Thiếu nguồn cung nghiêm trọng
Mới đây, USA Today dẫn lời các nhà xuất bản tôn giáo cho biết các cấm vận mới nhất của tổng thống Mỹ Donald Trump đối với mặt hàng nhập khẩu Trung Quốc có thể sẽ dẫn tới sự thiếu hụt lớn trong nguồn cung của sách Kinh Thánh.
Lí giải cho điều này, tờ báo cho hay hàng triệu quyển Kinh Thánh - một số nơi ước tính khoảng 150 triệu quyển hoặc nhiều hơn - được in ở Trung Quốc hàng năm. Những người chỉ trích cấm vận cho rằng việc chiến tranh thương mại leo thang sẽ khiến sách Kinh Thánh đắt hơn và làm tổn hại quá trình truyền giáo của các tổ chức thuộc Cơ Đốc giáo.
Mark Schoenwald, Chủ tịch và giám đốc điều hành của công ty phát hành sách HarperCollins Christian, cho biết công ty tin rằng chính quyền ông Trump "chưa bao giờ có ý định áp 'Thuế Kinh Thánh' đối với người tiêu dùng và các tổ chức tôn giáo".
Hai nhà phát hành sách Kinh Thánh lớn nhất nước Mỹ, Zondervan và Thomas Nelson, đều thuộc sở hữu của HarperCollins. Theo ông Schoenwald, 75% tổng chi phí sản xuất sách Kinh Thánh đã được sử dụng để chi trả cho các xưởng in ở Trung Quốc. Tổng cộng, hai nhà phát hành nói trên chiếm 38% thị phần trên thị trường sách Kinh Thánh ở nước Mỹ.
Rất khó để thống kê được tổng khối lượng sách ở thị trường này. Phát ngôn viên ở HarperCollins cho biết mỗi năm người Mỹ mua khoảng 20 triệu quyển Kinh Thánh.
Tập đoàn NDP, bao gồm các NPD BookScan và PubTrack Digital, đã bán ra 5.7 triệu bản Kinh Thánh ở Mỹ trong năm 2018. Tuy nhiên con số này chưa phải tất cả bởi một lượng lớn sách còn được bán từ các nhà phát hành tới thẳng giáo hội.
Tuy nhiên, có thể thấy Kinh Thánh vẫn là quyển sách bán chạy nhất nước Mỹ. Sách bán chạy thứ nhì ở Mỹ trong năm 2018 là quyển "Becoming" của tác giả Michelle Obama với 3,5 triệu bản được bán ra.
Dù bán chạy nhưng sách của cựu Đệ nhất phu nhân Mỹ Michelle Obama vẫn không vượt được doanh số của Kinh Thánh. Ảnh: Forbes
Đồng loạt phản đối
Theo các nhà phát hành, thuế quan 25% sẽ được áp dụng với tất cả các sách nhập khẩu từ Trung Quốc và gây ảnh hưởng lớn tới sách Kinh Thánh và sách thiếu nhi. Cả hai loại sách này đều cần tới yêu cầu in ấn đặc biệt mà các xưởng in Trung Quốc có thể đáp ứng trong khi các xưởng ở Mỹ không làm được.
"Các nhà xuất bản Mỹ đã đưa trang thiết bị in sách Kinh Thánh ra nước ngoài từ nhiều thập kỉ trước. Hiện tại trong nước không có cơ sở nào có đủ tiêu chuẩn để thay thế," ông Schoenwald nói.
Trả lời phỏng vấn qua điện thoại, Stan Jantz - Chủ tịch và CEO của Hiệp hội Nhà xuất bản Evangelical Christian - cho biết hơn một nửa tổng số sách Kinh Thánh được sản xuất ở Trung Quốc. Thuế quan của chính phủ Mỹ sẽ làm ảnh hưởng tới các tổ chức trao tặng sách Kinh Thánh và cũng khiến các nhà phát hành khó bán sách ở mức giá hợp lí đối với người dân.
"Thông thường, tất cả các loại sách đều không bị cấm vận," ông Jantz nói.
Ông Morin nói: "Thuế quan đối với sách Kinh Thánh sẽ làm sụt giảm đáng kể số lượng sách chúng tôi có thể in và trao tặng, làm ảnh hưởng tới tự do tôn giáo của những cá nhân ở các quốc gia khó có thể tiếp cận cuốn sách này."
Một số người phản đối cũng cho rằng cấm vận sách cũng chẳng giúp được gì cho mục tiêu mà chính phủ Mỹ đề ra là ngăn chặn Trung Quốc chiếm được công nghệ, bí mật thương mại và sở hữu trí tuệ của người Mỹ.
"Việc in sách không yêu cầu công nghệ quá phức tạp hoặc những bí mật lớn tới độ mà Trung Quốc muốn đánh cắp," một chuyên gia cho hay.
Hiện tại, các nhà phát hành và nhà phân phối sách Kinh Thánh vẫn phải chờ đợi lời phản hồi từ chính phủ.
Tại cuộc gặp thượng đỉnh G20, ông Trump và Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đã đồng ý tiếp tục đàm phán thương mại và tạm dừng một số thuế quan. Tuy nhiên, các nhà dự báo cho rằng hai bên vẫn sẽ gặp phải những điểm khác biệt khiến các cuộc đối thoại đổ vỡ vào đầu năm nay.