CTCP Tài nguyên Masan (Masan Resources, MSR) vừa công bố tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2020, dự kiến trình kế hoạch kinh doanh với 2 kịch bản. Bao gồm:
+ Kịch bản 1: Doanh thu 8.000 tỷ và LNST phân bổ cho cổ đông 200 tỷ đồng - giảm 43% so với năm 2019;
+ Kịch bản 2: Doanh thu 9.000 tỷ đồng, LNST tăng 42% lên 500 tỷ đồng.
Năm nay, với mảng khoáng sản, Tập đoàn Masan dự tập trung hoàn thành việc tích hợp nền tảng kinh doanh vonfram của H.C.Stark (HCS) để trở thành nhà chế biến cận sâu (midstream) giá trị gia tăng trên toàn cầu, qua đó, giảm bớt rủi ro biến động giá theo chu kỳ hàng hóa.
Thông tin đáng chú ý trong năm 2019, Vonfram Masan - công ty con do CTCP Tài nguyên Masan (Masan Resources, MSR) sở hữu 100% vốn - đã ký hợp đồng mua lại nền tảng kinh doanh vonfram của H.C. Starck GmbH (HSC). Thông qua giao dịch, MSR kỳ vọng tạo ra dòng tiền ổn định qua các chu kỳ thị trường, đồng thời mở rộng quy mô thị trường đầu ra lên 3,5 lần, từ 1,3 tỷ USD lên 4,6 tỷ USD.
Sau đó, Masan kỳ vọng sẽ bơm vốn vào MSR thông qua cổ phiếu sơ cấp của MSR, mục tiêu giảm đòn bẩy tài chính tại MSR cũng như giảm sở hữu của Tập đoàn tại MSR. Ban lãnh đạo đặt mục tiêu đối tác chiến lược trong tương lai sẽ sở hữu từ 20-49% của MSR bằng cách mua lại cổ phiếu sơ cấp hoặc cả cổ phiếu sơ cấp lẫn thứ cấp.
Tại Đại hội năm nay, MSR cũng trình cổ đông phương án chào bán cổ phần mới bằng hình thức riêng lẻ, tổng khối lượng phát hành dự kiến tối đa 9,99% số cổ phần đang lưu hành. Thời gian thực hiện dự kiến trong năm 2020-2021. Giá phát hành không thấp hơn giá trị sổ sách, cổ phần bị hạn chế chuyển nhượng trong 1 năm.
Về ban lãnh đạo, đáng chú ý MSR muốn xin phê duyệt việc miễn nhiệm thành viên HĐQT đối với ông Nguyễn Đăng Quang và số lượng thành viên còn lại là 4 người cho nhiệm kỳ 2016-2021.
Được biết, ông Quang hiện là Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Masan và Phó Chủ tịch ngân hàng Techcombank. Ông làm Chủ tịch của Masan Resources từ 2/2013 đến 4/2017 và gởi đơn từ nhiệm thành viên HĐQT vào cuối năm 2019.