Sáng ngày 25/04/2024, Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 của CTCP Tập đoàn Masan (Masan, HoSE: MSN) và hai công ty thành viên Masan Consumer (UpCOM: MCH), Masan MEATLife (UpCOM: MML) đã được tiến hành thành công.
Theo đó, có 264 cổ đông và người được ủy quyền tham dự đại diện cho 82% số cổ phần có quyền biểu quyết đối với Masan. Masan Consumer có 72 cổ đông và người được ủy quyền tham dự chiếm 97% số cổ phần có quyền biểu quyết. Masan MeatLife có 39 cổ đông và người được ủy quyền tham dự đại diện cho 98% cổ phần có quyền biểu quyết.
Tất cả các nội dung trình tại Đại hội đã được Đại hội đồng cổ đông các công ty thông qua.
Bên cạnh đó, Đại hội đồng cổ đông đã biểu quyết thông qua nội dung (phát sinh mới tại Đại hội từ ý kiến của cổ đông) ủy quyền cho HĐQT Masan Consumer lên phương án chia thêm cổ tức cho cổ đông từ phần lợi nhuận sau thuế chưa phân phối còn lại trên báo cáo tài chính năm 2023 và thực hiện tạm ứng cổ tức trong năm 2024 trước thời điểm cổ phiếu MCH chuyển sàn niêm yết từ UpCOM sang HoSE.
Điều này đồng nghĩa, ngoài phương án cổ tức bằng tiền 100% như đã trình trước đó, cổ đông MCH sẽ có thể được nhận thêm cổ tức từ khoản lợi nhuận sau thuế chưa phân phối còn lại tại ngày 31/12/2023. Báo cáo cho thấy, tại ngày 31/12/2023, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của MCH hơn 16.124 tỷ đồng.
Tháng 8/2023, MCH đã thực hiện tạm ứng cổ tức năm 2023 tỷ lệ 45% bằng tiền. Theo tờ trình phương án cổ tức năm 2023 bằng tiền tỷ lệ chi trả 100%, phần cổ tức còn lại 55% sẽ được MCH chi trả trong vòng 6 tháng kể từ ngày thông qua Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông.
Phát biểu mở đầu đại hội, Chủ tịch Tập đoàn Masan, ông Nguyễn Đăng Quang cho biết kỳ đại hội này, Masan Group sẽ dành nhiều thời gian, những khoảnh khắc tuyệt vời nhất cho cổ đông hiểu, chiêm ngưỡng, để lắng nghe "viên kim cương gia bảo" của Masan - Masan Consumer. Viên kim cương gia bảo - Masan Consumer là động lực đồng thời là niềm tự hào, mang đậm, thấm một cách nguyên tắc những giây phút trăn trở, đam mê và ngọt ngào trong những hành trình phụng sự người tiêu dùng của Masan. Masan Consumer với những "nhãn hiệu Powerfull", "nhãn hiệu Lovebrand". Đó không chỉ là tình yêu của Masan mà còn là của hàng triệu người tiêu dùng Việt Nam. Đó còn là đại sứ tình yêu ẩm thực Việt Nam, đã nâng hành trình đi ra thế giới của Masan.
"Masan bắt đầu hành trình chinh phục người tiêu dùng thế giới và một lần nữa cùng với người tiêu dùng Việt Nam, cùng Việt Nam tìm cách đi những bước tiếp vững chắc, trong hành trình mang ẩm thực Việt Nam ra 8 tỷ người tiêu dùng thế giới, với các nhãn hiệu mạnh, nhãn hiệu lovebrand, tình yêu, đam mê. Để trở thành một trong những niềm tự hào của Việt Nam trong thế giới tiêu dùng, trong nhiệt huyết phụng sự người tiêu dùng", Chủ tịch Tập đoàn Masan.
Theo ông Nguyễn Đăng Quang, năm nay, Masan Group quyết định hành trình IPO Masan Consumer.
Tiếp sau ông Nguyễn Đăng Quang, CEO Masan, ông Danny Lê chia sẻ thông điệp "Kiên định hiện thực hóa Tầm Nhìn" nhấn mạnh cam kết của Masan về vận hành công ty một cách hiệu quả và không ngừng tập trung vào tăng trưởng lợi nhuận kể từ khi đặt cược vào mạng lưới bán lẻ hiện đại vào năm 2019. Đây cũng là thời điểm khởi đầu hành trình xây dựng nền tảng tiêu dùng - công nghệ của Masan, The CrownX (TCX).
"Chúng tôi đã nắm trong tay kế hoạch rõ ràng để khai mở giá trị cho cổ đông Masan Consumer trong ngắn hạn và WinCommerce trong trung hạn. Ở vị thế Tập đoàn, chúng tôi không chỉ tập trung vào tăng trưởng mà còn đặt trọng tâm vào gia tăng lợi nhuận trong 18- 24 tháng tới", Ông Danny Le chia sẻ thêm.
Tại Đại hội, ông Trương Công Thắng, Tổng Giám đốc của Masan Consumer Holdings (MCH) đã đưa ra chiến lược của Masan Consumer. Trong đó, MCH đặt mục tiêu mở rộng hơn nữa thị trường mục tiêu bằng cách tham gia vào thị trường tiêu dùng bên ngoài, cung cấp các sản phẩm cao cấp thay thế bữa ăn tại nhà (Home meal replacement - HMR) và thay thế bữa ăn tại nhà hàng (Restaurant meal replacement - RMR) cho người tiêu dùng.
CEO của MCH tin rằng điều này chỉ là bước đầu trong hành trình của Masan Consumer để chiến thắng thị trường FMCG của Việt Nam. Mục tiêu chiến lược của Masan Consumer là sở hữu 6 thương hiệu tỷ đô, thực hiện chiến lược "Go Global" và trở thành công ty hàng đầu Đông Nam Á về tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận nhờ mô hình FMCG mới.
Cũng theo lãnh đạo của Masan Consumer, MCH sẽ không phát triển thêm thương hiệu mới mà dùng những thương hiệu mạnh đang có sẵn. Masan Consumer gia tăng độ phủ của các thương hiệu này rộng ra không chỉ ở Việt Nam mà cả các nước trên thế giới. MCH sẽ lấy những thương hiệu này làm đòn bẩy. Xây dựng mô hình kinh doanh bền vững chúng ta cần đi ra ngoài biên giới Việt Nam.
Năm 2024, các mảng kinh doanh tiêu dùng cốt lõi vẫn được kỳ vọng là động lực chính cho tăng trưởng doanh thu cho Masan. Chương trình Hội viên WIN sẽ tiếp tục tập trung vào việc gia tăng giá trị cho các doanh nghiệp và đối tác của Masan.
Theo đó, Masan mục tiêu doanh thu thuần hợp nhất trong khoảng từ 84.000 đến 90.000 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt từ 7% đến 15% so với cùng kỳ năm 2023. Lợi nhuận sau thuế thuần cốt lõi trước phân bố cho cổ đông thiểu số (Core NPAT Pre – MI) dự kiến sẽ trong khoảng 2.290 đến 4.020 tỷ đồng, tăng trưởng mạnh so với 1.950 tỷ đồng trong năm 2023.
Cụ thể, đối với TCX, Masan dự kiến đạt doanh thu thuần trong khoảng 63.000 đến 68.000 tỷ đồng, tương ứng mức tăng từ 9% đến 18% so với năm 2023.
Đối với WinCommerce (WCM) dự kiến đạt doanh thu thuần từ 32.500 đến 34.000 tỷ đồng, tăng lần lượt so với cùng kỷ từ 8% đến 13%.
Theo lãnh đạo WinCommerce, năm 2023 đã khép lại giai đoạn tái cấu trúc của WCM, tạo tiền đề cho tăng trưởng bứt phá quý I/2024. Trong đó, minimat đã mang lại lợi nhuận cho công ty, doanh thu đã tăng gấp đôi sau 5 năm. Năm 2019, khi tiếp nhận chuỗi bán lẻ của Vin, WCM lỗ EBIT 3.763 tỷ đồng, đến nay WinCommerce đã đạt lợi nhuận dương 3 quý liên tiếp tính đến quý I/2024.
Từ con số 213 cửa hàng có lãi EBIT năm 2019, đến quý I/2024 WCM đã có 2205 cửa hàng có lãi. Doanh thu quý I/2024 của WCM đạt 7.900 tỷ đồng, trong đó 75% doanh thu đến từ minimart. Dự kiến đến quý I/2025, WCM sẽ có lãi sau thuế phí.
Đối với các nhãn hàng riêng đóng thương hiệu WCM, theo Masan trong chặng đường tới, với sức mạnh hệ sinh thái MSN và năng lực sản xuất, Masan sẽ kết hợp để đưa ra thị trường 40 nhãn hiệu riêng cho WCM. Hiện các sản phẩm đóng thương hiệu WCM có doanh thu chiếm 8% tổng doanh thu, nhưng biên độ lợi nhuận cao hơn 3-5% cho từng nhóm hàng. Dự kiến 5 năm tới, các sản phẩm đóng thương hiệu WCM chiếm 30% tổng doanh thu của WCM.
Đối với MCH, năm 2024, doanh thu thuần của MCH dự kiến đạt từ 32.500 tỷ đồng đến 36.000 tỷ đồng. Đóng góp vào tăng trưởng MCH trong năm 2024 chủ yếu của ngành hàng Thực phẩm tiện lợi, Đồ uống và Chăm sóc gia đình, cá nhân. Bên cạnh các sản phẩm, ngành kinh doanh chủ chốt, MCH còn đang phát triển các năng lực và quy trình đổi mới nhằm hoàn thiện danh mục FMCG trong tương lai.
Đối với Phúc Long (PLH), Masan dự kiến doanh thu năm 2024 đạt 1.790 đến 2.170 tỷ đồng, tương ứng mức tăng trưởng 17% đến 41% so với cùng kỳ. Năm nay, Phúc Long dự kiến mở từ 30 đến 60 cửa hàng mới ngoài WCM, tập trung vào Hà Nội và TP HCM. Phúc Long cũng sẽ bắt đầu tích hợp chương trình khách hàng thân thiết vào Hội viên WIN của Masan, mang đến nhiều lợi ích, đồng thời cũng mang lại một nguồn doanh thu khác cho PLH. Ngoài ra, Phúc Long sẽ nâng cao năng suất bán hàng thông qua các dự án marketing các cửa hàng địa phương, triển khai chương trình khuyến mãi trên toàn quốc, và các chương trình theo mùa giúp thu hút lượng khách hàng trẻ mới.
Trả lời cổ đông, CEO của Masan cho biết, Phúc Long có kế hoạch vươn ra toàn cầu. Ở Mỹ đã có 2 cửa hàng Phúc Long. Phúc Long đang có các chương trình đổi mới sáng tạo, mở rộng chuỗi Phúc Long không chỉ ở Việt Nam mà còn ra một số nước khác, phục vụ cộng đồng người Việt Nam trên thế giới.
Đối với MML, Masan MEATLife dự kiến đạt doanh thu thuần trong khoảng 7.100 và 7.800 tỷ đồng, tương ứng mức tăng 2% đến 12% so với cùng kỳ nhờ tập trung đầu tư vào mảng kinh doanh thịt chế biến và giảm quy mô trang trại chăn nuôi gà. Trong đó, doanh thu tử mảng thịt lợn có thương hiệu và thịt chế biến dự kiến tăng trưởng lần lượt từ 15% đến 28% và từ 12% đến 33% so với cùng kỳ.
MML đã và đang nỗ lực định vị Ponnie là thương hiệu xúc xích tiệt trùng cao cấp. Để tăng doanh số bán hàng hàng ngày tại mỗi điểm bán WCM lên 2,5 triệu đồng, MML có kế hoạch ra mắt các quầy thịt trong WCM, triển khai chiến dịch digital marketing mục tiêu đến các hội viên WIN, đồng thời thiết lập hệ thống tự động bổ sung hàng. Những nỗ lực này nhằm mục đích tăng cường nhận diện thương hiệu trên thị trường của MML và thúc đẩy tăng trưởng doanh thu trong phân khúc thịt chế biển.
Trao đổi với cổ đông, Masan MEATLife cho hay, năm 2024, MML đưa ra kế hoạch 7600 tỷ đồng doanh thu. Trong đó mảng thịt heo 2.000 tỷ đồng, thịt gà 902 tỷ đồng, trang trại gà 430 tỷ đồng, trang trai heo 1.150 tỷ, chế biến của công ty hơn 3.000 tỷ đồng đến từ thịt chế biến ngắn 380 tỷ đồng, và thịt chế biến dài ngày 2.700 tỷ đồng). MML đã giảm lỗ và ghi nhận tăng trưởng 7,5% về doanh thu. Lãnh đạo MML hi vọng kết quả này sẽ được cải thiện trong những quý tiếp theo.
Cụ thể, quý I/2024 MML đã có EBIT dương, tiến tới đạt NPAT (lợi nhuận sau thuế và lãi vay) dương trong năm 2025.
Đối với Masan High – Tech Materials (MHT) dự kiến đạt doanh thu thuần từ 15.000 đến 15.800 tỷ đồng, tương ứng tăng lần lượt 6% đến 12% so với cùng kỳ. MHT đã thuê nhà thầu nổ mìn mới đưa vào hoạt động trong quý I/2024. Trọng tâm của MHT là thực hiện các hoạt động tối ưu hóa chi phí, đặc biệt là trang hoạt động vận hành, thu mua, đồng thời giảm đòn bẩy tài chính. (Lãnh đạo của MHT cho biết, năm 2023 MHT đã tinh giản tối ưu trong vận hành sản xuất, cắt giảm nhân sự vài chục người ở cả Việt Nam và nước ngoài, tiết kiệm được 4 triệu USD).