Mặc dù TPHCM đã bước vào giai đoạn "bình thường mới" được gần 5 tháng nhưng hàng loạt mặt bằng cho thuê có giá hàng trăm triệu đồng mỗi tháng vẫn bỏ trống khiến nhiều chủ nhà "mất ăn mất ngủ".
Nhiều chủ nhà trên các tuyến đường trung tâm TP.HCM đang "mất ăn, mất ngủ" khi chứng kiến mặt bằng từng mang lại nguồn thu hàng trăm triệu đồng mỗi tháng bị bỏ trống cả năm. Dù giảm giá thuê và có nhiều hỗ trợ khác nhưng họ vẫn chưa tìm được người thuê.
Ghi nhận tại các tuyến đường như Lê Thánh Tôn, Đồng Khởi, Lý Tự Trọng, Lê Lai, Nguyễn Trãi, Hồ Tùng Mậu… nhiều mặt bằng vẫn đang treo biển tìm khách thuê. Nhiều mặt bằng đã nằm trong tình trạng "cửa đóng then cài" suốt cả năm qua.
Bà Thu, bán nước ngay khu vực vỉa hè đường Đồng Khởi (quận 1), cho hay: "Tôi bán ở đây hơn 20 năm, chưa bao giờ thấy con đường này buồn đến vậy. Những mặt bằng ở đây chuyên kinh doanh phục vụ khách du lịch. Nhưng khi du lịch phải đóng cửa hơn 2 năm qua vì dịch Covid-19 nên những mặt bằng ở đây cũng "đắp chiếu" ngần ấy thời gian".
Việc không sử dụng trong thời gian dài, khiến cơ sở vật chất trong những mặt bằng này bị xuống cấp trầm trọng.
Ông Nghĩa vừa thu gom những ống dẫn khí bị hư để bán phế liệu, chia sẻ: "Đồ hư người ta bỏ đi nhiều lắm. Đa số bị hỏng vì lâu ngày không sử dụng. Chủ nhà cũng muốn sửa chữa, cải tạo lại mặt bằng để dễ mời chào khách thuê hơn".
Những mặt bằng từng được cho thuê để kinh doanh buôn bán đồ mỹ nghệ, thổ cẩm cho khách du lịch, nay phải đóng cửa vì không có khách. Theo người dân, trước dịch, những mặt bằng trên đường Đồng Khởi (quận 1) có giá thuê không dưới 15.000 USD/tháng (khoảng 350 triệu đồng). Hợp đồng thuê thường kéo dài 3-5 năm.
Một mặt bằng ở góc đường Đồng Khởi - Ngô Đức Kế (quận 1), với tổng diện tích sử dụng hơn 300m2, đang được chủ nhà mời chào với giá 350 triệu đồng/tháng. Theo chủ nhà, trước đây, mặt bằng này được thuê mở nhà hàng Úc. Quán kinh doanh tốt, đông khách. Nhưng khi du lịch đóng cửa vì dịch bệnh, nhà hàng phải đóng cửa vì không có khách dù chủ nhà đã 3 lần giảm giá thuê.
Dịch vụ kinh doanh ăn uống (F&B) cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì đại dịch. Những mặt bằng san sát nhau trên "phố trà sữa" Hồ Tùng Mậu (quận 1) vẫn phải đóng cửa vì chưa có khách thuê.
Không chỉ những mặt bằng kinh doanh đơn lẻ bị ảnh hưởng, mà các thương hiệu nổi tiếng như The Coffee House, Starbucks, Gong Cha... cũng phải đóng cửa, chấm dứt hợp đồng thuê sớm.
Cô Lệ (hơn 30 năm) sống ở đường Ngô Đức Kế (quận 1) nói: "Thời điểm này, nếu ai có ý định thuê mặt bằng ở đây để kinh doanh, thì tôi khuyên thật lòng là nên lấy số tiền đó đi làm từ thiện còn tốt hơn. Đổ tiền vào đây chắc chắn sẽ mất hết vì dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, thì lấy đâu ra khách hàng mà kinh doanh".
Một mặt bằng nằm ở vị trí đắt địa trên đường Hai Bà Trưng (quận 1), gần nhà hát TPHCM, khách sạn Park Hyatt Sài Gòn và khách sạn Caravelle Sài Gòn phải "đắp chiếu" hơn một năm nay.
Anh Nguyễn Quang Trung - một nhà thầu chuyên thiết kế và trang trí nội thất cho các mặt bằng kinh doanh - cho hay: "Sau Tết, thị trường cho thuê mặt bằng từng bước hồi sinh trở lại. Thời gian qua, tôi đã bắt đầu nhận các công trình có giá thuê cao từ 300 đến 500 triệu đồng/tháng ở khu vực trung tâm thành phố".
Một mặt bằng ở góc đường Bùi Viện - Trần Hưng Đạo (quận 1), vừa cho thuê thành công sau hơn một năm đóng cửa và đang được cải tạo lại để sớm đưa vào kinh doanh.
Không chỉ ở trung tâm quận 1, nhiều mặt bằng ở quận 3 và quận 5, quận 10, quận Phú Nhuận và TP Thủ Đức... cũng gặp khó khăn trong việc tìm khách thuê.
(Theo Dân trí)