Cuộc chiến trong nội bộ DN xây dựng lớn nhất Việt Nam đã kết thúc với sự thắng lợi của NĐT ngoại và sự ra đi của nhà sáng lập Nguyễn Bá Dương. Tuy nhiên, DN bốc hơi hàng tỷ USD và chứng kiến tình trạng chảy máu chất xám.
Công ty cổ phần Xây dựng Coteccons (CTD) vừa công bố báo cáo tài chính cho thấy tính tới cuối 2020, doanh nghiệp này ghi nhận số người lao động tụt giảm hơn 610 người so với đầu năm xuống chỉ còn hơn 1.600 người.
Điều này đồng nghĩa với chi phí danh cho nhân viên cũng giảm mạnh.
Diễn biến tiêu cực này diễn ra trong bối cảnh cuộc chiến giữa nhóm cổ đông nội và nhóm cổ đông ngoại kéo dài nhiều năm đã kết thúc trong năm qua với sự ra đi của nhà sáng lập Coteccons - ông Nguyễn Bá Dương. Hàng loạt lãnh đạo chủ chốt người Việt nghỉ việc và có thể kéo theo người lao động ở các vị trí thấp hơn.
Thông tin ban đầu cho thấy, Coteccons sẽ thưởng Tết khủng, với tối thiểu 10 tháng lương.
Sự ra đi của một lượng lớn người lao động trong bối cảnh tình hình tài chính của Coteccons khá bình thường là một tín hiệu xấu đối với doanh nghiệp này. Nhiều năm qua, Coteccons được biết đến là doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực xây dựng cũng là nhờ đội ngũ lãnh đạo và lao động của doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Bá Dương. |
Trước đó, Coteccons liên tiếp được bình chọn là doanh nghiệp có môi trường làm việc tốt nhất Việt Nam và đứng thứ nhất ngành xây dựng. Những biến động về nhân sự trong năm 2020 đang cho thấy một thực trạng mới.
Gần đây, ông Nguyễn Quốc Hiệp đã từ chức thành viên HĐQT Coteccons với giải thích rằng ban lãnh đạo mới hành xử “không có trước có sau”. Ông Hiệp cũng nhắn nhủ những anh em từng kề vai sát cánh với ông Nguyễn Bá Dương trong 17 năm qua cân nhắc việc có nên tiếp tục ở lại vì những hành xử của ban lãnh đạo mới.
Trong một báo cáo hồi cuối 2020, CTCK Bản Việt (VCSC) cho thấy, CTCP Xây dựng Coteccons (CTD) của cựu chủ tịch Nguyễn Bá Dương có thể sẽ mất khoảng 60 nghìn tỷ đồng (gần 2,6 tỷ USD) trong giai đoạn 2021-2025.
Theo ước tính của Chứng khoán Bản Việt, giá trị hợp đồng xây dựng ký mới giai đoạn 2021-2025 của Coteccons đạt 15.000 tỷ đồng/năm, thấp hơn nhiều mức 27.000 tỷ/năm trong giai đoạn 2015-2018 trước đó.
Trong hai quý II và quý III/2020, Coteccons đã không công bố thêm bất kỳ hợp đồng nào mới sau khi ghi nhận hợp đồng 5.000 tỷ đồng trước đó.
Theo VCSC, thách thức của đại dịch Covid-19 và và quá trình tái cơ cấu nội bộ sẽ tạo thêm áp lực cho giá trị hợp đồng ký mới trong năm 2020, thậm chí dịch bệnh có thể dẫn đến khả năng trì hoãn hoặc hủy các hợp đồng đã được tính trong lượng hợp đồng xây dựng chưa triển khai hiện tại của Coteccons.
Trước đó, cuộc chiến trong nội bộ doanh nghiệp xây dựng lớn nhất Việt Nam đã khiến vốn hóa của doanh nghiệp này bốc hơi 10.000 tỷ đồng. Giá cổ phiếu giảm từ mức khoảng 230.000 đồng hồi cuối 2017 về gần 40.000 đồng/cp hồi tháng 3/2020 trước khi hồi phục về mức 70.000 đồng/cp như hiện nay.
Giá cổ phiếu Coteccons hồi phục từ cuối tháng 3 cho tới tháng 8 theo đà hồi phục chung trên thị trường chứng khoán khi mâu thuẫn nội bộ được giải quyết với cái kết là sự gia đi của cựu chủ tịch Nguyễn Bá Dương và một loạt các lãnh đạo khác.
Tuy nhiên, trong khoảng 2 tuần qua, giá cổ phiếu CTD giảm khá nhiều.
Ông Nguyễn Bá Dương xin từ nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐQT Coteccons từ 2/10/2020, đồng thời bổ nhiệm ông Bolat Duisenov vào vị trí này từ 5/10.
Cuộc chiến giữa nhóm cổ đông ngoại-nội tại Coteccons kéo dài nhiều năm qua đã chấm dứt. Tuy nhiên, Coteccons nhiều khả năng sẽ khó lặp lại được những kết quả ấn tượng như trong hơn 17 năm vừa qua dưới sự quản lý của ông Dương.
Trên thị trường chứng khoán, dòng vốn ngoại đổ vào Việt Nam dồn dập trong nhiều năm qua nhờ những kết quả tăng trưởng kinh tế khá ấn tượng cùng với triển vọng tốt khi Việt Nam ngày càng mở cửa rộng rãi với hàng loạt các hiệp định thương mại tự do.
Bên cạnh các quỹ hoạt động mạnh như Dragon Capital, Pyn Elite Fund… nhiều cổ đông chiến lược ngoại cũng đổ vào các doanh nghiệp tốt trên sàn chứng khoán. Có những trường hợp phát triển mạnh mẽ nhờ vốn ngoại như Thế Giới Di Động, PNJ, Masan, Vingroup… nhưng cũng có mâu thuẫn giữa các cổ đông nội-ngoại ở nhiều doanh nghiệp. Nhưng cũng có nhiều trường hợp nội thắng ngoại như: Vinmart của Vingroup (rồi chuyển sang cho Masan), Bibica (BBC) với cú thắng ngược của đại gia Việt PAN trước ông lớn ngoại Lotte đến từ Hàn Quốc.
Trên thị trường chứng khoán (TTCK), VN-Index giảm nhẹ nhưng vẫn trên ngưỡng 1.100 điểm.
Theo SHS, áp lực bán trong phiên mới sẽ gia tăng do lượng hàng bắt đáy trong phiên 1/2 về tài khoản khiến thị trường rung lắc. Thanh khoản thị trường sẽ tiếp tục duy trì dưới mức trung bình 20 phiên và có xu hướng giảm dần khi kỳ nghỉ Tết đang gần kề giúp hệ thống giao dịch trên HoSE trở nên trơn tru. Nhà đầu tư đã bắt đáy một phần tỷ trọng danh mục trong hai phiên 28/1 và 29/1 đã chốt lời quanh ngưỡng 1.090 điểm (MA50) trong phiên hôm nay nên đứng ngoài và quan sát thị trường.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 3/2, VN-Index tăng 35,76 điểm lên 1.111,29 điểm; HNX-Index tăng 8,26 điểm lên 223,62 điểm. Upcom-Index tăng 1,64 điểm lên 73,3 điểm. Thanh khoản toàn thị trường đạt 18,0 nghìn tỷ đồng.
V. Hà