Sản lượng lương thực của chúng ta năm nay thế nào, thưa ông?
Theo số liệu thống kê đến cuối tháng 10, sản lượng lương thực cả nước năm 2017 ước giảm 151.000 tấn. Đi sâu vào từng vùng miền thì miền Bắc giảm 266.000 tấn (riêng đợt thiệt hại do lũ lụt vừa qua giảm 133.000 tấn), tuy nhiên miền Trung sản lượng tăng nên bù vào phần giảm của miền Bắc, ĐBSCL đầu năm lũ về sớm ảnh hưởng đến một số diện tích lúa đông xuân nhưng lúa hè thu, thu đông khá tốt, nên cơ bản sản lượng lúa ổn định. Vì vậy, tính chung cả nước nếu năm ngoái sản lượng lương thực đạt 43,6 triệu tấn thì năm nay còn 43,45 triệu tấn.
Cụ thể, miền Trung tăng trên 400.000 tấn, toàn bộ duyên hải Nam Trung bộ, Đông Nam Bộ và Tây Nguyên đều được mùa, ĐBSCL vụ đông xuân tuy giảm hơn 300.000 tấn nhưng đến vụ hè thu lại tăng năng suất được 0,8 tạ/ha, vụ thu đông năng suất tạm ước tính đến thời điểm này tăng được 0,6 tạ/ha nhưng có thể còn tăng cao hơn vì hiện vẫn còn 55% diện tích lúa chưa thu hoạch, lúa sinh trưởng tốt và dự báo năng suất sẽ cao hơn trà lúa đầu vụ.
Thế nên năng suất bình quân chung của cả nước gần như không sụt mà vẫn tăng 0,2 tạ/ha. Tuy nhiên, nguyên nhân sụt giảm 151.000 tấn lương thực là do chúng ta có 61.000 ha đất đã chuyển đổi từ lúa sang cây trồng khác hoặc cắt luân phiên xả lũ của Đồng Tháp và An Giang.
Vậy ông lý giải như thế nào về việc vừa qua giá lúa tăng mạnh, thậm chí thương lái không mua được lúa để xuất khẩu?
Trong tháng 10, giá lúa ở ĐBSCL có nhích lên khoảng 200đ/kg so với tháng trước là do tăng nhu cầu của thị trường thế giới, các nước xuất khẩu gạo đang cạn nguồn. Đến thời điểm này chúng ta đã có hợp đồng để xuất khẩu 5,6 triệu tấn gạo, dự kiến sẽ cán đích hơn 6 triệu tấn, tăng hơn so với năm 2016 trong khi sản lượng lúa không tăng nên các đơn vị xuất khẩu có xu hướng tích trữ hàng, giá có biến động chút ít.
Ở một số vùng của phía Bắc cũng có hiện tượng lúa tăng giá cục bộ do mất mùa. Nhưng điều tiết chung trong toàn quốc, với sản lượng thiếu hụt 151.000 tấn thì không có ảnh hưởng gì. Hiện ta vẫn còn dư khoảng 700.000 tấn dành cho nhu cầu xuất khẩu từ nay đến cuối năm.
Tóm lại với những diễn biến khó lường của thời tiết như năm nay thì năng suất, sản lượng như thế là thắng lợi chứ không phải thất bại, chỉ có mất mùa cục bộ ở một số tỉnh phía Bắc, chủ yếu do mưa lũ vừa qua nên đã kéo sản lượng xuống.
Trở lại vụ mùa ở miền Bắc theo ông dùng từ "mất mùa" có chính xác không? Trước tình hình đó thì lời khuyên nào cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo?
Miền Bắc không mất mùa nghiêm trọng mà chỉ mất mùa cục bộ do mưa lũ kéo dài và dịch bệnh. Bệnh lùn sọc đen phương Nam cũng gây ảnh hưởng đến năng suất của một số tỉnh như Thái Bình, Nam Định và Hải Phòng. Tuy nhiên, tổng diện tích thiệt hại do ngập lũ và dịch bệnh so với tổng diện tích cấy lúa của miền Bắc không phải là quá lớn, diện tích mất trắng cũng không cao.
Với bệnh lùn sọc đen chúng ta đã có dự tính ban chu kỳ phát sinh của bệnh để có biện pháp đối phó sớm nên còn xảy ra thiệt hại cục bộ ở một số địa phương.
Trước đó Thứ trưởng Bộ NN và PTNT Lê Quốc Doanh và hai Cục Trồng Trọt, BVTV đã có nhận định và thông báo về khả năng xảy ra dịch lùn sọc đen phương nam nhưng bệnh này do tác nhân virus gây ra nên một số địa phương còn thiếu kinh nghiệm trong công tác chỉ đạo, nông dân chưa có kinh nghiệm để đối phó với bệnh này.
Bệnh của virus thường khó phát hiện đến khi có biểu hiện ra thì không chữa được nữa vì đã xâm nhập vào trong. Một số lơ là chủ quan cho rằng bệnh do virus không có thuốc chữa nên không quan tâm đến việc trừ côn trùng môi giới. Thứ nữa là phát hiện đối tượng côn trùng môi giới rầy lưng trắng không dễ như rầy nâu vì mật độ của chúng rất thấp.
Vụ mùa vừa qua, dịch bệnh diễn biến khá phức tạp. Theo ông sự vào cuộc của các địa phương đã kịp thời chưa?
Nhìn chung hầu hết chính quyền địa phương các cấp đều rất tích cực nhất là sau sự cố của Thiên ưu 8 ở Hà Tĩnh thì nhiều nơi cảnh giác cao. Khi Thái Bình phát hiện ra lùn sọc đen đã thông báo cho Cục và Cục cũng đã thông báo cho Giám đốc Sở NN- PTNT các tỉnh từ Nghệ An trở ra để chỉ đạo phòng trừ sớm, các Sở NN- PTNT đều rất quyết liệt đặc biệt là Hải Phòng, Thái Bình nên cũng hạn chế được nhiều thiệt hại.
Tuy nhiên với một số tỉnh phía Bắc vì dịch bệnh xuất hiện quá nhanh nên đã trở tay không kịp. Tuy nhiên cũng còn một số địa phương trong chỉ đạo có phần chủ quan, chưa sát do chưa lường hết về tính chất nguy hiểm của bệnh.
Ví dụ đối với các bệnh do virus nói chung khi xảy ra dịch thường chỉ tập trung tiêu hủy nguồn bệnh rồi thống kê diện tích bị để đền bù, hỗ trợ. Nhưng đó là sự tiếp cận không chính xác bởi bệnh lùn sọc đen không lây qua vết thương cơ giới mà qua côn trùng môi giới.
Khi tiêu hủy mầm bệnh phải xác định côn trùng môi giới có còn ở trong ruộng đã bị nhiễm bệnh hay không. Nếu chúng đã phát tán đi rồi thì việc tiêu hủy không có ý nghĩa. Nếu còn tác nhân truyền bệnh là rầy lưng trắng thì phải tìm cách quây lại, diệt trước khi tiêu hủy cả ruộng chứ không sẽ vô tình phát tán mầm bệnh.
Các địa phương cũng không kịp thời liên hệ giữa cơ quan quản lý và cơ quan nghiên cứu để chẩn đoán nhanh mật độ rầy mang virus nhằm có những quyết sách đúng vì chỉ với mật độ thấp rầy lưng trắng đã truyền bệnh rồi. Hay nhận thức về giai đoạn gây hại của bệnh thì lùn sọc đen gây hại rất muộn, thời gian tiềm ẩn bệnh rất dài, khác hẳn với virus vàng lùn xoắn lá.
Chúng có hai biểu hiện gây hại, thứ nhất là lùn sọc đen cùng những triệu chứng điển hình trên lá và thân và thứ hai là không trỗ được. Khi không phát hiện được triệu chứng thứ nhất thành ra chủ quan. Phải sau này khi chúng tôi nhắc thì các địa phương mới bắt đầu quan tâm đến chuyện đó, nhận thức được để tập trung, khu trú, tìm diệt côn trùng môi giới.
Thực tế khi chúng tôi đi khảo sát ở một số địa phương thì ngay cả phương pháp thống kê của họ cũng có vấn đề, họ giấu một phần mất mùa. Đáng lẽ thống kê năng suất phải tính trên tổng diện tích cấy đến lúc thu hoạch nhưng nhiều nơi bỏ diện tích mất trắng ra, không thống kê vào thành ra sản lượng trên giấy tờ vẫn tăng mà thực tế lại thấp hơn nhiều. Họ bảo rằng đó là để "đảm bảo yếu tố chính trị", ý kiến ông ra sao?
Vấn đề này tôi không biết chắc chắn vì thực ra ngành nông nghiệp vẫn có ước tính năng suất, sản lượng nhưng theo số liệu theo dõi của Sở NN- PTNT các tỉnh thì năng suất lúa trong năm 2017 theo số liệu Tổng cục Thống kê cơ bản là chính xác. Hiện tại chúng ta chỉ còn chờ vào năng suất lúa thu đông của ĐBSCL sẽ có số liệu thống kê cuối cùng.
Xin cảm ơn ông!