Sau khi lắng xuống trong gần hết năm 2023, sự bùng phát trở lại gần đây của dịch cúm gia cầm tại các cơ sở chăn nuôi gia cầm trên khắp Mỹ, Nhật Bản và các quốc gia khác đã khiến giá trứng tăng vọt trở lại.
Loại virus cúm gia cầm cực kỳ dễ lây lan và gây tử vong ở các loài gia cầm, đã được phát hiện ở các đàn trong những ngày gần đây.
David Anderson, giáo sư và nhà kinh tế thực phẩm tại Khoa Kinh tế Nông nghiệp tại Đại học Texas A&M cho biết: “Lý do khiến giá trứng tăng vọt là do HPAI (cúm gia cầm có độc lực cao) tấn công các trang trại trứng, làm chết gà và giảm sản lượng trứng”.
Tại Mỹ, hơn 14 triệu con gà đẻ trứng đã chết trong tháng 11 và tháng 12 do cúm gia cầm . Theo dữ liệu từ Bộ Nông nghiệp Mỹ, trong 30 ngày qua, hơn 8 triệu gia cầm tại Mỹ đã bị nhiễm bệnh.
Hai tuần trước, Cal-Maine Foods – nhà sản xuất trứng gà lớn nhất nước Mỹ – đã tạm thời ngừng sản xuất và tiêu hủy hơn 1 triệu đàn gà tại một trong các cơ sở của mình sau khi dịch cúm gia cầm bùng phát.
Nan-Dirk Mulder, nhà phân tích cấp cao tại ngân hàng kinh doanh nông nghiệp Rabobank cho biết: “Nhiều quốc gia và khu vực trên toàn thế giới như Mỹ, EU, Nga, Nam Phi, Ấn Độ và Nigeria phải đối mặt với mức giá cao kỷ lục”.
Một chục quả trứng cỡ lớn loại A hiện có giá 2,41 USD ở Mỹ, tăng 10% từ đầu năm đến nay.
Tại Nhật Bản, các trường hợp cúm gia cầm đã được báo cáo tại các trang trại gia cầm ở nhiều tỉnh, lây nhiễm cho hàng trăm nghìn con gà đẻ trứng.
Nhật Bản là nước tiêu thụ trứng bình quân đầu người lớn thứ hai thế giới và trứng là nguyên liệu quan trọng trong nấu ăn của người Nhật. Tại nước này, giá trứng cỡ trung bình tăng hơn 20% từ 179 yên (1,16 USD)/kg vào đầu năm lên khoảng 218 yên/kg tính đến ngày 17/4.
Trong khi đó, theo truyền thông địa phương đưa tin, nắng nóng ở Mexico đã khiến nhiều con gà mái chết vì say nắng.
Mexico - quốc gia tiêu thụ số lượng trứng bình quân đầu người cao nhất thế giới - đã chứng kiến giá tăng 30% lên 45 peso (2,63 USD)/kg so với tuần trước do đợt nắng nóng gay gắt . Mexico gần đây đã ghi nhận nhiệt độ cao nhất trong lịch sử vào ngày 15/4.
Theo dữ liệu từ Cơ quan Lương thực Quốc gia Indonesia - quốc gia sản xuất trứng lớn thứ hai thế giới - giá trứng gà thuần chủng cũng tăng hơn 10% kể từ đầu năm.
“Hãy dự trữ trứng đi vì tôi cho rằng chúng sẽ lại có giá 7 USD/tá (~180 nghìn đồng) sau vài tuần nữa”, một người dùng ở Mỹ cho biết trên nền tảng mạng xã hội X.
Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, “các sản phẩm trứng đông lạnh sẽ vẫn an toàn vô thời hạn” - nhưng bảo quản tối đa một năm để có chất lượng tốt nhất.
Còn tại Na Uy, tình trạng thiếu trứng trong kỳ nghỉ lễ Phục sinh đã khiến một số người Na Uy đổ xô sang nước láng giềng Thụy Điển để dự trữ trứng. Cơ sở dữ liệu nghiên cứu địa phương cho biết, chỉ số 12 tháng cho thấy giá tiêu dùng trứng ở Na Uy đã tăng 17,4% trong tháng 3.
Mặt khác, cúm gia cầm không phải là nguyên nhân duy nhất ảnh hưởng đến nguồn cung trứng. Các nguyên nhân khác bao gồm nhu cầu về trứng cao hơn do giá thịt cao hơn.
Anderson của Đại học Texas A&M cho biết: “Giá bán lẻ thịt bò, thịt lợn và thịt gà cao kỷ lục, vì vậy trứng có thể là sản phẩm thay thế, điều này cũng khiến giá trứng tăng theo”.
Tại Việt Nam, cuối tháng 3, trên các đường phố Hà Nội, trứng gà được rao bán khắp nơi với giá lao dốc chỉ còn 65.000 đồng/30 quả. Điều này tương đương với mức giá mỗi quả trứng chỉ khoảng hơn 2.000 đồng. Tại các trang trại, giá trứng còn rẻ hơn nhiều, chỉ dao động 1.500 - 1.800 đồng/quả.
Nguyên nhân chính khiến giá trứng lao dốc là do trước Tết, các nhà máy sản xuất bánh kẹo đã mua trứng số lượng lớn để sản xuất, nhưng sau Tết, nhu cầu giảm đột ngột. Thêm vào đó, trong những ngày lễ, người dân thường ưa chuộng các món ăn khác như thịt gà, lợn, bò nên không tiêu thụ nhiều trứng. Điều này dẫn đến tình trạng tồn kho lớn, khiến giá trứng giảm mạnh.
Năm 2023, sản lượng trứng gà của Việt Nam đạt khoảng 15 tỷ quả, tăng 10% so với năm 2022. Dự kiến, sản lượng trứng gà của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trong những năm tiếp theo.
Tham khảo: CNBC