Là một doanh nghiệp có thâm niên trên thị trường sợi, trải qua nhiều gian truân đến nay Sợi Thế Kỷ đang nhận được khá nhiều vốn đầu tư ngoại, đặc biệt đối tác Nhật. Trong một lần chia sẻ mới đây, Chủ tịch Sợi Thế kỷ - ông Đặng Triệu Hoà – cho biết rất tâm đắc với phương châm kinh doanh của người Nhật, mà theo đó sự theo đuổi kiên trì của Công ty suốt 2 năm là vô cùng xứng đáng.
Nhớ lại thời buổi đầu bắt tay với khách hàng Nhật, ông Hoà kể: "Họ đi mua hàng không phải người mua hàng đi mua đâu, mà là người bán hàng đi mua hàng. Đầu tiên qua Sales thôi là đã mất 5-7 lần, trong đó Sales luôn luôn đi theo kỹ thuật đi theo chất lượng. Sau đó phải thông qua đến cấp cao hơn của Sales là cấp Manager, đến giám đốc tài chính, cuối cùng là CEO. Tuy nhiên chưa dừng lại, khâu cuối cùng còn phải thông qua Sales lúc đầu lại lần nữa. Muốn làm ăn với Nhật thì phải rất kiên trì".
Sau này khi thực sự đã ký kết rồi, ông Hoà cho biết có hỏi vị giám đốc bên Nhật tại sao làm lâu vậy thì nhận được câu trả lời: "Đúng rồi, chúng tôi phải đi theo quy trình, và khi thời gian dài như vậy ông có nói dối gì cũng lộ hết. Mình xạo cũng xạo không được, mình lộn xộn thì cũng xạc nghiệp trước khi ký kết được rồi".
Quan điểm người Nhật: "Tôi làm việc này trước khi tôi cần"
Bài học kinh doanh rút ra, bên Nhật vừa làm theo quy trình, vừa làm theo kỹ thuật, số liệu sản xuất yêu cầu phải công khai tất cả, bên kỹ thuật cũng trực tiếp xuống nhà máy kiểm soát hoạt động. Có thể nói, đối tác Nhật phải mất 2-2,5 năm để quyết định khai thác, yêu cầu về chất lượng cũng rất khắt khe, tất cả tiêu chuẩn đều lấy mức tiêu chuẩn của Nhật làm đối chiếu.
Quan điểm của người Nhật, một công ty mà lôm côm thì chỉ cần 2 năm đã đóng cửa. Do đó thời gian khai thác 2-2,5 năm đủ để đánh giá được chính xác năng lực của doanh nghiệp. Đặc biệt, một phong tác làm việc của Nhật mà ông Hoà rất tâm đắc, "tôi làm cái việc này trước khi tôi cần, 3 năm khai thác là vừa đủ, vì đến 3 năm sau tôi cần cái này thì nó có sẵn".
"Mình thì gấp như bên Nhật có gấp đâu, họ vừa có đúng cái đúng thời điểm cần, vừa đủ thời gian kiểm tra được sức khoẻ doanh nghiệp, xem thử bên này có xạo hay không. Khác với mình, ngày mai cần hôm nay mới làm", ông Hoà dí dỏm so sánh, "Vì thế, phía chúng ta còn cách nào khác, ngoài bỏ cuộc hoặc dí theo để đạt tiêu chuẩn đó, mình mà không đạt thì Nhật chắc chắn không mua hàng mình đâu, không mua là không. Tuy nhiên một khi khai thác rồi thì đơn hàng ồ ạt về như một cái rổ, sướng lắm!".
Trước chậm sau nhanh
Quay lại việc kinh doanh, sau giai đoạn tìm hiểu, thời gian đầu 1 tháng chỉ từ 1-3 container, sang đến tháng thứ 4 thì tăng đột biến lên 25 container/tháng, cao nhất có khi lên đến 50 container/tháng. Thực tế, khi mà đơn hàng nó tăng đột biến, Sợi Thế Kỷ vẫn có những lúc trễ hàng, tuy nhiên thông qua hình thức giao cuốn chiếu nên vẫn đáp ứng được công việc bên đối tác, vì nếu giao trễ bên đó sẽ không chịu. Đôi lúc linh động, xuất khẩu thì sắp xếp cho đầy container nhằm giảm chi phí vận chuyển cho khách hàng còn nội địa thì có thể chỉ giao 1 xe tải miễn là đáp ứng được nhu cầu của khách hàng. Tức, Sợi Thế Kỷ không nhất thiết giao một container 20 tấn mà chỉ cần 1 ngày giao đủ 2 tấn cho bên ấy sản xuất trước, điều này vừa đáp ứng được nhu cầu khách hàng nước ngoài còn khiến khách hàng nội địa hài lòng hơn vì không cần phải lưu kho mà vẫn đủ hàng.
"Nguyên tắc đầu tiên không được để khách hàng hụt, nếu không họ sẽ khiếu nại kinh khủng. Giá cả khách hàng có thể thương lượng, nhưng không được trục trặc về chất lượng cũng như giao hàng", ông Hoà nhấn mạnh.
Khi khách hàng có khiếu nại về chất lượng, ông chủ Sợi Thế Kỷ đều cố gắng sắp xếp dắt theo nhân viên phụ trách sản xuất kỹ thuật theo để họ hiểu không phải chỉ có sếp yêu cầu khắt khe, mà bên khách hàng là cần tiêu chuẩn chất lượng rất cao mới đáp ứng được nhu cầu sản xuất của họ, mình phải giải quyết được nhu cầu của khách hàng, dần dần nhân viên sẽ hiểu biết nhiều hơn và học được cách đảm đương.
Không tránh khỏi những sai lầm, song sai lầm chỉ nên xảy ra trên quy mô nhỏ
Điểm qua về Sợi Thế Kỷ, trong bối cảnh ngành dệt may hưởng lợi từ làn sóng FTAs cùng dòng vốn dịch chuyển từ Trung Quốc sang thời chiến tranh thương mại, ngành sợi kéo theo đó ghi nhận nhiều triển vọng.
Khởi sự từ năm 2000, Sợi Thế Kỷ sau cơn bĩ cực những năm 2015-2016 đến nay đang có nhiều tham vọng lớn. Nếu giai đoạn toàn ngành đang khó khăn việc xây dựng nhà máy từng là gánh nặng chi phí kéo lùi Sợi Thế Kỷ, thì đến nay việc Trảng Bàng 5 chính thức đi vào hoạt động được xem là điểm sáng khi mở rộng công suất, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng; hay bước chuyển tập trung sản phẩm sợi tái chế đón đầu xu hướng cũng là những lợi thế cho doanh nghiệp này, tính đến hiện tại.
Bên trong nhà máy Sợi Thế Kỷ.
Xuất hiện tại buổi Analyst gần đây, Chủ tịch Đặng Triệu Hoà chia sẻ nhà đầu tư về những kế hoạch lớn thời gian tới, không chỉ dừng lại ở sợi tái chế, mà còn đa dạng nhóm sản phẩm sang sợi màu… thậm chí hợp tác với Nhật dự cho ra đời dòng cao cấp với giá thành gấp mười mấy lần những đơn vị hiện tại. Tuy nhiên, phía sau những thuận lợi hôm nay là cả hành trình dài của người cầm trịch – đi lên từ một tay sales với hai lần "tan đàn xẻ nghé" thời mới lập nghiệp.
"Trong chặng đường 18 năm qua, tôi cũng có những sai lầm. Ví dụ khi lần đầu tiên đầu tư mua máy cũng có trường hợp chọn nhầm loại máy không phù hợp với nhau, chưa tối ưu được hiểu quả tiết giảm điện năng, tiêt hao điện năng nhiều hơn nhu cầu cần thiết, tuy nhiên rút kinh nghiệm cho những dự án sau làm tốt hơn, vì đã phải trả giá cho những máy móc mua trước". Điểm lưu ý ông Hoà nhấn mạnh những lần làm trước thì phải quy mô nhỏ, để có sai lầm cũng không quá nặng, ngóc đầu lên lại được, "nếu từ đầu tôi làm bùng cái đầu tư vài trăm triệu USD, kết quả sai rồi thì coi như thua luôn, khó để xoay xở", vị này tâm sự.