Trong những ngày cuối tháng 8, đầu tháng 9, CTCP Chứng khoán SSI đã liên tục bán ra gần 1,5 triệu cổ phiếu CTCP Đầu tư Phát triển Công nghệ Điện tử Viễn thông (Elcom). Theo quan sát, đây là đợt bán lớn cổ phiếu ELC thứ hai của SSI trong năm. Lần đầu vào trung tuần tháng 2, bán gần 1,9 triệu đơn vị.
Và cả hai lần giao dịch, cổ phiếu ELC đều ở vùng giá cao nhất trong vòng một năm gần đây, xấp xỉ 7.000 đồng mỗi đơn vị. Giá trị mà SSI thu về ước tính trên 20 tỷ đồng.
Trên website của mình, Elcom tự giới thiệu là một trong những công ty công nghệ cao hàng đầu Việt Nam với thế mạnh là các sản phẩm phần mềm và tích hợp hệ thống cho các nhà cung cấp dịch vụ mạng, các giải pháp chìa khóa trao tay và các dịch vụ kỹ thuật cho các ngành viễn thông, an ninh quốc phòng, giao thông vận tải, nông nghiệp công nghệ cao.
SSI đầu tư vào doanh nghiệp này từ tháng 9/2011 với tỷ lệ sở hữu ban đầu hơn 8%.SSI từng sở hữu hơn 20% cổ phần Elcom giai đoạn 2012 - 2014 (trở thành công ty liên kết), tuy nhiên trước động thái thoái vốn mạnh mẽ từ đầu năm 2018 của cổ đông số một, tỷ lệ nắm giữ hiện tại chỉ còn trên 9,8%. Công ty của Chủ tịch Nguyễn Duy Hưng đang tỏ ra không còn mặn mà với khoản đầu tư ròng rã gần 10 năm này.
Bởi thực tế, cổ phiếu Elcom đang ở vùng đáy lịch sử, lao dốc suốt từ mức đỉnh tháng 11/2016. Khi đó, ELC đạt trên 25.000 đồng/cp.
Vào cuối tháng 3/2020, cổ phiếu Elcom từng rơi xuống chỉ còn hơn 4.000 đồng trước khi bật lại lên trên 7.000 đồng ở thời điểm hiện tại. Tại mức giá này, vốn hóa thị trường của Elcom chỉ đạt 360 tỷ đồng.
Nguồn: VNDirect
Thống kê của chúng tôi cho thấy rằng, duy chỉ năm 2016, khoản đầu tư Elcom của SSI có giá trị thị trường lớn hơn giá vốn. Những năm sau đó, mức thua lỗ ngày càng sâu. Cuối năm 2019, giá trị thị trường chỉ còn lại 28% so với giá vốn. Đây có thể là nguyên nhân chính buộc SSI phải làm hành động cắt lỗ.
Giá trị khoản đầu tư ghi nhận vào thời điểm kết thúc kỳ kế toán
Diễn biến đáng buồn của cổ phiếu Elcom một phần không nhỏ đến từ kết quả kinh doanh bết bát dần trong vòng 10 năm trở lại đây.
Giai đoạn này, doanh thu của Elcom biến động tương đối mạnh. 2010 – 2014 sụt giảm cả doanh thu và lợi nhuận, sau đó bùng nổ trở lại vào 2015 – 2016, nhưng nhanh chóng mất đà sau đó.
Đỉnh cao trong cả thập kỷ là mức doanh thu 1.300 tỷ đồng năm 2016, nhưng lợi nhuận chỉ 94 tỷ đồng, bằng hơn một nửa so với mức 2010.
Lợi nhuận ròng của Elcom ngày càng mỏng so với giai đoạn 2010
Cơ cấu doanh thu của Elcom gồm ba mảng chính: doanh thu cung cấp dịch vụ, doanh thu bán hàng hóa và doanh thu bán thành phẩm phần mềm. Điểm khác biệt nằm ở giai đoạn 2010, biên lãi gộp bán thành phẩm phần mềm ở mức cao. Nhưng kể từ năm 2013, hoạt động này gần như không có lãi, làm hiệu quả kinh doanh của Elcom giảm sút đáng kể.
Chỉ số về biên lợi nhuận gộp phản ánh rõ ràng hơn điều này, giảm từ khoảng 40% xuống quanh 20% như thời điểm hiện tại.
Biên lợi nhuận gộp cũng đã giảm mất một nửa so với giai đoạn đỉnh cao
Nhưng Elcom đang cho thấy dấu hiệu hồi phục trong vòng hơn một năm trở lại đây. Trong nửa đầu 2020, doanh thu thuần đạt 348 tỷ đồng, tăng 86%; lợi nhuận sau thuế 14 tỷ đồng, gấp gần 5 lần cùng kỳ.
Trả lời tại ĐHĐCĐ thường niên 2020 về nguyên nhân kết quả kinh doanh kém, ban lãnh đạo Elcom thừa nhận rằng đã từng quá tập trung vào mảng viễn thông, và không thích ứng kịp khi thị trường rơi vào khủng hoảng, bão hòa.
Hệ quả kéo theo là việc công ty đã không chia một đồng cổ tức nào kể từ năm 2018. Trong những năm trước đó, cổ tức giảm cùng với mức giảm lợi nhuận. Được biết năm 2010, Elcom trả cổ tức tổng tỷ lệ lên tới 55%, trong đó 30% tiền mặt, 25% bằng cổ phiếu.
Không chỉ SSI hiện đang mắc kẹt với khoản đầu tư vào Elcom, nhiều quỹ ngoại cũng chung số phận tương tự.
Cổ đông lớn thứ hai Samarang Ucits mua vào hơn 8% cổ phần vào tháng 11/2017, mức giá cổ phiếu khi đó dao động từ 15.000 - 17.000 đồng. Hay như Pyn Elite Fund cầm 6,5% từ tháng 1/2018, giá mua thị trường khi đó cũng sẽ từ khoảng 14.000 - 15.000 đồng/cp.