Ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước ra quyết định giảm lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng từ 5,5%/năm xuống còn 5%/năm, từ ngày 19/11, hầu hết các ngân hàng thương mại đã công bố biểu lãi suất mới nhằm đáp ứng quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Lãi suất của các "ông lớn" chỉ còn 4,3 – 4,8%/năm, không nhiều ngân hàng áp mức kịch trần
Mặc dù không vướng trần lãi suất mới, 4 ngân hàng thương mại Nhà nước cũng thực hiện điều chỉnh biểu lãi suất huy động của mình. Cụ thể, lãi suất kỳ hạn 3 tháng của 4 ngân hàng này được điều chỉnh giảm từ 5% xuống còn 4,8%. Tại Vietcombank, Vietinbank và Agribank, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 - 2 tháng cũng giảm 0,2 điểm phần trăm, từ 4,5% xuống còn 4,3%/năm.
Trong khi đó ở nhóm thương mại cổ phần tư nhân, khảo sát của chúng tôi ở 23 ngân hàng cho thấy, có đến gần một nửa trong số đó đang áp dụng lãi suất 5%/năm với các khoản tiền gửi có kỳ hạn dưới 6 tháng, đây cũng chính là mức lãi suất tối đa theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Có thể kể đến những cái tên như VietABank, ACB, HDBank, OceanBank, SHB,...
Xếp ngay sát sau là Nam A Bank, Sacombank và LienVietPostBank với lãi suất xấp xỉ mức trần. Cụ thể, Nam A Bank và Sacombank đều đang niêm yết lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 1 tháng và 2 tháng lần lượt là 4,9% và 4,95%/năm; trong khi đó LienVietPostBank áp dụng lãi suất 4,9%/năm cho cả 2 kỳ hạn này. Với kỳ hạn 3 - 5 tháng, 3 ngân hàng này niêm yết lãi suất chạm trần ở mức 5%/năm.
Lãi suất cho các khoản tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng của nhóm các ngân hàng còn lại dao động trong khoảng từ 4,5% - 5%/năm. Chẳng hạn, VPBank niêm yết lãi suất kỳ hạn 1 - 2 tháng từ 4,5% - 4,8% (tăng dần theo số tiền gửi); lãi suất kỳ hạn 3 - 5 tháng cao hơn 0,1 điểm phần trăm (từ 4,6% - 4,9%/năm). TPBank áp dụng lãi suất 4,75% - 4,85%/năm cho các kỳ hạn 1 - 2 tháng và 4,95% cho các kỳ hạn 3 - 5 tháng.
Lãi suất tiền gửi tiết kiệm tại quầy của một số ngân hàng thương mại
Chênh lệch lãi suất kỳ hạn 6 tháng giữa các ngân hàng lên đến 2,6%
Lãi suất các kỳ hạn dưới 6 tháng giữa các ngân hàng không có sự khác biệt lớn do quy định về trần lãi suất huy động của Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, sang đến kỳ hạn 6 tháng, lãi suất tiết kiệm của các ngân hàng thương mại có sự phân hoá rõ rệt.
Quan sát trên thị trường cho thấy, lãi suất kỳ hạn 6 tháng chủ yếu dao động trong khoảng từ 5,6% - 6,8%/năm. Chẳng hạn, theo biểu lãi suất mới nhất được công bố ngày 22/11 tại Techcombank, lãi suất kỳ 6 tháng đang được ngân hàng niêm yết là 5,9% - 6,8% tùy theo số tiền gửi và đối tượng khách hàng. Sacombank và VietABank đều đang áp dụng mức lãi suất 6,3%/năm với các khoản tiền gửi kỳ hạn 6 tháng. Cao hơn 0,1%, TPBank và MBBank đang áp dụng lãi suất là 6,4%/năm. 6,8%/năm là mức lãi suất niêm yết cho kỳ hạn 6 tháng tại các ngân hàng Nam A Bank, HDBank, OceanBank.
Nhóm ngân hàng "big 4" vẫn là các ngân hàng hiện niêm yết lãi suất "khiêm tốn" nhất, chỉ ở mức 5,3%/năm cho các khoản tiết kiệm kỳ hạn 6 tháng.
Đáng chú ý, PVcomBank và NCB đang niêm yết lãi suất kỳ hạn 6 tháng lần lượt ở mức 7,5% và 7,9%, nghĩa là cao hơn 2,2% đến 2,6% nếu so với lãi suất của "4 ông lớn".
VPBank, SCB, VIB, … cũng là những ngân hàng hiện niêm yết lãi suất trên 7%/năm với kỳ hạn 6 tháng.
Có thể thấy, so với thời điểm đầu tháng 10, lãi suất huy động kỳ hạn ngắn của các ngân hàng thương mại đã có xu hướng giảm, chủ yếu giảm từ 0,2 đến 0,7 điểm phần trăm. Đây được coi là bước tiến gần hơn hướng đến mục tiêu giảm lãi suất cho vay theo chủ trương của Chính phủ, đồng thời giúp các ngân hàng thương mại cơ cấu lại nguồn vốn huy động theo hướng giảm tỷ trọng nguồn vốn ngắn hạn và tăng tỷ trọng của nguồn vốn trung và dài hạn.