Ảnh minh họa
Theo công ty kinh doanh cà phê Volcafe, thế giới sẽ đối mặt với tình trạng thiếu cà phê năm thứ ba liên tiếp - điều chưa từng xảy ra trước đây do vụ thu hoạch thấp hơn dự kiến từ Brazil, quốc gia trồng cà phê hàng đầu thế giới.
Bộ phận ED&F Man cho biết trong một báo cáo hồi tháng 1 rằng nguồn cung toàn cầu sẽ giảm 3,8 triệu bao so với nhu cầu trong mùa tới, với hạt cà phê robusta thiếu hụt kỷ lục do nhu cầu về cà phê hòa tan và cà phê espresso. Công ty cho biết sự thiếu hụt xảy ra sau khi nhu cầu trong niên vụ hiện tại vượt xa nguồn cung 4,5 triệu bao.
Volcafe cho biết trong báo cáo: “Điều này có nghĩa là mức thâm hụt chưa từng có sẽ diễn ra lần thứ ba liên tiếp. Chúng tôi dự đoán giai đoạn thắt chặt nhất sẽ bắt đầu từ tháng 8 năm 2023 và tiếp tục đến năm 2024, với dự trữ toàn cầu, đặc biệt là cà phê robusta giảm xuống mức thấp kỷ lục.”
Giá sẽ tăng mạnh trong năm 2023
Dự báo tăng giá của Volcafe có thể đẩy giá lên đối với những người yêu thích cà phê. Thâm hụt robusta ở mức độ nghiêm trọng như vậy có thể khiến ngay cả những thương hiệu truyền thống tại siêu thị trở nên đắt đỏ hơn trong khi người tiêu dùng đang cố gắng cắt giảm chi phí sinh hoạt. Brazil cũng dự kiến sẽ thu hoạch ít arabica hơn - loại cà phê được Starbucks ưa chuộng và điều này có thể dẫn đến giá cao hơn tại các chuỗi cà phê và quán cà phê.
Giá cà phê arabica kỳ hạn đạt mức cao nhất trong một thập kỷ vào tháng 2/2022 sau hai vụ mùa dưới mức trung bình ở Brazil, Colombia kết hợp với sự gián đoạn vận chuyển toàn cầu. Giá đã giảm gần 40% kể từ đó, một phần do thị trường đồn đoán rằng người trồng cà phê Brazil sẽ thu được một vụ arabica kỷ lục trong năm nay.
Brazil hiện có khả năng chỉ sản xuất 40,5 triệu bao arabica cho vụ thu hoạch bắt đầu từ tháng 5, giảm so với dự báo 49,8 triệu bao của tháng 7, Volcafe cho biết. Công ty cũng cắt giảm 1,1% ước tính cho niên vụ 2022-23 do thiệt hại do sương giá.
Arabica theo truyền thống là loại cà phê phổ biến nhất, nhưng Volcafe cho biết Robusta chiếm 48% nhu cầu toàn cầu vào năm ngoái, điều này được phản ánh trong việc thắt chặt nguồn cung của loại cà phê rẻ hơn. Arabica thường có giá cao hơn so với robusta, nhưng trong năm qua, mức chênh lệch đó đã giảm một nửa trong bối cảnh các loại cà phê pha trộn chuyển sang các loại rẻ hơn.
Đồ họa: Bloomberg
Xu hướng sử dụng nhiều cà phê robusta dự kiến sẽ tiếp tục khi lạm phát và tăng trưởng kinh tế chậm lại thúc đẩy người tiêu dùng có ý thức về chi phí tìm đến những lựa chọn ít tốn kém hơn.
Indonesia, nhà sản xuất cà phê robusta xếp thứ ba, cũng dự kiến sẽ có vụ cà phê robusta nhỏ nhất trong 10 năm vào mùa tới do thiệt hại do mưa quá nhiều trên các vùng trồng cà phê chính của nước này. Điều đó sẽ ảnh hưởng đến mức thâm hụt toàn cầu của loại cà phê này vốn được dự báo sẽ tăng gấp đôi lên 5,6 triệu bao trong mùa tới.
Báo cáo cho biết: “Chúng tôi dự đoán việc sử dụng cà phê robusta toàn cầu mạnh mẽ sẽ tiếp tục cho đến khi có sự chuyển dịch đáng kể trở lại arabica được khuyến khích bởi nhu cầu của người tiêu dùng hoặc giá cả tương đối”.
Tại Việt Nam, theo Tổng cục Hải quan, cả năm 2022 xuất khẩu cà phê Việt Nam đạt 1,78 triệu tấn, trị giá 4,06 tỷ USD, tăng 13,8% về lượng và 32% về giá trị. Như vậy, đây là năm đầu tiên xuất khẩu cà phê vượt mốc 4 tỷ USD. Có được kết quả đó là nhờ giá cà phê tăng cao trên toàn cầu trong năm qua. Với giá cà phê được dự báo sẽ còn tăng cao do thiếu hụt, xuất khẩu cà phê của Việt dự báo sẽ khởi sắc trong năm 2023.
Theo Bloomberg