loại trừ các khoản thu nhập một lần và đóng góp từ mảng thức ăn chăn nuôi trong năm 2021). Nếu không loại trừ, lợi nhuận giàm từ 16% - 32% so với cùng kỳ năm trước.