Lần gần đây nhất sản lượng dầu của Mỹ đạt mức 10 triệu thùng/ngày là từ thời mà cố Tổng thống Richard Nixon còn làm chủ Nhà Trắng. Gần 50 năm sau, khi giá dầu dao động gần mức 65 USD/thùng, sản lượng dầu hàng ngày của Mỹ sắp một lần nữa chạm mức 8 con số. Đây là một cột mốc quan trọng trong hành trình hiện thức hóa giấc mơ đã từng được coi là ngoài tầm với, đó là trở thành quốc gia sản xuất dầu lớn nhất thế giới. Với điều này, Mỹ đã bước một bước dài để tiến gần hơn đến sự tự chủ về năng lượng.
Việc Mỹ chiếm lĩnh vị trí đứng đầu mà lâu nay vẫn thuộc về Saudi Arabia hay Nga sẽ xác lập một trật tự năng lượng mới của thế giới. Thế nhưng sự xáo trộn như vậy có thể sẽ mang lại nhiều hệ quả. Thứ nhất, tầm ảnh hưởng của các quốc gia dầu mỏ vốn rất có tiếng nói trong nửa thế kỷ qua giờ đây sẽ suy yếu. Các nhà ngoại giao mang trong mình tư tưởng "nước Mỹ là trên hết" sẽ không còn phải "đi nhẹ nói khẽ" trước các quốc gia sản xuất dầu như Saudi Arabia. Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) sẽ chật vật hơn để có thể đạt được đồng thuận trong những chính sách sản lượng, và giá dầu có thể sẽ lại giảm xuống, làm tái phát vết thương cũ đã ám ảnh tổ chức này suốt thời gian qua. Và điều này cũng phần nào làm hao mòn sức mạnh trong chính sách ngoại giao của Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Chính quyền của Tổng thống Donald Trump dự định tăng cường hoạt động khai thác dầu ngoài khơi và lần đầu tiên trong 40 năm qua cho phép triển khai hoạt động khoan dầu ở khu bảo tồn thiên nhiên hoang dã Bắc Cực. Có thể sẽ phải mất nhiều năm mới thấy được ảnh hưởng từ những chính sách này, thế nhưng chỉ riêng trữ lượng dầu thô có thể khai thác ở ngoài khơi Alaska thôi ước tính cũng đã lên đến con số 11,8 tỷ thùng.
Nghe thì có vẻ ấn tượng, nhưng Mỹ cũng cần phải thận trọng với những kỳ vọng của mình. Ba năm vừa qua là ba năm nóng kỷ lục kể từ thế kỷ 19, và kế hoạch của Tổng thống Trump lại dường như không có chỗ cho những nguồn năng lượng thân thiện với môi trường. Thống đốc của các bang ven biển đã chỉ ra rằng nếu xảy ra sự cố tràn dầu ở ngoài khơi thì hoạt động du lịch, vốn cũng là một ngành trị giá cả nghìn tỷ USD, sẽ bị tàn phá nặng nề, chưa kể các hệ sinh thái dễ bị tổn thương ở ven biển cũng sẽ bị phá hủy. Bang Florida đã xin được đứng ngoài kế hoạch khoan dầu nói trên. Nguồn cung gia tăng còn có thể kéo giá dầu đi xuống, qua đó khiến hoạt động đầu tư vào các loại năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời và năng lượng gió trở nên kém hấp dẫn.
Dù vậy thì hiện giờ ngành dầu mỏ Mỹ đang trên đà phát triển, nhờ sự "kiên cường" của lĩnh vực dầu đá phiến. Chỉ vài năm trước, ngành đá phiến dường như không có khả năng thành công. Cuối năm 2014, Saudi Arabia đã "nhắm bắn" các đối thủ của mình, trong đó có Mỹ. Thay vì cắt giảm sản lượng để giữ giá, vị "đại gia" dầu mỏ này đã thuyết phục OPEC "mở van", khiến giá dầu giảm xuống dưới mức 40 USD/thùng trong tháng 12/2014, so với mức hơn 100 USD/thùng chỉ bốn tháng trước đó, với hy vọng giết chết ngành dầu đá phiến. Thoạt đầu, Saudi Arabia có vẻ như sẽ thành công với kế hoạch của mình, khi sản lượng dầu của Mỹ giảm từ mức cao 9,6 triệu thùng/ngày xuống còn 8,5 triệu thùng/ngày. Trình trạng phá sản làm chao đảo ngành dầu đá phiến từ vùng Permian Basin ở Texas đến Bakken Formation ở Bắc Dakota, khiến hàng chục nghìn công nhân mất việc.
Thế nhưng, thay vì chấp nhận thua cuộc, các công ty dầu đá phiến vẫn kiên trì, cắt giảm chi phí và "điên cuồng" vay vốn để duy trì hoạt động khai thác. Cuối cùng, đến cuối năm 2016, Saudi Arabia đã phải thuyết phục OPEC và Nga cắt giảm sản lượng. Và một cách chậm rãi mà vững chắc, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) đã tăng từ 26 USD/thùng hồi tháng 2/2016 lên mức hiện tại. Điều gì không thể giết chết được ngành dầu đá phiến sẽ chỉ khiến nó trở nên mạnh mẽ hơn. Các công ty sản xuất dầu đá phiến còn tồn tại sau cuộc "thanh trừng" nói trên đã chuyển mình thành công cùng với sự trợ giúp của công nghệ và đem lại những kết quả lịch sử.
Tháng 10/2017, nhập khẩu ròng dầu thô và các sản phẩm lọc dầu của Mỹ đã giảm xuống dưới 2,5 triệu thùng/ngày, mức thấp nhất kể từ năm 1973, trong khi con số này của 10 năm trước là hơn 12 triệu thùng/ngày. Nhờ cuộc cách mạng dầu đá phiến mà Mỹ từ một nước khan hiếm dầu trở thành một cường quốc năng lượng.
Đối với OPEC, cường quốc mới nổi này đặt ra một thách thức chưa từng có. Nếu OPEC cắt giảm sản lượng, các nhà sản xuất dầu đá phiến có thể phản ứng bằng cách gia tăng sản lượng, từ đó cạnh tranh thị phần với các nước thành viên OPEC và cản trở những nỗ lực thao túng giá dầu của tổ chức này. Thế nhưng con đường duy nhất cho OPEC vẫn là gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng như họ đang làm hiện tại và cầu nguyện điều tốt nhất sẽ đến, vì nếu cái bắt tay giữa OPEC và Nga không còn nữa, thì OPEC cũng không thể tránh khỏi kịch bản "vỡ trận".
Về phía Nga, nếu cuộc cách mạng dầu đá phiến kìm giữ giá dầu ở mức thấp, thì nước này sẽ là kẻ thua cuộc hàng đầu, khi doanh thu từ dầu là nguồn lực tài chính để Moscow mạnh dạn can thiệp vào các tình hình ở nước ngoài, từ Ukraine đến Syria. Vậy nên, điều duy nhất mà "xứ sở bạch dương" có thể làm là tiếp tục hợp tác với Saudi Arabia để hạn chế sản lượng.
Thế nhưng, nói vậy không có nghĩa là ngành dầu đá phiến của Mỹ không có gì trở ngại. Cường quốc năng lượng mới nổi này cũng không thể nằm ngoài tầm ảnh hưởng của những thăng trầm trên thị trường thế giới. Chẳng hạn như khi giá dầu tăng do những bất ổn chính trị ở Trung Đông, thì giá dầu ở Mỹ cũng sẽ tăng lên, bất chấp vị trí địa lý và sản lượng của quốc gia này.
Một vấn đề khác nữa là cuộc cách mạng dầu đá phiến có thể gây tổn hại cho các công ty lọc dầu. Suốt nhiều năm, các công ty này phải mất hàng tỷ USD vào các thiết bị đặc biệt để xử lý dầu thô chất lượng thấp có hàm lượng lưu huỳnh cao từ Mexico, Venezuela, Canada, và Saudi Arabia. Trong khi đó, chất lượng của dầu đá phiến lại quá cao nên nó sản xuất ra được rất ít dầu diesel, vốn là nhiên liệu cho hoạt động sản xuất.
Trong bối cảnh nhu cầu dầu vẫn tăng lên bất chấp sự gia tăng các loại năng lượng tái tạo và sự phát triển của các loại xe điện, ngành dầu đá phiến khó có thể bắt kịp với tốc độ tiêu thụ trên toàn cầu. Lúc đó, dù thận trọng với các nhà sản xuất dầu đá phiến của Mỹ thì Saudi Arabia và Nga vẫn là các nước sản xuất dầu hàng đầu thế giới. Và hai "gã khổng lồ" này có thể vẫn là những chướng ngại vật lớn trên con đường đi tìm sự tự chủ về năng lượng của Mỹ.