Đôi vợ chồng không thể nghe và nói. Trao đổi thông tin buộc phải qua tin nhắn hoặc giấy viết tay. Thế nhưng, năng suất công việc của những nhân viên này không hề kém người thường. Người khuyết tật cần được tạo cơ hội để tham gia sản xuất.
Những nhân viên đặc biệt
Trần Thị Mỹ Lý ngồi in thông tin lên sản phẩm. Quá đỗi tập trung giữa tiếng ồn ã của máy móc, thiết bị sản xuất xung quanh. Đôi tay nhanh nhẹn dán mã hàng nghìn sản phẩm mỗi ngày.
Lý câm điếc bẩm sinh.
Trước đây, cô phụ mẹ bán quán ở quê nhà Đăk Nông. 28 tuổi nhưng Lý mới lần đầu tiên bước vào làm việc tại một nhà máy chính thức trong cuộc đời, kiếm tiền nuôi con trai 4 tuổi. “Không có khó khăn gì trong công việc cả. Mọi người hỗ trợ nhiều nên chắc em sẽ gắn bó ở đây”, Lý trả lời câu hỏi bằng tin nhắn điện thoại.
Ở dãy bàn làm việc cách đó chừng 50m, Nguyễn Quang Khải - chồng của Lý - cặm cụi bên những bảng mạch điện tử, kiểm tra và rà soát bảng mạch bị sót, lỗi trước khi chuyển qua đóng gói sản phẩm. Khải cũng câm điếc.
Đôi vợ chồng đặc biệt tại bộ phận sản xuất này tiếp nhận trao đổi thông tin trong công việc bằng những tin nhắn điện thoại hoặc giấy viết lời nhắc nhở. Sau thời gian đầu còn bỡ ngỡ, họ dần làm tốt và đạt năng suất như người bình thường. Nếu không lại gần giao tiếp, không ai biết đây là những lao động có khiếm khuyết chức năng cơ thể.
Trần Thị Mỹ Lý đang thực hiện công đoạn in thông tin lên sản phẩm (ảnh: Trần Chung) |
Hai vợ chồng Lý - Khải ngồi nói chuyện trong giờ nghỉ giải lao (ảnh: Trần Chung) |
Cùng lúc đó, tại khối văn phòng, Nguyễn Thị Anh Nguyệt đang xử lý các thông tin liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp và công việc giấy tờ, sổ sách cuối năm.
Chưa đầy 30 tuổi, Nguyệt 8 lần gãy xương. Cô bẩm sinh bị yếu toàn bộ khung xương, chỉ cần ngã là xương gặp vấn đề.
Nguyệt là nhân viên khuyết tật có thâm niên làm việc lâu nhất tại Công ty TNHH Kỹ thuật Phước Trường Thịnh (TP. Dĩ An, Bình Dương). Cô gia nhập công ty từ tháng 8/2015, Nguyệt đi phỏng vấn lần đầu tiên trong đời rồi gắn bó tới ngày hôm nay.
“Cố lên” !
Giám đốc công ty - anh Trần Hữu Đông - cho biết, DN có 5/40 lao động là khuyết tật. Các nhân sự này đều có thể tham gia chính vào dây chuyền sản xuất, lắp ráp linh kiện. Họ cố gắng hơn người bình thường. Nếu biết sắp xếp đúng vị trí thì họ hoàn thành tốt, thậm chí đạt hiệu suất cao khi làm việc.
Người khiếm khuyết di chuyển vẫn thao tác tin học văn phòng cũng như sử dụng đôi tay hiệu quả khi làm chuyên về kỹ thuật điện tử.
Đối với người không nói, không nghe được sẽ chậm một nhịp tiếp nhận thông tin. Khi đó, cần kiên nhẫn trong trao đổi công việc. Chuyện va chạm giữa nhân viên khuyết tật và người bình thường trên cùng dây chuyền sản xuất là không hiếm gặp. Xích mích do không ăn ý nhưng rồi mọi thứ dần quen.
“Cố lên. Đó là chữ tôi thường viết vào giấy cho Lý và Khải trong thời gian đầu họ đến làm việc tại đây”, anh Đông nói.
Những người khuyết tật vẫn làm việc tốt, năng suất công việc cao (ảnh: Trần Chung) |
Lý do anh tìm những nhân viên đặc biệt này vì chính gia đình cũng có người thân khiếm khuyết cơ thể nên đồng cảm về mặt tâm lý.
Họ chưa từng đi làm. Đến giờ, họ mới biết cách kiếm tiền là như thế nào, còn trước đây hầu như gia đình nuôi. Theo anh Đông, đa số đều tự ti và các DN cũng không có nhu cầu tuyển dụng. Tỷ lệ người khuyết tật tiếp cận được việc làm ở các DN hiện rất thấp.
Còn tại đây, mức lương người khuyết tật được trả bằng với những lao động khác. Tiền công dựa trên hiệu quả, năng suất lao động. Anh Đông chỉ mong lan tỏa thông điệp tích cực đối với các DN khác, nếu có nhu cầu tuyển dụng. Còn trong năm mới 2022, công ty dự định tuyển thêm từ 3-5 nhân viên khuyết tật, tăng dần tỷ lệ người khuyết tật lên 20-30%.
7 năm trước, Nguyễn Thị Anh Nguyệt tốt nghiệp chuyên ngành vật lý Trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia TP.HCM). Cô là một trong số rất ít người khuyết tật có bằng cử nhân.
Đối với Nguyệt, người khuyết tật nào ra đường hoặc đi làm cũng mang theo mặc cảm bên mình. Nhưng quan trọng là cách đối diện với nó như thế nào. Trước khi nộp hồ sơ phỏng vấn, chính Nguyệt cũng không nghĩ sẽ được nhận vào làm, bởi các công ty ở Việt Nam ít có chính sách tuyển dụng lao động khuyết tật.
Trong khi người khuyết tật cũng có thể làm việc như người bình thường, chỉ cần tạo điều kiện thì họ sẽ cố gắng. Sự kiên trì của người khuyết tật hơn những người khác vì họ biết rằng cơ hội không đến với mình nhiều.
“Ngoài dự định xin học bổng du học Úc thì tôi không muốn thay đổi môi trường làm việc. Nếu 10 năm nữa không còn sức khỏe, tôi sẽ về quê buôn bán hoặc làm gia sư dạy học”, Nguyệt nói.
"Cố lên" là thông điệp mà anh Trần Hữu Đông thường nhắn nhủ với các nhân viên đặc biệt của mình (ảnh: Trần Chung) |
Theo thống kê của ngành lao động, cả nước hiện có khoảng 6,2 triệu người khuyết tật, trong đó, chỉ khoảng 31% có việc làm. Đây cũng là đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề khi đại Covid-19 bùng phát.
Trung tâm Khuyết tật và Phát triển (DRD Việt Nam) đánh giá, nhu cầu làm việc và có việc làm ổn định của người khuyết tật rất cao. Một nghiên cứu của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), Việt Nam sẽ mất khoảng 3% GDP khi không tận dụng người khuyết tật trong thị trường lao động.
PGS.TS Lê Anh Tuấn – Đại học Cần Thơ cho hay, có nhiều dạng khuyết tật khác nhau. Người gặp vấn đề về tay, người gặp vấn đề về chân, người bị mắt hoặc vấn đề tâm thần… Các DN cần có những công việc hết sức đặc thù mới tận dụng được nguồn lao động này.
Cánh cửa vào làm việc tại các DN sẽ bớt gian nan đối với người khuyết tật nếu chủ sử dụng lao động sử dụng được đúng người, đúng việc. Giúp họ có công ăn việc làm, tạo thêm thu nhập để giảm bớt gánh nặng tài chính cho người khuyết tật đồng thời cho họ có động lực chung sức tạo ra giá trị, của cải trong xã hội như người bình thường.
Trần Chung