Mauritius là một quốc đảo ở Ấn Độ Dương, có diện tích chỉ khoảng 2.040 kilomet vuông, dân số hơn 1,3 triệu người với đa dạng các nhóm dân tộc và ngôn ngữ.
Quay trở lại quá khứ, quốc gia đông nam lục địa châu Phi này từng là thuộc địa của Hà Lan (1638 – 1710) và Pháp (1715 – 1810). Sau khi giành độc lập, Mauritius bé nhỏ phải đối mặt với 5 thách thức lớn: diện tích nhỏ, thiếu tài nguyên thiên nhiên, quá phụ thuộc vào một vụ mùa duy nhất (đường), xung đột sắc tộc (dân số quốc đảo này là tập hợp người châu Âu, người Creole, người Trung Quốc, người Hindu và người Hồi giáo có nguồn gốc Ấn Độ) và cách xa những thị trường lớn.
Tuy nhiên, "nhỏ mà có võ", chính quyền nhanh chóng bắt tay vào xây dựng và mở cửa nền kinh tế theo mô hình được coi là tương tự với Singapore.
"Singapore của châu Phi"
Không ngẫu nhiên mà quốc đảo nhỏ bé này lại được đặt cho danh xưng như vậy. Từ các chính sách kinh tế có nhiều điểm tương đồng đến những kỳ tích, tốc độ phát triển được coi là thần kỳ không kém gì Singapore.
Giáo dục
Phát triển giáo dục luôn được coi là ưu tiên hàng đầu của nhiều nước, Mauritius cũng không ngoại lệ. Trước nhất, chính quyền chọn tiếng Anh làm ngôn ngữ chính.
Từ năm 1960, quốc gia này đã phổ cập giáo dục tiểu học. Đến năm 1985, số người đăng ký học cấp 3 tăng gấp đôi. Tỷ lệ người dân biết đọc biết viết cao, với một hệ thống giáo dục được đầu tư bài bản. Nổi bật là Đại học Mauritius, nơi đã đào tạo ra rất nhiều con người tài năng cho các vị trí cao trong doanh nghiệp và chính phủ.
"Thiên đường" thuế
Mauritius tạo ra một môi trường kinh doanh cởi mở và tự do để thu hút vốn đầu tư nước ngoài, từ chính sách thuế đến hệ thống tư pháp vững chắc, cơ sở hạ tầng hiện đại, hệ thống tài chính ổn định và tay nghề cao, lực lượng lao động năng động.
Chính phủ thiết lập một cơ chế thuế tương đối đơn giản. Mức thuế thu nhập doanh nghiệp và cá nhân đều chỉ là 15%, không có thuế thừa kế, hay thuế lãi vốn, tương tự Dubai và Singapore.
Năm 1984, Mauritius đã giảm thuế, gỡ bỏ hạn ngạch nhập khẩu và tạo ra một khu chế xuất (Export Processing Zone – EPZ), nơi mà hàng hóa được sản xuất để xuất khẩu không phải chịu những ràng buộc về thủ tục hành chính áp cho những hàng hóa hoặc vốn nhập khẩu. (Về địa lý thì cả hòn đảo là một khu chế xuất).
Quốc gia này cũng không áp đặt bất kỳ thuế lãi vốn nào. Nếu công ty tham gia kinh doanh chứng khoán, lợi nhuận thu về sẽ được miễn thuế thu nhập.
Đồng thời, chính phủ đã triển khai Giấy phép kinh doanh toàn cầu 1, cho phép các công ty, cá nhân có hoạt động ở nơi khác trở thành cư dân của người Hồi giáo tại Mauritius vì mục đích trả thuế thấp.
Môi trường kinh doanh thân thiện
Ngoài chính sách thuế, môi trường kinh doanh cũng là điểm cộng lớn của Mauritius. Theo bảng xếp hạng của Doing Business 2019 do Ngân hàng Thế giới ban hành, Mauritius đứng thứ 20 trong số 190 quốc gia có môi trường thuận lợi để kinh doanh (tăng 5 bậc so với năm trước). Còn Quỹ Di sản xếp Mauritius thứ 25 trên toàn thế giới trong bảng xếp hạng Chỉ số Tự do Kinh tế năm 2019.
Tại đây, thủ tục hành chính được tinh gọn đến mức đăng ký thành lập doanh nghiệp chỉ mất 2 giờ, mua đất chỉ trong 2 ngày.
Thời gian, chi phí, chất lượng của dịch vụ đăng ký tài sản tại Mauritius so với các nước cận Sahara và các nước có thu nhập cao thuộc khối OECD.
Từ dữ liệu ở bảng trên, có thể thấy những chỉ số về điều kiện đăng ký tài sản tại Mauritius như thời gian, chi phí, đều ngang ngửa hoặc vượt trội so với các quốc gia khu vực cận Sahara và nước có thu nhập cao trong khối OECD.
Mauritius cũng là quốc gia an toàn thứ 3 châu Phi, chỉ đứng sau Rwanda và Botswanda với tỷ lệ tội phạm, tỷ lệ đói nghèo thấp.
Thành quả
Thập niên 1960 đến 1980, nhờ chuyển từ công nghiệp hóa thâm dụng lao động sang định hướng xuất khẩu, cạnh tranh chi phí đã giúp GDP của Mautirius tăng trưởng nhanh chóng, tương tự như Singapore. Nếu như năm 1976, GDP bình quân đầu người của quốc đảo vào khoảng 780 USD thì năm 2014 đã đạt mức đỉnh 10.000 USD, tăng 12,8 lần chỉ sau 40 năm.
Tương quan tốc độ tăng trưởng GDP/người giữa Singapore và Mauritius.
Năm 2018, chỉ số này tăng lên 21.628 USD. Dù quy mô kinh tế chưa theo kịp Nam Phi hay Ai Cập nhưng Mauritius lại là quốc gia giàu thứ 3 châu Phi tính theo GDP bình quân đầu người, chỉ thua Seychelles (28.172 USD) và Equatorial Guinea (34.865 USD). Đến nay, tăng trưởng có phần chậm lại nhưng vẫn duy trì ở mức ổn định ở mức 4%, lạm phát chỉ duy trì ở mức thấp 3%.
Nhờ chính sách cởi mở, Mauritius đã trở thành "thiên đường" thuế của châu Phí, không chỉ thu hút dòng vốn đầu tư của các công ty mà còn được giới nhà giàu nước ngoài chọn là nơi tích lũy tài sản, bất động sản.
Năm 2017, Báo cáo đầu tư thế giới cho biết, dòng vốn FDI chảy tới Mauritius đạt mức 443 triệu USD. Các nhà đầu tư chính bao gồm Hoa Kỳ, Ấn Độ, Vương quốc Anh, Quần đảo Cayman và Hồng Kông, chủ yếu tập trung vào du lịch và bất động sản với các dự án khu nghỉ dưỡng tích hợp, biệt thự sang trọng, sân golf cùng nhiều tiện nghi khác, nhằm khai thác triệt để điều kiện khí hậu thuận lợi và cảnh quan thiên nhiên tuyệt vời.
Dòng vốn FDI tập trung đầu tư vào các dự án du lịch, bất động sản nghỉ dưỡng để tận dụng lợi thế mà thiên nhiên ban tặng cho Mauritius.
Bên cạnh đó, các nhà xuất khẩu châu Á, chủ yếu từ Hong Kong cũng như Đài Loan và Singapore, chọn Mauritius là nơi đặt cơ sở sản xuất ở nước ngoài, với khoảng 600 công ty bắt đầu hoạt động ở đây. Họ nhanh chóng biến Mauritius thành nhà xuất khẩu hàng dệt len lớn thứ 3 thế giới.
Mauritius cũng chứng kiến dòng người thuộc tầng lớp thượng lưu, có giá trị tài sản đầu tư cao, ít nhất là 1 triệu USD (HNWI) đổ về trong 10 năm qua, đặc biệt là từ Châu Âu và Nam Phi. Nước này hiện có khoảng 4.600 HNWI, so với 3.800 một năm trước và 1.400 một thập kỷ trước.
Trung tâm tài chính quốc tế mới
Chưa dừng lại, Mautirius đặt tham vọng trở thành cửa ngõ giao thoa giữa châu Á và châu Phi. Chính phủ nước này gần đây tuyên bố họ đã đầu tư 1,3 tỷ USD để biến thủ đô Port Louis thành một trung tâm lớn giữa 2 châu lục.
Một góc thủ đô Port Louis.
Bên cạnh đó, với nền tảng hệ thống minh bạch, cung cấp một sân chơi bình đẳng, chính phủ nước này cũng nỗ lực biến quốc đảo nhỏ bé trở thành trung tâm tài chính quốc tế mới của thế giới vào năm 2030.
Để tăng cường tính minh bạch và khuôn khổ hợp tác, Mauritius đã ký Công ước đa phương OECD về hỗ trợ hành chính lẫn nhau trong vấn đề thuế vào tháng 6 năm 2015. Mauritius cũng là thành viên của Nhóm cam kết thực hiện sớm Tiêu chuẩn báo cáo chung (CRS) về tự động trao đổi thông tin tài khoản tài chính.
Dù giới phân tích cho rằng đây là mục tiêu không hề "dễ xơi", cộng thêm tình hình kinh tế, chính trị thế giới bất ổn, Mauritius vẫn đang tiếp tục thu hút các doanh nghiệp nước ngoài và nỗ lực từng bước để đạt được mục tiêu đã đặt ra.