Trái ngược với không khí trúng mùa, được giá đang lan tỏa khắp ĐBSCL, thì nhiều hộ nông dân ở xã vĩnh Thắng, Vĩnh Tuy ở huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang và các xã Vĩnh Lộc, Lộc Ninh, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu lại gặp khó khi mất mùa lúa lai.
Đang thời điểm thu hoạch rộ lúa đông xuân (ĐX) 2017 - 2018 nhưng nhiều hộ nông dân ở xã Vĩnh Thắng và Vĩnh Tuy (Gò Quao, Kiên Giang) chẳng màng ra ruộng. Do dịch bệnh hoành hành nên vụ này mất mùa, bao công sức, tiền bạc đã đổ ra chăm sóc ruộng lúa nhưng đến khi làm đòng, chỉ lưa thưa vài bông lúa thoát ra được, vào hạt, còn lại không trổ bông hoặc có trổ thì cũng lép.
Ruộng lúa lai của ông Cao Văn Nam chỉ có tỷ lệ rất ít cây trổ bông, nông dân nghi ngờ chất lượng lúa giống không đạt tiêu chuẩn
Dẫn chúng tôi ra thăm đồng, anh Cao Minh Liền ở ấp Vĩnh Minh, xã Vĩnh Thắng, buồn rầu: “Tôi có 1,5ha đất canh tác luân canh vụ lúa, vụ tôm. Vụ lúa ĐX này tôi chọn tiếp loại lúa lai mà mấy năm trước tui trồng trúng mùa, với 4 bao giống (5kg/bao) mua hết 2,2 triệu đồng. Lúc đầu lúa phát triển rất tốt. Chỉ đến giai đoạn làm đòng, trổ mới phát hiện bất thường, không thoát bông ra được. Bây giờ thu hoạch mỗi công được vài bao, không đủ chi phí máy cắt, lỗ đứt vốn đầu tư, công chăm sóc”.
Tương tự, ông Cao Văn Nam ở ấp Vĩnh Tân, xã Vĩnh Thắng, cũng mua 7 bao lúa giống tương tự, để gieo sạ cho 2,5ha trên nền đất nuôi tôm. Đến ngày thu hoạch chỉ có khoảng 5 - 7% tỷ lệ lúa trên ruộng là trổ chín bình thường, còn lại bông lép trắng hoặc chết rụi. “Bao nhiêu công sức, tiền bạc đã đầu tư vào ruộng lúa hết, giờ thu hoạch không được gì là trắng tay. Chúng tôi đã làm giống lúa này mấy năm nay nên không thể nói là không nắm vững quy trình kỹ thuật. Còn vì lí do nào khác thì tui cũng mong được các cơ quan ban ngành và nhà cung cấp làm rõ để nông dân tui tụi biết mà phòng tránh cho các vụ sau”.
Do làm theo mô hình luân canh lúa - tôm nên giờ lúa có thất nông dân vẫn kêu máy vào cắt để dọn ruộng, chỉ giữ lại gốc rạ để nuôi tôm. Như vậy, dù biết chắc là thu hoạch cũng không đủ chi phí công cắt nhưng nông dân vẫn bấm bụng chi thêm khoản cuối cho vụ lúa này.
Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thắng Trần Quốc Nam cho biết, toàn xã có 550ha canh tác theo mô hình lúa - tôm thì vụ ĐX này có tới 250ha, của 132 hộ nông dân, làm giống lúa lai xảy ra hiện tượng không trổ bông, bị thất thu nặng. “Đây là vụ lúa mà nông dân thua đau vì giá lúa hiện nay đang rất cao, từ 5.500 - 6.000 đồng/kg. Dựa theo kết quả kiểm nghiệm thì nguyên nhân là do bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá nên chúng tôi mong phối hợp cùng các nhà cung cấp hạt giống có thể tổ chức các buổi tập huấn về kỹ thuật canh tác, phòng ngừa dịch bệnh để nông dân tự tin tiếp tục tái sản xuất”, ông Nam nêu quan điểm.
Theo số liệu của Chi cục Trồng trọt - BVTV Kiên Giang, tổng diện tích gieo sạ vụ Mùa 2017 - 2018 của hai xã Vĩnh Thắng và Vĩnh Tuy là 738ha, trong đó diện tích giai đoạn trổ - chín có hiện tượng bất thường trên giống lúa lai mà bà con phản ánh là 515,6ha. Cụ thể, tại Vĩnh Tuy là 256,6ha, của 161 hộ nông dân và xã Vĩnh Thắng là 250ha của 132 hộ nông dân. Ngoài ra, một số giống lúa lai khác cũng gặp tình trạng tương tự với khoảng hơn 22ha.
Theo kết luận của Chi cục Trồng trọt - BVTV Kiên Giang, những ruộng lúa lai bị thiệt hại có biểu hiện cây lúa phát triển không bình thường, có nhiều chồi đâm ra từ đốt thân; bông lúa bị nghẹn, không trổ thoát ra bẹ lá cờ; nếu trổ được thì bị lem lép và xuất hiện thối bẹ lá cờ, gây ảnh hưởng xấu tới năng suất. Triệu chứng bệnh lùn lúa cỏ bệnh vàng lùn, bệnh lùn xoắn xuất hiện nhiều trên ruộng và chiếm tỷ lệ khoảng 72,4 - 82,6%; Bệnh thối bẹ lá cờ chiếm tỷ lệ từ 64,7 - 78,2%.
Bệnh vàng lùn trên lúa và bệnh lùn xoắn lá trên lúa là do virus (vi khuẩn) gây ra. Loại virus này lan truyền qua cây trồng từ các côn trùng. Các giai đoạn của rầy nâu từ ấu trùng đến thành trùng đều là tác nhân truyền bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá. Điều kiện để rầy nâu có khả năng truyền bệnh là chúng cần ít nhất 30 phút để chích hút các cây lúa bị nhiễm bệnh. Cây lúa có thể bị nhiễm bệnh ở tất cả các giai đoạn phát triển. Giai đoạn mẫn cảm nhất là khi đẻ nhánh. Triệu chứng của bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá trên lúa biểu hiện sau 10 - 12 ngày bị xâm nhiễm từ lúc bị nhiễm bệnh. |
Theo kết luận của Viện Lúa ĐBSCL, trong 20 mẫu lúa lai thu thập tại huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang có 72 chồi nhiễm bệnh/98 chồi quan sát; tỉ lệ bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá chiếm 73,47% số mẫu gửi.
Gặp tình trạng tương tự, một số tỉnh khác trong vụ lúa trên nền đất nuôi tôm tại ĐBSCL cũng thất mùa. Cụ thể, vụ lúa ĐX 2017 - 2018, một số xã ở huyện Hồng Dân (tỉnh Bạc Liêu) gieo sạ gần 23.000ha lúa lai và hàng trăm ha đến ngày thu hoạch lại trổ bông rất ít, năng suất đạt rất thấp.
Ông Nguyễn Trung Hiếu, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Hồng Dân cho biết, nguyên nhân dẫn đến hàng trăm ha gieo sạ các giống lúa lai không trổ bông hoặc trổ bông rất ít là do bà con nông dân sạ không đúng thời vụ theo lịch khuyến cáo của phòng nông nghiệp, cây lúa bị bệnh lùn xoắn lá, không đi thăm đồng thường xuyên…
Được biết, hiện nay, toàn huyện Hồng Dân đã thu hoạch vụ lúa ĐX với năng suất đạt 4,5 tấn/ha, thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái khoảng 0,5 tấn/ha. Nhiều nông dân đang hoang mang trước tình trạng dịch bệnh và rất cần được hỗ trợ từ cơ quan ban ngành cũng như các Cty cung cấp hạt giống để duy trì mùa vụ tiếp theo.
Ngay sau khi được biết về sự việc xảy ra ở một số ruộng lúa của bà con con ở huyện Hồng Dân tỉnh Bạc Liêu và huyện Gò Quao, Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang liên quan đến giống lúa lai B-TE1, nhân viên kỹ thuật phụ trách của Cty Bayer đã đến các vùng bị ảnh hưởng làm việc và phối hợp chặt chẽ với bà con nông dân cũng như các cán bộ chính quyền địa phương để tìm hiểu rõ về tình hình đồng thời xác định đúng nguyên nhân sự việc.
Qua nhiều buổi làm việc cùng với bà con nông dân và cán bộ địa phương, các mẫu lúa nhiễm bệnh của các vùng bị ảnh hưởng đã được nhân viên kỹ thuật thu thập đem đi giám định ở Viện Lúa ĐBSCL, Trung tâm Bảo vệ Thực vật phía Nam và Viện Bảo vệ Thực Vật. Đến nay, Bayer nhận được kết quả giám định do lúa bị nhiễm bệnh vàng lùn và bệnh lùn xoắn lá trên lúa, cụ thể:
Hàng trăm ha giống lúa lai bị nghẹn đòng, không trổ, nông dân thất thu |
Ngày 12/2/2018, kết quả giám định mẫu lúa nhiễm bệnh từ Trung tâm Bảo vệ Thực vật phía Nam, xác nhận các mẫu lúa thu thập từ tỉnh Bạc Liêu bị nhiễm bệnh vàng lùn và bệnh lùn xoắn lá trên lúa. Ngày 20/2/2018 kết quả từ Viện Lúa ĐBSCL đã ghi nhận các mẫu lúa tại Bạc Liêu qua giám định bị bệnh vàng lùn và bệnh lùn xoắn lá trên lúa. Ngày 12/3/2018, kết quả từ Viện Bảo Vệ Thực Vật xác nhận các mẫu lúa ở tỉnh Gò Quao, Kiên Giang nhiễm bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá. Kết quả này cũng được xác nhận bởi kết quả kiểm tra mẫu từ Kiên Giang bởi Viện Lúa ĐBSCL ngày 10/3/2018.
Trong suốt tháng 2 vừa qua, các cơ quan chính quyền địa phương đã nhận biết những dấu hiệu của dịch bệnh và thực hiện các bước cảnh báo với bà con nông dân trên các phương tiện truyền thông địa phương cũng như thúc đẩy bà con thực hiện các biện pháp phòng ngừa. Bayer đang làm việc với bà con nông dân và cơ quan địa phương để giải thích rõ và chính thức về các sự việc vừa qua.
Theo thông tin trên bao bì mà nông dân cung cấp, giống lúa lai F1 mà họ sử dụng vụ này là Arize B-TE1 (là giống lúa lai có năng suất cao đã được trồng trong các vùng nuôi luân canh tôm và lúa trong hơn 10 năm qua, cho giá trị kinh tế cao giúp bà con nông dân đạt lợi nhuận từ cả canh tác lúa và tôm) do Cty TNHH Bayer BioScience (tại Ấn Độ) sản xuất, đơn vị nhập khẩu và phân phối là Cty TNHH Bayer Việt Nam, có trụ sở tại Biên Hòa, Đồng Nai. Được biết, sau khi xảy ra hiện tượng lúa B-TE1 trổ bông bất thường ở một số địa phương, không chỉ ngành chức năng mà phía Cty Bayer cũng đã cử cán bộ xuống lấy mẫu, phân tích và xác định nguyên là do nhiễm bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá. |
|