Mặt hàng tỷ đô này chính là tôm. Đây được coi là mặt hàng xuất khẩu quan trọng của Việt Nam khi đóng góp khoảng 40 – 45% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản. Theo thống kế của Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê Nông nghiệp, thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 11 tháng năm 2023, sản lượng nuôi trồng thủy sản ước đạt trên 4,9 triệu tấn, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm 2022. Trong số đó, riêng mặt hàng tôm đã đạt tới 1.100.400 tấn, tăng 5,9% so với cùng kỳ năm 2022.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), trong năm 2023, xuất khẩu thủy sản ước đạt 9,2 tỷ USD, đạt khoảng 92% so với kế hoạch đề ra (10 tỷ USD). Trong đó, xuất khẩu tôm của Việt Nam ước đạt 3,45 tỷ USD (thấp hơn khoảng 21% so với năm 2022); cá tra đạt khoảng 1,9 tỷ USD; cá ngừ khoảng 0,9 tỷ USD…
Tôm của Việt Nam hiện được xuất khẩu sang 100 quốc gia trên thế giới. Điều này giúp Việt Nam trở thành quốc khẩu tôm lớn thứ hai trên thế giới, chỉ sau Ecuador. Trên thực tế, Mỹ hiện là thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam. Chỉ riêng trong tháng 11/2023, Việt Nam xuất khẩu tôm sang Mỹ tăng 24%, đạt 51 triệu USD. Trong 11 tháng, lũy kế xuất khẩu tôm sang thị trường Mỹ đạt tới 640 triệu USD.
Theo VASEP, xuất khẩu tôm hiện nay của Việt Nam đang chịu ảnh hưởng của sự cạnh tranh về giá vì dư thừa nguồn cung tôm trên phạm vi toàn cầu, từ đó dẫn tới giảm. Thực tế, không chỉ Mỹ, việc xuất khẩu tôm sang hầu hết các thị trường chính như EU, Trung Quốc... đều giảm so với cùng kỳ năm 2023. Bên cạnh đó, theo cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, ngành tôm của Việt Nam hiện nay đã và đang phải đối mặt với nhiều thách thức như biến đổi khí hậu, hạn mặn ở ĐBSCL, nguồn giống còn bị phụ thuộc nhiều, hạ tầng vùng nuôi chưa đảm bảo...
Theo báo cáo mới nhất của ngân hàng Rabobank (Hà Lan), sản lượng tôm toàn cầu năm 2023 ước tính giảm 0,4% so với năm 2022, nhưng sẽ tăng 4,8% trong năm nay (2024). Trong đó, sản lượng tôm của Ecuador sẽ tăng trưởng chậm lại. Cụ thể, ngành tôm của Ecuador đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng giá thấp trong khi chi phí tăng cao. Đặc biệt, theo một số ước tính, ngành tôm của quốc gia này đã bị lỗ ròng gần 1 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm 2023.
Trong khi đó, hoạt động xuất khẩu tôm của Việt Nam được kỳ vọng là sẽ dần phục hồi trong năm 2024 khi mặt bằng xuất khẩu cũng như nhu cầu ở thị trường lớn dần phục hồi trong bối cảnh lạm phát đã hạ nhiệt.
Theo VASEP, ngành tôm của Việt Nam sẽ tiếp tục phải cạnh tranh với hai quốc gia sản xuất lớn là Ecuador và Ấn độ về giá và nguồn cung. Hơn nữa, tình trạng dư thừa cung vẫn sẽ tiếp diễn tới nửa đầu năm 2024. Trên thực tế, để khắc phục khó khăn, Ecuador và Ấn Độ đang tiến hành tăng thị phần ở cả Mỹ, Trung Quốc, EU và Nhật Bản, đồng thời tăng cường xuất khẩu tôm chế biến, dù tỷ trọng vẫn còn khiêm tốn.
Tôm được coi là một loại hải sản được nhiều gia đình ưa thích và lựa chọn trong thực đơn. Theo MedlinePlus, trong tôm có nhiều chất dinh dưỡng gồm kẽm, canxi, vitamin E, vitamin B12, giúp duy trì chức năng hệ thần kinh và selen, một loại khoáng chất giúp bảo vệ các tế bào khỏi bị hư hại, ngăn ngừa nhiễm trùng và bị viêm nhiễm…
Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, trong 100 g tôm có chứa 187 mg cholesterol, chiếm khoảng 63% lượng cholesterol cần thiết hàng ngày. Do đó, nếu chúng ta chỉ ăn 100 mg mỗi ngày thì sẽ không có tác dụng phụ nào xảy ra.
Bài viết tham khảo nguồn: Mard, VASEP, Rabobank, USDA