Giá dầu tăng hơn 2% trong phiên giao dịch cuối tuần vô cùng biến động, và tính chung cả tuần giảm khoảng 7% do hoạt động bán tháo mạnh mẽ khi làn sóng lây nhiễm Covid-19 mới lại gia tăng trên khắp Châu Âu gây nghi ngờ về triển vọng hồi phục nhu cầu nhiên liệu trong thời gian tới.
Kết thúc phiên 19/3, dầu Brent tăng 1,25 USD/thùng (2%) lên 64,53 USD/thùng; dầu Tây Texas Mỹ (WTI) tăng 1,42 USD (2,4%) lên 61,42 USD/thùng. Nhiều thương gia ngành dầu cho rằng việc bán tháo ở những phiên trước đã đi quá đà
Mặc dù vậy, tính chung cả tuần giá dầu vẫn mất khoảng 7%, do những phiên bán tháo mạnh mẽ trước đó.
Phiên liền trước (thứ Năm ngày 18/3), giá dầu thô đã giảm khoảng 7% khi các nền kinh tế lớn của Châu Âu đồng loạt tái áp dụng các biện pháp phong tỏa, giữa bối cảnh tiến trình tiêm chủng vắc-xin ngừa Covid-19 ở khu vực bị chậm lại do các vấn đề liên quan đến phân phối vắc-xin và lo ngại về tác dụng phụ. Với mức giảm hơn 7%, ngày 18/3 trở thành ngày giá dầu giảm giá mạnh nhất kể từ tháng 4/2020.
Giá dầu giảm là do sự kết hợp của hàng loạt các yếu tố: Những nhà đầu cơ đã mua dầu vào từ khá lâu nay bán chốt lời, đồng USD mạnh lên và hi vọng vào kết quả tiêm chủng vắc-xin ở Châu Âu giảm bớt.
Trả lời phỏng vấn của Bloomberg, chuyên gia phân tích dầu cao cấp thuộc DNB Bank ASA, Helge Andre Martinsen, cho biết: "Trong 2 tuần qua đã có nhiều bài viết về việc giá giảm, về khả năng giá sẽ giảm sâu". Đã có một số tiêu đề giảm giá trong hai tuần qua. "Nhưng thật ngạc nhiên là điều đó đã đến chỉ trong một ngày".
Phil Flynn, nhà phân tích cấp cao của Price Futures Group ở Chicago cho biết: "Việc bán tháo sẽ tác động đến một số điều, có thể đã làm chậm đà tăng giá", và " Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các đồng minh (OPEC+) sẽ lo ngại hơn về Covid-19, do đó sẽ tăng khả năng nhóm này sẽ một lần nữa gia hạn việc cắt giảm sản lượng. Việc giá dầu giảm mạnh cũng sẽ làm giảm động lực của các nhà sản xuất dầu đá phiến Mỹ trong việc mở rộng sản xuất."
Sản lượng đá phiến của Mỹ đã làm tăng nguồn cung dầu toàn cầu trong khi nhu cầu nhiên liệu giảm mạnh trong thời kỳ đại dịch. Các công ty khoan dầu của Mỹ đã bổ sung thêm 9 giàn khoan dầu trong tuần này, mức tăng hàng tuần lớn nhất kể từ tháng 1. Thông tin từ công ty dịch vụ dầu khí Baker Hughes cho biết số giàn khoan hiện tại của Mỹ là 318 giàn, cao nhất kể từ tháng 5/2020.
Sản lượng dầu thô Mỹ
Nhưng chính lo ngại về việc tiêm vắc-xin mới đang gây áp lực giảm lên giá dầu.
Đức, Pháp và các quốc gia khác đã thông báo nối lại việc tiêm vắc-xin AstraZeneca sau khi các cơ quan quản lý tuyên bố rằng vắc-xin này an toàn. Nhưng việc dừng tiêm sớm trước đó đã làm cho dịch bệnh bùng phát trở lại, ở một số người đã có tình trạng kháng vắc-xin. Đó là chưa kể đến việc nguồn cung vắc-xin chậm trễ. Anh thông báo việc triển khai tiêm vắc-xin trong tháng tới sẽ chậm hơn so với tiến độ vì nguồn cung thuốc bị chậm trễ.
Goldman Sachs cho biết những sóng gió của thị trường dầu - liên quan đến nhu cầu của Liên minh châu Âu và nguồn cung Iran - sẽ làm chậm lại quá trình tái cân bằng thị trường trong quý II, mặc dù họ hy vọng hành động của OPEC+ sẽ bù đắp được điều đó.
Xuất khẩu dầu thô của Iran sang Trung Quốc – khách hàng lớn nhất – đã tăng lên mức cao kỷ lục trong những tháng gần đây, trong khi các nhà máy lọc dầu quốc doanh Ấn Độ cũng đã bổ sung dầu Iran vào kế hoạch nhập khẩu dầu hàng năm, với giả định rằng các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với nhà cung cấp thuộc OPEC này sẽ sớm được nới lỏng.
Trên cơ sở kỳ vọng nhu cầu dầu toàn cầu sẽ tăng đáng kể trong những tháng tới, Goldman nâng dự báo giá dầu Brent lên 80 USD/thùng vào mùa Hè này.
Tham khảo: Reuters, Oilprice