Quỹ ngoại liên tục mua ròng
Thị trường chứng khoán Việt Nam đã trải qua tháng 11/2022 giao dịch phân hóa mạnh. Theo đó, chỉ số chính trong nửa đầu tháng 11 liên tục rung lắc mạnh và có lúc rơi về vùng giá 870-900 điểm. Tuy nhiên, chỉ số hồi phục vào nửa cuối tháng này. Đáng chú ý, 5 phiên cuối tháng chứng kiến VN-Index tăng tốc và đạt 1.048,42 điểm tại phiên 30/11, tăng 5,3% so với đầu tháng 11.
Sự phục hồi của thị trường có đóng góp không nhỏ từ dòng vốn ngoại khi họ có tháng mua ròng mạnh nhất trong nhiều năm trở lại đây với tổng giá trị 16.000 tỷ đồng. Đây được coi là hiệu ứng tích cực tới tâm lý thị trường.
So với cuối tháng 11, thì tỷ lệ của NĐTNN tại nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn đã tăng mạnh như VND (tỷ lệ tăng từ 14,84% lên 17,83%), STB (20,4% lên 23,92%), KDH (28,38% lên 36,32%)….
Ngoài ra, một số quỹ ngoại đã giảm mạnh tỷ trọng tiền mặt trong danh mục, như: tiền mặt ròng VEIL (quỹ đầu tư thuộc Dragon Capital) chỉ chiếm 5,52% NAV (tính đến ngày 17/11);
Dù vậy, đã có ý kiến lo ngại các doanh nghiệp Việt có thể bị NĐTNN thâu tóm trong bối cảnh mặt bằng định giá cổ phiếu nói chung đang ở mức rất rẻ.
Lo ngại này có cơ sở vì trái ngược với khối ngoại, nhà đầu tư cá nhân riêng tháng 11/2022 lại bán ròng 19.016 tỷ đồng trên sàn HoSE, trong đó bán ròng khớp lệnh 18.793 tỷ đồng. Đây cũng là tháng bán ròng lịch sử của nhóm cá nhân trong nước.
Theo giới chuyên gia, đà bán ròng của khối nhà đầu tư nội chủ yếu đến từ lực bán giải chấp, trong đó có 2 cổ phiếu trong rổ VN30 là NVL, PDR, qua đó cũng đẩy 2 mã này giảm điểm (thậm chí là giảm sàn) trong nhiều phiên.
Không chỉ 2 mã trên, loạt lãnh đạo nhiều doanh nghiệp cũng bị bán giải chấp cổ phiếu. Theo đó, từ ngày 28/11-1/12, ông Đỗ Quý Hải – Chủ tịch HĐQT HPX, bà Chu Thị Lương (vợ ông Hải) và ông Đỗ Quý Đường (em trai ông Hải) đã bị bán giải chấp hơn 45 triệu cổ phiếu HPX, tương đương 14,8% vốn công ty.
Hay, CTCP Chứng khoán Tiên Phong (HoSE: ORS) đã có thông báo bán giải chấp 5,9 triệu cổ phiếu CTCP Tập đoàn Danh Khôi (HNX: NRC) thuộc sở hữu của ông Lê Thống Nhất – Chủ tịch HĐQT. Thời gian thực hiện dự kiến từ 24/11/2022 đến khi đảm bảo đủ tỷ lệ theo quy định về giao dịch ký quỹ.
Ngoài ra, phải kể đến nhiều lãnh đạo cấp cao tại Tổng CTCP Đầu tư Phát triển Xây dựng, CTCP Phát triển nhà Bà Rịa - Vũng Tàu, CTCP Đầu tư LDG, Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình… cũng bị "call-margin".
Nguy cơ thâu tóm hiện hữu
Giới chuyên gia lo ngại nguy cơ thâu tóm doanh nghiệp trên sàn do cổ phiếu nhiều doanh nghiệp mặt bằng chung vẫn ở mức thấp.
Bà Phạm Minh Hương bày tỏ lo lắng:"Vòng xoáy giảm giá trên thị trường vốn Việt Nam cũng như tình trạng khát thanh khoản hiện nay sẽ kích hoạt các cuộc "bán mình" đáng tiếc của doanh nghiệp Việt".
Ông Trương Hiền Phương – Giám đốc cấp cao CTCP Chứng khoán KIS Việt Nam cho rằng đây cũng là vấn đề cần lưu ý. "Với đà giảm của các cổ phiếu do tâm lý thị trường, bán "force-sell"… nhiều doanh chủ lo lắng công ty của mình có thể bị thâu tóm. Do cổ phiếu giao dịch ở vùng giá thấp, có khi chỉ cần bỏ ra vài chục triệu USD cũng có thể thâu tóm công ty".
Những lo ngại này là có cơ sở khi việc mua cổ phiếu quỹ - công cụ vừa "đỡ giá" và chống thâu tóm, không dễ thực hiện như trước đây. Cụ thể, Luật Chứng khoán 2019 và Luật doanh nghiệp 2020, giảm vốn điều lệ đã trở thành quy định bắt buộc đối với các tổ chức khi thực hiện mua lại cổ phần từ các cổ đông. Công ty phải đăng ký giảm vốn điều lệ tương ứng với tổng mệnh giá các cổ phần mua lại trong thời hạn 10 ngày và tiêu hủy lượng cổ phiếu tương ứng. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng phải lấy ý kiến cổ đông giảm vốn điều lệ mới được mua cổ phiếu quỹ. Hay, doanh nghiệp cũng không được phát hành tăng vốn trong 6 tháng sau khi mua cổ phiếu quỹ….
Tuy vậy, giới chuyên gia cũng trấn an rằng lo ngại doanh nghiệp Việt bị thâu tóm mới dừng ở mức nguy cơ.
Ông Trương Hiền Phương nói:"Vấn đề thâu tóm thực tế vẫn chưa xảy ra. Và, khối ngoại mua ròng trên thị trường chứng khoán Việt Nam chủ yếu thông qua các quỹ mở ETF. Đây là các quỹ đầu tư theo bộ chỉ số, chứ không nhắm tới việc thâu tóm doanh nghiệp. Tháng 11 ghi nhận sự tham gia tích cực của một số quỹ ETF nội/ngoại như Fubon FTSE Vietnam ETF (vào ròng hơn 2,8 nghìn tỷ đồng); VanEck Vietnam ETF và iShares MSCI Frontier and Select EM ETF (+1,5 nghìn tỷ đồng) và quỹ nội VFMVN Diamond ETF (+ 2,9 nghìn tỷ đồng)".
Ngoài ra, ông Phương cho biết một số doanh nghiệp đã chủ động làm việc với bên bán giải chấp để giảm bán để họ có thời gian thu xếp tài chính, nộp thêm cổ phiếu hay các tài sản thế chấp khác để tránh tình trạng bán ròng kéo dài.