Hơn 2 tháng nay, chị Trần Thị Thủy (26 tuổi, Nghệ An), hướng dẫn viên của Cty du lịch G.K phải chuyển sang học spa (làm đẹp, trị liệu, chăm sóc sức khỏe) vì không có việc làm. Chị Thủy cho biết, từ sau Tết, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, công ty chị không triển khai được bất cứ tour nào.
Căng thẳng
“Công ty rơi vào cảnh thất thu, thiệt hại nặng nề. Ngày đầu tiên đi làm sau Tết, công ty thông báo sẽ cắt giảm một số vị trí. Nhưng đến nay, gần 200 nhân viên đều được thông báo nghỉ việc. Công ty cũng chỉ hỗ trợ được khoản bảo hiểm thất nghiệp nên anh chị em đều hết sức khó khăn”, chị Thủy nói.
Theo chị Thủy, trước tình cảnh trên, hầu hết đồng nghiệp của chị phải đổi nghề. Có người chuyển sang bán hàng online, có người nhận làm tranh ảnh tại nhà, có người phải chạy xe Grab…Tuy nhiên, công việc mang tính chất tạm thời nên thu nhập không đủ sống. Nghỉ việc dài quá cũng khiến chị Thủy và không ít đồng nghiệp bị áp lực, căng thẳng.
Chị Nguyễn Thị Hằng, công nhân Cty TNHH MTV Shin Soung Vina (Cẩm Giàng, Hải Dương) cho biết, thời điểm trước Tết công nhân thường xuyên tăng ca, tiền lương mỗi tháng của chị khoảng hơn 7 triệu đồng. Tuy nhiên, sau khi dịch Covid - 19 bùng phát, công việc ít hẳn. Các công nhân phải luân phiên hoặc gộp ca sản xuất. Đến đầu tháng nay, công ty chưa nhập được nguồn nguyên liệu từ Trung Quốc nên tất cả hoạt động sản xuất ngừng trệ.
“Hơn 170 công nhân phải nghỉ việc. Công ty gặp khó khăn nên chưa có hỗ trợ gì. Mọi chi tiêu sinh hoạt, tôi phải lấy từ khoản tiết kiệm trước đó. Chưa kể, các khoản phải chi khác phát sinh thêm do con nhỏ nghỉ học ở nhà ”, chị Hằng lo lắng.
Doanh thu sụt giảm 20-50%
Theo khảo sát phóng viên tại KCN Bắc Thăng Long, KCN Quang Minh (Hà Nội), KCN Khai Quang (Vĩnh Phúc), Yên Phong (Bắc Ninh)… nhiều công nhân tại khu vực này đang rơi vào tình cảnh mất việc làm, giảm thu nhập. Nguyên nhân là do các doanh nghiệp chưa nhập được nguyên liệu đầu vào, chưa xuất được hàng hóa sang một số nước đang có dịch như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… Trong khi đó, các doanh nghiệp thương mại và dịch vụ, doanh thu sụt giảm do lượng khách giảm mạnh…
Trao đổi với Tiền Phong, ông Bùi Minh Hồng, Trưởng ban Quản lý KCN tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hoạt động của nhiều doanh nghiệp giảm sút. Tính đến hết tháng 2/2020, doanh thu của các doanh nghiệp sụt giảm từ 20-50% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo ông Hồng, trên địa bàn có khoảng 88 nghìn lao động. Chưa có đánh giá cụ thể về ảnh hưởng của dịch bệnh đến việc làm, thu nhập của người lao động. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài như Nhật Bản, Hàn Quốc đang rơi vào tình cảnh khó khăn, do công nhân nghỉ việc vì sợ dịch, hoặc bị cách ly… dẫn đến một số dây chuyền sản xuất phải tạm dừng, năng suất giảm và cũng không giao được hàng cho đối tác…
Ông Tạ Đình Tùng, đại diện Cty Du lịch quốc tế Thanh Long (Vĩnh Phúc) nói, dịch Covid-19 bùng phát khiến 100% các tour du lịch trong và ngoài nước của công ty bị hoãn hoặc hủy. Các doanh nghiệp du lịch đang rơi vào hoàn cảnh khó khăn và thiệt hại lớn.
Tuy nhiên, để giúp người lao động ổn định đời sống, công ty cũng lập một quỹ lương riêng chi trả cho nhân viên trong mùa dịch. Ông Tùng đề xuất các cơ quan chức năng sớm nghiên cứu các giải pháp tháo gỡ khó khăn giúp doanh nghiệp. Đồng thời, có chính sách miễn, giảm lãi suất cho vay, cơ cấu lại thời hạn trả nợ… giúp doanh nghiệp yên tâm hoạt động kinh doanh sau khi hết dịch.
Ông Nguyễn Thanh Tùng, TGĐ Công ty Hóa dệt Hà Tây cho biết, nếu tình hình dịch Covid-19 kéo dài, công ty sẽ đứng trước nguy cơ phải hủy đơn hàng, hoặc bị phạt chậm giao hàng. Trường hợp đàm phán được với khách hàng về thời gian giao hàng thì phải vận chuyển bằng đường hàng không, khiến tăng chi phí. Ngoài ra, nguy cơ thiếu nguyên liệu sẽ dẫn đến việc dừng sản xuất, phải cho công nhân nghỉ làm thay phiên.
Ông Nguyễn Thanh Tùng cho biết, đơn vị này đã kiến nghị Bộ Công Thương về việc nên ngừng tham gia bảo hiểm đối với công nhân, người lao động của công ty trong thời gian nghỉ việc. Bên cạnh đó, có thể chi trả bằng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động.
Ông Nguyễn Hồng Dân, PGĐ Sở LĐ-TB&XH Hà Nội cho biết, trên địa bàn thành phố có khoảng 247 nghìn doanh nghiệp với khoảng 4 triệu lao động. Theo nhận định của Sở LĐ-TB&XH Hà Nội, ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến việc làm, thu nhập của người lao động khá rõ rệt. Nhiều doanh nghiệp đã cho lao động nghỉ việc hoặc luân phiên nghỉ việc. Tuy nhiên, việc thống kê số lượng lao động này cũng gặp khó khăn do nhiều doanh nghiệp lo ngại ảnh hưởng đến tình hình nội bộ nên chưa muốn báo cáo.