Với việc vẫn nợ tiền của hàng triệu khách hàng, giấy phép hoạt động bị đình chỉ và tài sản bị tịch thu hay thậm chí là biến thành sắt vụn, một số công ty sẽ nộp đơn xin phá sản. Tuy nhiên, "ông vua" cho thuê xe đạp một thời ở Trung Quốc – Ofo lại đi một lối đi riêng.
3 năm sau khi dịch vụ cho thuê xe đạp sụp đổ, để lại một núi xe đạp màu vàng bị bỏ hoang và hàng triệu khách hàng mất tiền đặt cọc, Ofo vẫn tồn tại như một ứng dụng thương mại điện tử nửa vời. Và công ty vẫn hứa hẹn sẽ hoàn trả tiền đặt cọc cho người dùng, với điều kiện… người dùng đưa thêm tiền cho họ!
Tuần này, Ofo đã gây phẫn nộ sau khi nói với người dùng rằng họ có thể nhận lại tiền đặt cọc nếu thuyết phục được bạn bè, người thân đưa tiền cho công ty.
Sau khi vấp phải sự chỉ trích dữ dội, Ofo đã rút lại lời đề nghị có phần "mặt dày" này. Dù vậy, nhiều người dùng vẫn bày tỏ sự tức giận thông qua các bình luận trên mạng xã hội.
"Điều này khác gì bảo người dùng lừa dối bạn bè, người thân", một người viết trên Weibo.
Những chiếc xe đạp của Ofo giờ chỉ còn là sắt vụn (Ảnh: Internet).
Được thành lập vào năm 2014, Ofo được coi là công ty tiên phong trong lĩnh vực cho thuê xe đạp ở Trung Quốc. Đến năm 2018, Ofo huy động được hơn 2 tỷ USD và hoạt động tại 21 quốc gia.
Tuy nhiên, công ty đã "đốt tiền" nhanh chóng bằng cách mua xe mới và thâm nhập thị trường mới. Cũng trong năm 2018, nó đã sụp đổ. Điều này khiến người dùng ồ ạt đến các văn phòng của Ofo trên khắp Trung Quốc để đòi lại tiền đặt cọc 99 tệ (khoảng 15,5 USD).
Tuy không có tiền, không còn xe đạp hoạt động và doanh thu nhưng Ofo còn một ứng dụng vẫn tồn tại trên hàng triệu chiếc smartphone cùng một lượng người dùng lớn đang khao khát đòi lại tiền đặt cọc.
Đến tháng 2/2020, Ofo bắt đầu tham gia vào thương mại điện tử với mục đích kiếm tiền từ chính những người mà công ty còn đang mắc nợ.
Thời điểm đó, Ofo đã phát hành bản cập nhật thay thế ứng dụng cho thuê xe đạp của mình bằng một nền tảng thương mại điện tử. Nhưng để lấy lại tiền từ hình thức này, họ phải đổ thêm tiền vào nền tảng. Ví dụ, nếu mua một túi giấy vệ sinh giá 55,9 tệ, người dùng có thể sử dụng 0,48 tệ từ khoản tiền đặt cọc của mình. Theo tính toán, để nhận lại toàn bộ 99 tệ đã đặt cọc, người dùng sẽ cần chi khoảng 11.500 tệ để mua sắm trên ứng dụng mới của Ofo.
Không những vậy, nhiều người dùng còn phàn nàn rằng ứng dụng mua sắm của Ofo chẳng khác gì nền tảng quảng cáo khi tất cả sản phẩm trên đó đều dẫn tới các cửa hàng trên Taobao, JD.com và Pinduoduo. "Tôi nghĩ rằng nền tảng này sử dụng công nghệ từ nhiều năm trước, thường gặp lỗi. Họ chẳng bận tâm đến việc đem lại trải nghiệm mua sắm tốt cho người dùng. Đây là ứng dụng tồi tệ nhất mà tôi từng dùng", một người chia sẻ.
Kể từ khi cập nhật ứng dụng, Ofo vẫn tìm mọi cách để thu hút sự chú ý của người dùng với hứa hẹn về cách lấy lại tiền đặt cọc. Đầu năm nay, họ đã quảng cáo chương trình "nạp 10 tệ và nhận lại 2,5 tệ tiền đặt cọc", yêu cầu người dùng nạp thêm tiền để mua hàng.
Gần đây nhất, ứng dụng này kêu gọi người dùng rủ bạn bè, người thân sử dụng ứng dụng hoặc nạp thêm tiền vào tài khoản hiện có và hứa hẹn sẽ hoàn trả tiền đặt cọc.
Với những khoản tiền khổng lồ còn nợ các nhà cung cấp và ít nhất 15 triệu người dùng vẫn đang chờ hoàn lại tiền đặt cọc, vẫn còn là một bí ẩn tại sao Ofo đến nay không chịu nộp đơn phá sản. Nếu Ofo giải thể, phần lớn người dùng sẽ không được hoàn lại tiền bởi chủ nợ, thuế và nhân viên chưa được trả lương sẽ được thanh toán đầu tiên.
Mặc dù các phương tiện truyền thông trong nước thỉnh thoảng đưa tin rằng Ofo đã nộp đơn phá sản sau một loạt các vụ kiện về các khoản chưa thanh toán, Ofo phủ nhận tất cả, nhấn mạnh rằng họ sẽ tiếp tục hoạt động.
Nguồn: Sixth Tone