Ảnh minh họa
Dẫn số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, năm 2022 kim ngạch xuất khẩu hành, hẹ và tỏi của Việt Nam đạt khoảng 31,2 triệu USD, tăng gần 360% so với năm 2021. Trong đó, phần lớn xuất đi các thị trường châu Á, chiếm hơn 90%, theo sau đó là các thị trường châu Mỹ, châu Âu và châu Úc.
Nếu tính riêng các quốc gia, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu hành, hẹ, tỏi lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch năm 2022 là hơn 17,26 triệu USD (chưa bao gồm Đài Loan thêm 6,6 triệu USD). So với kim ngạch chỉ 86.185 USD trong năm 2021, xuất khẩu nhóm mặt hàng này sang Trung Quốc năm 2022 tăng đột biến 19.935%.
Không riêng thị trường Trung Quốc, có thể nói đây là nhóm ngành bùng nổ trong năm qua khi xuất khẩu đến các thị trường khác cũng đều tăng trưởng mạnh mẽ. Cụ thể, xuất khẩu hành, tỏi sang Lào tăng 459%, sang Đức tăng 182,6%, sang Đức tăng 133%, sang Anh, Đài Loan, Malaysia tăng lần lượt là 93,4%, 67,6% và 53,8%... so với năm 2021.
Theo số liệu của Bộ NN&PTNT, trong năm 2022, sản lượng củ hành của cả nước hơn 200.000 tấn/năm, trong đó riêng củ hành tím là trên 120.000 tấn và “thủ phủ” của hành tím là tỉnh Sóc Trăng với sản lượng 90.000 tấn/năm. Ngoài ra phân bố tại các tỉnh khác như Hải Dương, Ninh Thuận và Quảng Ngãi.
Các tỉnh sản xuất tỏi chính ở Trung Quốc và Sơn Đông, Hà Nam, Giang Tô, Hà Bắc và Vân Nam với diện tích canh tác đạt hơn 464.000 ha. Tuy nhiên lại không đạt sản lượng như kì vọng do các yếu tố về thời tiết. Mặc dù Trung Quốc đã kêu gọi mở rộng diện tích các loại củ như hành, tỏi trong thời gian gần đây chưa thể bù đắp được sản lượng thiếu hụt trong năm qua trong khi nhu cầu ngày càng tăng.
Đối với hành, mặt hàng này cũng đang ghi nhận khan hiếm tại nhiều quốc gia, đặc biệt là các quốc gia châu Á. Tại Phillipines, các loại củ như hành, tỏi đang chứng kiến tình trạng vô cùng khan hiếm và giá trở nên đắt đỏ hơn thịt, khiến Chính phủ phải đẩy mạnh nhập khẩu để đảm bảo an ninh lương thực.
Hiện tại, trong khi nhiều Chính phủ vui vẻ trợ cấp nhập khẩu lúa mì hoặc bột mì để giữ cho người dân của họ được đầy đủ, thì sự hỗ trợ cho người trồng rau củ lại rất hạn chế. Kết quả là thế giới sản xuất quá nhiều ngũ cốc giàu tinh bột, đường và dầu thực vật so với nhu cầu dinh dưỡng nhưng chỉ đáp ứng khoảng 1/3 lượng trái cây và rau củ cần thiết.
Để đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng này trong năm 2023 và tận dụng tối đa tiềm năng của ngành hàng, Bộ NN&PTNT khuyến cáo các địa phương cần đa dạng hóa sản phẩm, hình thức sản phẩm để kéo dài thời gian bảo quản, tận dụng lợi thế các kênh phân phối để tiếp cận thị trường khi hành, hẹ tới các nước có nhu cầu lớn như Mỹ, Trung Quốc, châu Âu và châu Á.