Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) vừa cho biết, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã công bố kết quả sơ bộ cuộc điều tra hành chính xem xét lại lệnh áp thuế chống bán phá giá đối với cá tra phi-lê đông lạnh của Việt Nam cho giai đoạn từ ngày 1/8/2022 - 31/7/2023 (POR20).
Như vậy, 8 công ty xuất khẩu cá tra Việt Nam không phải chịu bất kỳ khoản thuế chống bán phá giá nào do không có hành vi bán phá giá sản phẩm vào thị trường Mỹ.
Do Mỹ chưa công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường nên DOC sử dụng các giá trị thay thế của quốc gia thứ ba để tính toán biên độ phá giá cho Việt Nam. Trong đợt rà soát này, DOC lựa chọn Indonesia là quốc gia thay thế để tính biên độ phá giá cá tra .
Theo quy định, sau 120 ngày công bố kết quả sơ bộ, DOC sẽ thông báo kết quả cuối cùng thuế POR20. Tuy vậy, trong nhiều trường hợp, kết quả cuối cùng có sự thay đổi so với đánh giá sơ bộ.
Dù vây, kết quả sơ bộ POR20 có thể được xem là tin vui nhất của ngành cá tra Việt Nam sau 20 năm bị vướng vào vụ kiện bán phá giá tại Mỹ.
Theo cẩm nang kháng kiện chống bán phá giá và chống trợ cấp tại Hoa Kỳ do Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cung cấp, tính từ vụ điều tra chống bán phá giá đầu tiên của Hoa Kỳ đối với hàng hóa Việt Nam năm 2001, đến nay Việt Nam đã vướng phải nhiều vụ điều tra chống bán phá giá ở Hoa Kỳ.
Trong những vụ điều tra đó có những vụ rất lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các doanh nghiệp xuất khẩu, nhà cung cấp và người lao động như vụ điều tra chống bán phá giá cá tra -basa filet đông lạnh năm 2001 và vụ tôm nước ấm đông lạnh năm 2003. Năm 2009, lần đầu tiên hàng hóa Việt Nam bị kiện chống trợ cấp và cũng là do Hoa Kỳ khởi xướng (vụ kiện chống trợ cấp đối với túi nhựa PE năm 2009).
Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, sản lượng cá tra tháng 8/2024 ước đạt 148,2 nghìn tấn, tăng 3,9% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân là bởi giá cá tra nguyên liệu duy trì ổn định ở mức giá cao nên hộ nuôi cá và doanh nghiệp tăng sản lượng nuôi, đáp ứng nhu cầu chế biến và xuất khẩu.
Tháng 8/2024, xuất khẩu cá tra Việt Nam sang các thị trường đạt gần 191 triệu USD, tăng 12% so với tháng 8/2023. Tính chung, 8 tháng đầu năm, xuất khẩu cá tra đạt gần 1,3 tỷ USD, tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, các sản phẩm cá tra giá trị gia tăng (GTGT) trong 8 tháng đầu năm nay, tăng 38% so với cùng kỳ năm 2023. Tính đến thời điểm hiện tại, cá tra Việt Nam đã chinh phục được hơn 140 thị trường trên thế giới.
Thị trường tiêu thụ nhiều cá tra nhất của Việt Nam là Trung Quốc và Hong Kong (Trung Quốc) với 370 triệu USD. Tiếp đến là Mỹ với 226 triệu USD. Tháng 8/2024 ghi nhận là tháng xuất khẩu cá tra Việt Nam sang Mỹ đạt giá trị cao nhất kể từ đầu năm, tăng gấp 15 lần so với tháng 8/2023. Tính đến hết tháng 8/2024, xuất khẩu sản phẩm này sang Mỹ đạt 226 triệu USD.
Australia là thị trường tiêu thụ nhiều nhất trong khối thị trường Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Trong 8 tháng đầu năm, chiếm 39% trong tổng cá tra GTGT mà nhập khẩu từ Việt Nam, với hơn 3 triệu USD, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2023.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) dự đoán nửa cuối năm 2024 nhu cầu tiêu thụ sẽ tiếp tục tăng khi các quốc gia bắt đầu có kế hoạch chuẩn bị cho các lễ hội, kỳ nghỉ. Giá xuất khẩu cá tra cũng được kỳ vọng sẽ phục hồi và tăng dần. Năm 2024, xuất khẩu cá tra Việt Nam dự kiến đạt 1,8 tỷ USD, tăng 6% so với năm 2023.