Sở GDCK Hà Nội (HNX) vừa ra thông báo đưa cổ phiếu CTCP Masan MeatLife với mã chứng khoán MML lên giao dịch trên sàn UPCom vào ngày 9/12 (thứ 2).
Số lượng cổ phiếu MML đăng ký giao dịch là 324,33 triệu cổ phiếu. Giá chào sàn của MML trong phiên giao dịch đầu tiên là 80.000 đồng/cp, tương ứng vốn hóa khởi điểm Masan MeatLife xấp xỉ 26.000 tỷ đồng (hơn 1 tỷ USD).
Cơ cấu cổ đông của Masan MeatLife hiện có 91,68% là cổ đông trong nước và 8,32% là cổ đông ngoại. Công ty hiện có 3 cổ đông lớn nắm giữ trên 5% cổ phần gồm CTCP Tập đoàn Masan (MSN) nắm giữ 79,32%, Công ty TNHH Tầm nhìn Masan nắm giữ 7,95% cổ phần và Consumer Meat II Pte.Ltd nắm 7,14% cổ phần.
Masan MeatLife tiền thân là Masan Nutri-science (MNS) và chính thức đổi tên vào tháng 7/2019 nhằm thể hiện mục tiêu chuyển đổi từ công ty chuyên về thức ăn chăn nuôi thành công ty theo mô hình hàng tiêu dùng cung cấp sản phẩm thịt có thương hiệu. Doanh nghiệp hiện tập trung vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi (thông qua Anco và Proconco) và kinh doanh thịt.
Chuỗi giá trị thịt của Masan MeatLife được hoàn chỉnh theo mô hình 3F với 10 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi với tổng công suất 3 triệu tấn/năm, trang trại chăn nuôi heo kỹ thuật cao tại Nghệ An với sản lượng 230.000 con heo thịt môi xnăm và một tổ hợp chế biến thịt tại Hà Nam có công suất 1,4 triệu con heo mỗi năm, tương đương 140.000 tấn theo tiêu chuẩn Châu Âu.
Mục tiêu của Masan MeatLife đến năm 2022 sẽ trở thành thương hiệu thịt mát đóng gói số 1 tại Việt Nam, phân phối 10% thị phần thịt heo toàn quốc với doanh đạt 1,5-3 tỷ USD, lợi nhuận sau thuế từ 200-450 triệu USD. Để thực hiện được mục tiêu tham vọng này, Masan MeatLife đã lấy Vinamilk làm tấm gương và mong muốn MeatLife sẽ là "một Vinamilk trong ngành thịt".
Trong 9 tháng đầu năm, Masan MeatLife đạt doanh thu 10.104 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 324 tỷ đồng.
Năm 2020, Masan MeatLife đặt kế hoạch doanh thu thuần 24.982 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 1.881 tỷ đồng, tăng lần lượt 84,5% và 596,67% so với kế hoạch 2019 được điều chỉnh. Lợi nhuận năm 2020 ước tính tăng mạnh so với 2019 do (1) doanh thu mảng thức ăn gia súc, gia cầm, thủy sản ước tính tăng 15% về sản lượng bán ra và (2) công suất nhà máy chế biến thịt mát hiện tại tăng mạnh từ 5% lên 46% vào năm 2020 và (3) thay đổi cơ cấu thịt mát và thịt chế biến với tỷ suất lợi nhuận gộp cao hơn.
Trong năm 2020, mảng thức ăn gia súc, gia cầm, thủy sản sẽ chỉ còn chiếm 59,05% cơ cấu doanh thu Masan MeatLife, trong khi doanh thu thịt mát, thịt chế biến sẽ tăng lên 40,95%.