Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho rằng đối tượng lợi dụng lòng tham để giăng bẫy lừa vay tiền online.
Thời gian qua cơ quan chức năng liên tiếp nhận được trình báo của nạn nhân về việc bị mất tiền sau khi đăng ký vay tiền online.
Mới đây ngày 16/9, Công an phường Thạch Bàn, quận Long Biên, Hà Nội tiếp nhận trình báo của anh T. (29 tuổi, người địa phương) về việc đăng ký vay tiền online qua ứng dụng với lãi suất 0,5%. Hệ thống yêu cầu người này chuyển tiền trước mới cho vay tiền.
Sau khi chuyển 252,5 triệu đồng vào tài khoản yêu cầu nhưng không nhận được khoản vay, nam thanh niên phát hiện bị lừa và tới trình báo tại cơ quan công an.
Hay như trường hợp của anh L.C.T. (29 tuổi; ngụ ở huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định), anh đã phải trình báo cơ quan Công an về việc bị kẻ xấu lừa đảo chiếm đoạt của anh hơn 520 triệu đồng trong quá trình tiến hành các "thủ tục" để vay 80 triệu đồng qua mạng xã hội.
Thông báo về việc chuyển tiền nhầm và sẽ đóng băng khoản vay từ phía "cho vay" gửi cho |
Do đang cần tiền nên anh T. truy cập vào đường link tin nhắn đăng ký vay 80 triệu đồng. Thậm chí anh được một người gọi điện hướng dẫn, đồng thời yêu cầu chuyển khoản 10% số tiền anh muốn vay theo "quy định".
Khi anh T. chuyển khoản xong 8 triệu đồng thì phía "cho vay" báo lại chưa nhận được tiền, thậm chí người này dọa nếu không thực hiện sẽ phải bồi thường 50% tổng khoản vay. Sau 2 ngày "giao dịch" để vay 80 triệu đồng qua mạng xã hội, anh T đã chuyển 520 triệu đồng cho kẻ lừa đảo trên.
Trước hàng loạt vụ việc tương tự xảy ra thời gian qua, TS. Cao Sỹ Kiêm -Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho rằng trong thời đại kỹ thuật số và thanh toán qua mạng phát triển mạnh nên xảy ra nhiều vụ lừa đảo.
Chính vì vậy cá nhân mỗi chúng ta lúc nào cũng cần phải tuyệt đối tin tưởng và tìm hiểu kỹ lưỡng các tổ chức tín dụng được nhà nước cấp giấy phép cho hoạt động tín dụng, hoặc kỹ thuật số, hoặc thanh toán trực tiếp.
Thứ hai các cá nhân phải tìm hiểu pháp luật đầy đủ, thông tin chính thống của nhà nước về vấn đề trên.
Thứ 3, khi phát hiện những bất thường phải kiểm tra kiểm soát kịp thời, nếu không hiểu có thể hỏi cơ qan chức năng.
Theo nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nhận định, khi khoa học tiến bộ thì thủ đoạn, âm mưu lừa đảo sẽ càng tinh vi hơn. Nếu chúng ta không cẩn thận sẽ dễ bị lừa.
Đặc biệt những yêu cầu đòi hỏi ngoài quy định phải cận trọng như ứng dụng chuyển tiền trước, chuyển khoản qua tài khoản ngân hàng. Nếu bị yêu cầu, cá nhân phải tìm hiểu qua ngân hàng nhà nước hoặc tổ chức tín dụng, một khi không tỉnh táo sẽ dễ bị lừa.
Phân tích thêm về nguyên nhân của việc nạn nhân dễ bị lừa đảo, TS. Cao Sỹ Kiêm nói: "Thường những đối tượng lừa đảo sẽ lợi dụng những người không hiểu biết thông tin, chúng đánh vào kinh tế của nạn nhân đang cần tiền trong giai đoạn dịch bệnh gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra chúng cũng lợi dụng lòng tham của nạn nhân để giăng bẫy lừa đảo, đánh lừa.
Nhiều người ham lãi suất rẻ của các đối tượng lừa đảo đưa ra mà quên đi những sơ hở mà chúng đặt ra. Theo quy định không có cơ quan tổ chức tín dụng nào yêu cầu người vay phải chuyển tiền trước, đây là quy định bất thường đòi hỏi nạn nhân phải tự đặt câu hỏi".
Bên cạnh đó, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng đánh giá rằng trong thời kỳ kỹ thuật số, ai ai cũng dùng điện thoại thông minh nên những đối tượng lừa đảo đã lợi dụng và nhắn tin liên tục cho mọi người sử dụng.
"Các đối tượng đã sử dụng nghệ thuật tuyên truyền và quảng bá rất rộng, gửi tin nhắn hỗ trợ vay tiền với lãi suất thấp để nạn nhân sập bẫy. Vậy nên các cơ quan chức năng, chuyên môn phải thường xuyên tuyên truyền những nội dung dễ tiếp thu để mọi người hiểu, không mắc lừa những đối tượng trên nữa" - Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh.
(Theo Đất Việt)