"Chúng ta đang thua, thua ngay trên sân nhà. Những người chủ khách sạn rất đau đáu khi phải trả đến 30% hoa hồng cho các công ty nước ngoài. Đó là nỗi đau của họ".
Ông Ngô Minh Đức, nhà sáng lập, Chủ tịch Công ty GOTADI, đã chia sẻ như vậy tại Hội thảo chương trình giới thiệu “Chuyển đổi số trong ngành du lịch”, diễn ra ngày 2/4, trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam - VITM Hà Nội 2022.
Ông Hoàng Quốc Hòa, Phó Giám đốc điều hành Trung tâm Thông tin du lịch (Tổng cục Du lịch), nhấn mạnh, chuyển đổi số là yêu cầu cấp thiết và là xu hướng tất yếu đối với ngành du lịch toàn cầu. Việt Nam không nằm ngoài xu hướng đó.
Trên thực tế, du lịch Việt Nam đang triển khai những sản phẩm công nghệ như hệ thống dashboard thông tin điều hành du lịch; cơ sở dữ liệu ngành du lịch cho cơ quan quản lý; hệ thống đăng ký và tự đánh giá an toàn Covid-19; ứng dụng Du lịch Việt Nam an toàn; thẻ du lịch thông minh cho du khách; hệ thống quản lý và bán vé điện tử cho các điểm tham quan,...
Các kênh OTA của nước ngoài đang chiếm lợi thế tại Việt Nam |
Chẳng hạn, tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Giám đốc Trung tâm hoạt động văn hóa khoa học ông Lê Xuân Kiêu cho hay, thời gian qua, với sự hỗ trợ của Tổng cục Du lịch và các DN công nghệ, Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã phát triển được hệ thống bán vé điện tử, dự kiến sẽ ra mắt trong tháng 4/2022. Việc này sẽ góp phần tạo thuận lợi cho khách du lịch giao dịch theo hướng “không chạm”, phù hợp trong bối cảnh dịch bệnh, đồng thời giúp khu di tích quản lý hiệu quả hơn hoạt động bán vé.
Là một trong những đơn vị đi đầu trong chuyển đổi số nhưng sau rất nhiều bài học, kinh nghiệm thương trường, Chủ tịch Ngô Minh Đức của GOTADI nhận xét, đây là một quá trình rất khó khăn, vô cùng khó, vô cùng tốn kém, đòi hỏi nguồn lực và sự kiên trì.
Theo ông, việc phát triển những nền tảng số của người Việt có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về làm chủ công nghệ, giúp các doanh nghiệp giảm bớt chi phí trong quá trình ứng dụng công nghệ vào kinh doanh.
Tuy nhiên, ông Ngô Minh Đức cho rằng, ngành công nghệ thông tin của của du lịch Việt Nam nói chung và các DN du lịch nói riêng đang ở mức thấp so với thế giới. So với ngành hàng không, vé điện tử đã có từ gần 20 năm nay.
Do đó, ông Đức đánh giá cao việc ngành Du lịch quyết tâm chuyển đổi số, bởi nếu không làm việc này sớm chúng ta sẽ lạc hậu, khó cạnh tranh. “Hiện nay chúng ta đang thua, thua ngay trên sân nhà. Những người chủ khách sạn rất đau khi trả đến 30% hoa hồng cho các công ty nước ngoài khi bán qua Agoda hay Booking.com.
Ông Ngô Minh Đức tại hội thảo (ảnh TT Du lịch) |
Ông Đức đang nhắc tới các OTA (Online Travel Agent), kênh cung cấp các sản phẩm dịch vụ như bán phòng khách sạn, tour du lịch, vé máy bay,... trên nền tảng online. Hơn 70% khách sạn ở Việt Nam đang đăng ký bán phòng trên các kênh OTA. Thậm chí, nhiều khách sạn cho biết tỷ lệ đặt phòng đến từ kênh OTA chiếm 50-60% trong cơ cấu doanh thu. Bình thường, các DN phải trả hoa hồng từ 15-20%, tuỳ mùa cao điểm hay thấp điểm. Thậm chí, có đơn vị phải trả đến 30-45% hoa hồng để được xuất hiện trên trang đầu tiên.
Tuy nhiên, các thương hiệu OTA toàn cầu như Agoda, Booking, Traveloka, Expedia... đang chiếm tới 80% thị phần ở Việt Nam. Còn Việt Nam chỉ có trên 10 công ty kinh doanh du lịch trực tuyến như Ivivu.com, Chudu24.com, Mytour.vn, GOTADI...
“Một trong những cái tiên quyết là chúng ta phải làm chủ được công nghệ, từ đó ngành Du lịch mới có thể phát triển được, giúp cho các doanh nghiệp Việt Nam lớn mạnh”, ông Đức nói
Ông Đức cho rằng, phải liên kết, phải chuyển đổi số cùng nhau thì chúng ta mới có thể hình thành, phát triển được hệ sinh thái của người Việt với nhà cung cấp dịch vụ thông minh, người dùng thông minh, điểm đến thông minh và không còn thua ngay trên sân nhà.
Qua việc cùng nhau trải nghiệm, cùng nhau nâng cấp hệ thống của người Việt, chúng ta sẽ tăng số lượng các nhà cung cấp, mở rộng đối tượng sử dụng, áp dụng các loại thẻ Việt, thẻ du lịch Việt ở mọi nơi, không phụ thuộc vào các nhà trung gian nước ngoài nữa.
Ngọc Hà