Báo cáo điều tra sơ bộ cho thấy sự cố với cảm biến trên chiếc Boeing 737 MAX 8 là nguyên nhân dẫn đến vụ tai nạn thảm khốc ngày 29/10 làm toàn bộ 189 hành khách và thành viên phi hành đoàn thiệt mạng. Tối hôm trước, nó gặp sự cố tương tự nhưng may mắn hạ cánh an toàn. Đội kỹ thuật viên của Lion Air đã dành cả đêm để sửa chiếc máy bay nhưng nguyên nhân không được khắc phục. Sáng hôm sau, nó lại được phép hoạt động.
Theo Ủy ban An toàn Giao thống quốc gia Indonesia, lỗi cơ khí xảy ra với cảm biến có tên góc tấn (angle-of-attack), chịu trách nhiệm đo vận tốc của máy bay, khiến vận tốc phi cơ bị sai lệch so với thực tế. Lỗi này từng khiến chiếc Boeing 737 MAX 8 với 800 giờ bay này gặp sự cố trong chuyến bay ngày hôm trước nhưng nó đã không được xử lý triệt để.
Trên cả hai chuyến bay, phi công thông báo họ gặp khó khăn trong việc tìm ra các thông tin cơ bản của phi cơ như tốc độ và cao độ. Các phi công trên chuyến bay rơi xuống biển Java dường như không hiểu chuyện gì xảy ra với họ khi liên hệ với đài kiểm soát không lưu. Họ yêu cầu hạ cánh khẩn cấp nhưng máy bay không bao giờ trở lại được phi trường.
Khi gặp lỗi này, phi công trên chuyến bay trước đó đã kiểm soát nhằm không cho phép máy bay lao thẳng mũi xuống dưới, ngăn một thảm họa. Tuy nhiên, vì những lý do chưa thể giải thích, các phi công trên chuyến bay định mệnh đã không thực hiện bước này. Hộp đen ghi âm buồng lái chưa được tìm thấy khiến các nhà điều tra lúng túng về những gì đã xảy ra trong buồng lái phi cơ trong chuyến bay định mệnh.
Tuy nhiên, rõ ràng lỗi kỹ thuật đã không được sửa khi máy bay của Lion Air còn dưới mặt đất. Trong vài tiếng giữa hai chuyến bay, các kỹ thuật viên đã không tìm ra lỗi và khắc phục nó triệt để trước khi cho phép máy bay cất cánh cùng 189 người, dẫn tới vụ tai nạn thảm khốc trên biển Java.
Trong chuyến bay trước đó, cơ trưởng đã kiểm tra các dụng cụ trong buồng lái và xác định thông số phù hợp giữa hệ thống dự phòng với thông số từ cơ phụ và nó chính xác. Tuy nhiên, trong chuyến bay gặp nạn, một phút trước khi máy bay biến mất khỏi màn hình radar, cơ trưởng cho biết họ không thể xác định được tốc độ và cao độ của máy bay vì tất cả các chỉ số đều khác nhau.
Hiện tại, cơ quan điều tra đang tập trung vào việc bảo trì máy bay của Lion Air. Trước đó, một trong 2 cảm biến góc tấn của máy bay đã được thay thế trước chuyến bay ngày 28/10 vì dữ liệu giữa hai cánh lệch nhau khoảng 20 độ.
Trên cả hai chuyến bay ngày 28 và 29/10, một thiết bị được gọi là cần lắc đã cảnh báo phi công khi các cánh mất lực nâng. Cùng với đó, cần điều khiển sẽ rung và tiếng ồn lớn được tạo ra bên trong khoang lái. Cảm biến lỗi đã khiến cảnh báo này được kích hoạt đồng thời khởi động phần mềm an toàn mới được thêm vào những chiếc Boeing 737 MAX 8.
Nó được thiết kế để cánh máy bay không bị mất lực nâng. Nó sẽ chỉnh mũi máy bay chúc xuống để đảm bảo lực nâng khí động học. Tuy nhiên, phi công cần tắt động cơ để giảm lực đẩy cho tới khi máy bay ổn định trở lại. Dường như phi công trên chiếc máy bay gặp nạn không tắt động cơ, khiến máy bay lao thẳng xuống biển
Báo cáo sơ lược đã được gửi tới gia đình những người bị nạn nhưng họ bác bỏ nó và cho rằng báo cáo không chỉ ra nguyên nhân gây tai nạn. Họ cũng muốn nhà chức trách Indonesia nêu rõ vai trò và trách nhiệm của Boeing, nhà sản xuất máy bay, trong vụ việc.
Trong khi đó, lực lượng cứu hộ vẫn nỗ lực tìm kiếm hộp đen ghi âm buồng lái. Những dữ liệu mà nó lưu trữ sẽ giúp gỡ nút thắt cuối cùng trong vụ tai nạn thảm khốc.
Boeing cho biết họ vẫn đang thu thập thêm thông tin.