Những ngày qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có nhiều động thái khiến cả thế giới đứng ngồi không yên. Chính quyền của ông Trump đã nổ phát súng khơi mào chiến tranh thương mại, những bài phát biểu của ông Trump nhằm thẳng vào lãnh đạo của nhiều nước đồng minh, khiến NATO bị sốc hay gọi EU là kẻ thù của Mỹ cũng như cuộc họp báo thân thiện với Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Có hai lý do để thấy rằng những gì ông Trump đang làm có thể tác động tới trật tự thế giới được duy trì suốt nhiều năm qua. Thứ nhất, những gì ông Trump đang làm dẫn tới việc xói mòn lòng tin, giữa cả các đồng minh lẫn đối thủ. Khi điều này xảy ra, niềm tin sẽ rất khó lấy lại ngay cả khi ông Trump không còn ở trong Nhà Trắng.
Thứ hai, ông Trump đang lăn một tảng đá xuống từ đỉnh núi. Tảng đá đó chính là chủ nghĩa dân túy. Giống như các chính trị gia đằng sau chiến dịch Brexit của nước Anh, những gì ông Trump đang làm dường như vừa khuếch trương những cảm xúc mạnh mẽ và khai thác nó.
Lawrence Lau, một chuyên gia kinh tế tại Đại học Hồng Kông, nói rằng: "Chủ nghĩa dân túy và bảo hộ ở Mỹ không phải do ông Trump tạo ra. Ông ấy chỉ biết cách khai thác chúng vô cùng hiệu quả".
Với giới doanh nghiệp Mỹ, rõ ràng ông Trump đã làm những gì ông hứa trong cuộc đua vào Nhà Trắng. Ông Trump, người bước chân vào chính trường Mỹ từ một tài phiệt bất động sản, đã hiện thực hóa lời hứa giảm thuế và bãi bỏ những quy định gây cản trở kinh doanh. Ông cũng từng muốn mang việc làm về cho nước Mỹ. Tuy nhiên, giới doanh nghiệp lại đang lo lắng bởi những gì ông Trump đang thể hiện có thể khiến chính bản thân họ phải trả giá.
Hiện tại, ông Trump đang hiện thực hóa cam kết đánh thuế với thép và nhôm nhập khẩu vào Mỹ, bất kể nó có nguồn gốc từ Trung Quốc hay các đồng minh thân cận khác. Ông Trump cũng đánh thuế các loại hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, động thái nhằm cân bằng cán cân thương mại giữa hai bên. Ngay lập tức, Bắc Kinh đã tiến hành các động thái đáp trả tương đương nhằm vào hàng hóa Mỹ.
Joshua Bolten, một người Cộng hòa ủng hộ tự do thương mại và đảm trách cương vị Chánh văn phòng Nhà Trắng dưới thời Tổng thống George W. Bush, phản bác những quan điểm cho rằng những động thái của ông Trump không để lại hậu quả lâu dài. "Khi bạn phá vỡ chuỗi cung ứng, khi bạn chứng minh rằng mình là một đối tác thương mại không đáng tin cậy, bạn sẽ mất vĩnh viễn những mối quan hệ ấy", ông Bolten nhấn mạnh.
Những tin tức đáng lo ngại về Chiến tranh Thương mại cũng khiến Thị trường Tài chính Mỹ phản ứng tiêu cực. Các chỉ số chứng khoán đồng loạt giảm điểm trong khi các chuyên gia cảnh báo mức thuế quan cũng làm ảnh hưởng tới tốc độ tăng trưởng của Mỹ.
Trong khi đó, những mối đe dọa treo lơ lửng cùng một tương lai không chắc chắn khiến các doanh nghiệp Mỹ ngại đầu tư trở lại vào nhà máy và thiết bị mới hay còn gọi là giảm chi tiêu vốn đầu tư, JPMorgan Chase & Co. nhận định.
Những tin tức tích cực về lợi nhuận đang là động lực quan trọng của tăng trưởng vốn toàn cầu thời gian gần đây. Tuy nhiên, nó sẽ biến mất khi Chiến tranh Thương mại leo thang. Nếu ông Trump hiện thực hóa việc đánh thuế bổ sung các mặt hàng nhập khẩu trị giá 200 tỷ USD từ Trung Quốc, chứng khoán có thể mất 10 đến 15% giá trị vốn hóa so với thời điểm hiện tại.
Đó là những rủi ro ngay lập tức. Về lâu dài, rào cản thương mại làm cho kinh tế toàn cầu kém hiệu quả vĩnh viễn bởi các nền kinh tế đều nỗ lực làm ra những thứ rẻ hơn người khác có thể làm ở nơi khác. Tổ chức Hợp tác và Phát triển Quốc tế (OECD) ước tính rằng nếu các nước khôi phục mức thuế như hồi năm 1990, nó sẽ xóa sạch thành quả của 30 năm nỗ lực. Mức sống trung bình trên thế giới vào năm 2060 cũng sẽ thấp hơn 14% so với mức cơ sở của OECD dự báo.
Jamie Thompson, người đứng đầu lĩnh vực Kinh tế Vĩ mô tại Oxford Economics, nhấn mạnh: "Các tranh chấp ngắn hạn có thể để lại hậu quả vô cùng dài hạn".
Ông Joseph Nye, 81 tuổi, một nhà khoa học chính trị tại Kennedy School of Government của Đại học Harvard cho rằng, ban đầu, người ta nghĩ những gì ông Trump làm có thể là ảnh hưởng từ thói quen thương lượng của một doanh nhân. Tuy nhiên, sau những gì ông Trump làm ở NATO và EU, người ta dấy lên nghi ngờ việc ông Trump muốn phá bỏ trật tự thế giới hiện tại.
Nếu đúng, ông Trump thực sự có thể phá hủy những tổ chức Quốc tế ra đời từ sau Thế chiến II. Trong vai trò sáng lập và ủng hộ mạnh mẽ cho Tổ chức Thương mại Thế giới, Liên Hợp Quốc, NATO, Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới, Mỹ rút lui sẽ để lại những hậu quả lớn, thậm chí khiến những tổ chức này khó vận hành như nó đã từng.
Tuy nhiên, thế giới dường như đã phản ứng. Nếu ông Trump vẫn tiếp tục chính sách này, các nước sẽ chống lại Mỹ và Mỹ sẽ không còn đóng vai trò cường quốc số 1 thế giới như họ đã từng dù cả kinh tế và quân sự, không ai vượt được Mỹ. Khi cả thế giới quay lưng, người Mỹ sẽ làm khó chính mình với những gì mà chính quyền ông Trump đang theo đuổi.
Ở thời điểm hiện tại, Mỹ có nhiều bất đồng với Trung Quốc. Tuy nhiên, nếu những gì ông Trump đang làm vẫn tiếp tục kéo dài, vị tổng thống tiếp theo của Mỹ sẽ không thể dùng những cơ chế quốc tế, chẳng hạn như quy định của WTO, để gây sức ép lên Trung Quốc. Ngược lại, trong quãng thời gian này, Nga, Trung Quốc hay những quốc gia khác có thể tranh thủ để nâng vị thế trên trường quốc tế, lấp vào khoảng trống mà Mỹ đã bỏ lại.
Sẽ mất nhiều năm để sửa chữa những thiệt hại mà ông Trump để lại.