Thị trường chứng khoán kết thúc phiên giao dịch 9/3 trong sắc đỏ, xanh xám bao trùm. Hàng loạt cổ phiếu trong đó có cả những cổ phiếu của những doanh nghiệp kinh doanh tốt hơn trong dịch bệnh bị giảm sàn. Nguyên nhân thị trường chứng khoán giảm có nhiều nhưng chung quy lại, nhà đầu tư đã bị nỗi sợ COVID-19 dẫn dắt hành động. Bán tháo lúc này, thứ duy nhất nhà đầu tư nhận được là sự rút lui trong thua lỗ. Nếu bình tĩnh, chiến thắng có thể sẽ đến với nhà đầu tư.
Bài viết này chúng tôi xin điểm danh một số điểm nhà đầu tư cần NHỚ trước khi hành động.
Thứ nhất: Tình hình dịch bệnh trở nên phức tạp hơn ở Việt Nam vào cuối tuần qua vì "bệnh nhân số 17". Nhưng, đừng quên là Việt Nam ngay lập tức hành động, lập ra chuỗi những người liên quan và cách ly mầm bệnh. Trong cuộc họp mới đây, lãnh đạo Hà Nội khẳng định chưa bỏ lỡ 72 giờ vàng để kiểm soát dịch bệnh. Và, trong cuộc họp chiều nay, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định "Chúng ta đã có sự chuẩn bị tốt cho tình huống này và sẽ làm tốt hơn nữa các kịch bản".
Nhà đầu tư đừng quên, ngay khi xuất hiện dịch bệnh Covid-19 thì Việt Nam đã lên hàng loạt kịch bản và phương án ứng phó tương ứng.
Xem thêm: Thủ tướng: Việt Nam sẽ kiểm soát tốt và chặn đứng dịch trong thời gian tới!Thứ hai: Ngay cả những cổ phiếu được hưởng lợi từ dịch bệnh cũng bị bán mạnh. Nhà đầu tư để ý một chút sẽ thấy, các siêu thị, chợ cuối tuần qua đông đúc như thế nào và những mặt hàng nào bán chạy nhất. Covid-19 bất ngờ xuất hiện trở lại ở Việt Nam do "bệnh nhân số 17" khiến nhiều người dân tích trữ nhu yếu phẩm cho vài ngày, giảm việc phải đi ra ngoài. Việc tích trữ này đẩy nhu cầu tại một số mặt hàng tăng nhiều lần so với bình thường. Nhìn theo nghĩa tích cực nào đó sẽ thấy, doanh thu của một số doanh nghiệp sẽ tăng mạnh theo nhu cầu của người dân. Masan là một trong số những doanh nghiệp được lợi đáng kể khi sản phẩm của họ là hàng tiêu dùng nhanh như mì tôm, nước mắm đặc biệt là thịt mát. Với sự gia tăng bất ngờ của nhu cầu người dân, nhà đầu tư hoàn toàn có thể kỳ vọng vào "cuộc chơi thịt mát" của Masan bất ngờ có được cơ hội vàng để tiếp cận người tiêu dùng và kết quả kinh doanh quý 1 có lẽ sẽ là một con số đủ để nhà đầu tư vui hơn. Thế nhưng, cổ phiếu MSN vẫn bị bán mạnh, đẩy giá -4,4% cuối phiên!
Hay như Vinamilk. Cổ phiếu VNM hôm nay giảm sàn. Nếu để ý một chút, nhà đầu tư sẽ thấy kệ hàng tại các siêu thị cứ bổ sung sữa lại được người dùng mua nhanh. Chưa kể, sữa chua uống để tăng sức đề kháng là mặt hàng bán rất chạy của Vinamilk kể từ khi dịch bệnh bùng phát. Nói cách khác, Vinamilk cũng đang bán hàng tốt hơn thông thường rất nhiều trong dịch bệnh. Vậy thì, vì đâu cổ phiếu giảm sàn?
Sự sợ hãi, bán tống bán tháo cổ phiếu để chạy trốn khỏi thị trường chắc chắn sẽ khiến nhà đầu tư thua lỗ vì VNM hay MSN đều đang ở vùng giá đáy nhiều năm.
Thứ ba: Nếu bình tĩnh xử lý, nhà đầu tư có thể kiếm lời ngay cả trong tình hình dịch bệnh. Điều này đã nhiều lần xảy ra trên thị trường chứng khoán và xảy ra một cách tự nhiên nên không có gì là lạ lẫm cả. Thông thường, trước những tin tức kiểu "thiên nga đen", thị trường tài chính sẽ phản ứng một cách thái quá. Thái quá tức là quá mức so với tác động thực tế của sự kiện lên nền kinh tế và thái quá tức là, nhà đầu tư đang bị tâm lý sợ hãi dẫn dắt hành động chứ không phải lý trí. Kết thúc phiên giao dịch hôm nay, chỉ riêng sàn HoSE đã "đi tong" 192.000 tỷ đồng vốn hóa-nhà đầu tư có thấy điều này có hợp lý?
Khi thị trường ở trạng thái "thái quá", không sớm thì muộn, sự cân bằng sẽ trở lại. Và lúc này, những người bán tống, bán tháo chỉ còn biết ngẩn ngơ đứng ngoài thị trường trong nỗi tiếc nuối.