Hôm nay, ngày 10.1 toàn bộ 18,9 triệu cổ phiếu M10 của Tổng công ty May 10 – CTCP (Garco10) sẽ chính thức giao dịch trên UpCOM với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 22.800 đồng/cổ phiếu. Như vậy, M10 được định giá gần 431 tỷ đồng. Đây cũng là một trong những cổ phiếu được các nhà đầu tư chờ đợi từ lâu khi năm 2016 May Việt Tiến lên sàn thành công, tạo ra một đợt "sóng" lớn cho ngành dệt may.
May 10 từng sợ nước ngoài thâu tóm
Cách đây 2 năm, cổ phiếu dệt may từng trở thành một lĩnh vực đang rất “hot” với nhiều nhà đầu tư trên sàn chứng khoán, nhờ vào hiệu ứng TPP và FTA Việt Nam - EU. Cổ phiếu của các công ty may lớn liên tục được săn đón trên thị trường. Sức nóng của cổ phiếu ngành may mặc càng tăng nhiệt, sau khi Tổng công ty cổ phần May Việt Tiến đưa 28 triệu cổ phiếu lên giao dịch trên sàn UPCoM với giá khởi điểm 40.000 đồng/cổ phiếu. Ngay lập tức, số cổ phiếu đó đã được bán sạch. Số lượng đặt mua thậm chí còn nhiều hơn cả số cổ phiếu được phát hành trên thị trường.
Trong bối cảnh như vậy, một công ty may lớn đã khẳng định được thương hiệu như May 10 khi lên sàn chắc chắn cũng có sức hấp dẫn không nhỏ với các nhà đầu tư. Nhưng không hiểu tại sao May 10 không lợi dụng thời điểm này để hút vốn đầu tư mà lại lần lữa tận 2 năm sau mới chịu “chào sàn”?
Ở thời điểm đó, lý do khiến May 10 sợ phải niêm yết trên sàn chứng khoán là vì May 10 sẽ dần dần bị các nhà đầu tư nước ngoài thâu tóm (doanh nghiệp không có cổ đông nước ngoài). Họ sợ rằng những truyền thống và thành quả mà bấy lâu nay họ dày công xây dựng sẽ nhanh chóng mất đi nếu doanh nghiệp nằm trong tay những nhà đầu tư nước ngoài. Trong khi đó, May 10 lại không có nhu cầu huy động vốn trên sàn chứng khoán.
Lãnh đạo công ty từng tiết lộ, tài chính của May 10 tuy không dồi dào lắm, nhưng nhờ có uy tín nên mỗi khi cần đầu tư, May 10 có thể vay được khá dễ dàng từ các khách hàng của mình. Nguồn vốn để đầu tư phát triển các nhà máy mới lúc nào cũng có sẵn. Mỗi khách hàng có thể cho May 10 vay từ 1-2 triệu USD, lãi suất bằng 0% và trả trong 7 năm. Nếu các nhà đầu tư nước ngoài với tiềm lực tài chính dồi dào chiếm dần quyền chi phối doanh nghiệp, May 10 sẽ không còn là một công ty Việt Nam nữa.
Tuy nhiên, sau 2 năm công ty này lại chấp nhận lên sàn bằng việc chào sàn toàn bộ 18,9 triệu cổ phiếu M10 với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 10.1 là 22.800 đồng/cổ phiếu. Một lần nữa câu hỏi lại được đặt ra, phải chăng May 10 chào sàn vì đang cần vốn? Hay May 10 đang thực hiện lộ trình thoái vốn Nhà nước theo quy định của Chính phủ?
Cơ hội cho nhà đầu tư ngoại?
Tính đến 2017, cả nước mới chỉ có khoảng 30 trong số 6.000 doanh nghiệp dệt may lên sàn. Trong đó, Tổng công ty May Việt Tiến chào sàn UPCoM tháng 3.2016, với giá khởi điểm 40.000 đồng/cổ phiếu và hiện giao dịch ở mức 56.7 đồng/cổ phiếu.
Theo BCTC hợp nhất quý III.2017, tính đến 30.9.2017 tổng tài sản May 10 đạt 1.148 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu đạt hơn 357 tỷ đồng. May 10 còn có hơn 45 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối, hơn 76 tỷ đồng trong quỹ đầu tư phát triển và hơn 46 tỷ đồng thặng dư vốn cổ phần. Trong khi đó, trên báo cáo tài chính hợp nhất tính đến hết quý 3.2017, tổng tài sản VGG (May Việt Tiến) đạt hơn 4.132 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu 1.552 tỷ đồng.
Tuy không có lợi thế về xuất khẩu như May Việt Tiến, nhưng về kinh doanh, sản phẩm áo sơmi chiểm tỷ trong doanh thu lớn nhất của công ty, ước khoảng 40% đến 46% tổng doanh thu trong các năm gần đây. Sản phẩm áo Jacket cũng mang lại khoảng 24% đến 27% tổng doanh thu. Còn lại là doanh thu từ mặt hàng quần và veston… Ngoài ra, kinh doanh ngoài ngành như hàng thủ công mỹ nghệ, bất động sản và đào tạo nghề… cũng góp phần mang lại lợi nhuận không hề nhỏ cho May 10.
Về cơ cấu cổ đông, tính đến 20.11.2017 Tổng công ty May 10 có 2 cổ đông lớn năm giữ 39,55% vốn điều lệ, trong đó Tập đoàn Dệt may Việt Nam sở hữu 33,82% vốn, do bà Nguyễn Thị Thanh Huyền và ông Phạm Duy Hạnh làm người đại diện phần vốn góp. Ngoài ra cá nhân bà Nguyễn Thị Thanh Huyền cũng sở hữu hơn 1,08 triệu cổ phần M10 tương ứng tỷ lệ 5,73%. Như vậy, lượng cổ phiếu trôi nổi ở ngoài chiếm hơn 60% sẽ là điều kiện để các cá nhân hay tổ chức lớn, thậm chí cổ đông nước ngoài có cơ hội “nhảy vào” thâu tóm và chi phối doanh nghiệp!
Cũng giống như câu chuyện của VGG, thời điểm lên sàn năm 2016, hơn 72% vốn VGG thuộc về 3 cổ đông lớn là Vinatex (47,88%), South Island Gament SDN BHD (Malaysia, 14,16%) và Tungshing Sewing Machine Co., Ltd (Hồng Kông, sở hữu 9,94%). Nhưng sau các đợt tăng vốn, vốn điều lệ VGG đạt 441 tỷ đồng, Vinatex chỉ còn nắm tỷ lệ 31,92%.
Mặc dù chưa thực sự tích cực, nhưng với lợi thế về quy mô cũng như phân khúc sản phẩm, sự xuất hiện của VGG, M10… được kỳ vọng sẽ thay đổi đáng kể bức tranh của nhóm ngành dệt may trên sàn chứng khoán trong thời gian tới. Sau các doanh nghiệp này, những đơn vị đáng chú ý khác của Vinatex được chờ đợi lên sàn là Tổng công ty May Đức Giang, May Nhà Bè…
May 10 tiền thân là các công xưởng sản xuất quân trang đặt tại chiến khu Việt Bắc, ra đời từ năm 1946 để phục vụ bộ đội kháng chiến chống Pháp. Tháng 1.2004 Tổng công ty May 10 chính thức hoạt động theo hình thức công ty cổ phần, trực thuộc Tập đoàn dệt may Việt Nam. Cổ đông Nhà nước là Tập đoàn Dệt May Việt Nam góp thêm hơn 28 tỷ đồng, duy trì tỷ lệ nắm giữ cổ phần xấp xỉ 34%. Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền – cổ đông cá nhân lớn nhất – sở hữu 5,7% cổ phần và các cổ đông khác nắm hơn 60%. Đặc biệt, công ty không có cổ đông nước ngoài. Tổng công ty May 10 hoạt động chính là sản xuất quần áo và phụ liệu may mặc. Lĩnh vực đáng chú ý khác của doanh nghiệp này bao gồm kinh doanh hàng thủ công mỹ nghệ, bất động sản và đào tạo nghề. Hiện tại May 10 đang sở hữu 11 nhà máy trải dọc từ Hà Nội tới Quảng Bình. |