Sự cố xảy ra với chiếc máy bay chở khách phản lực của hãng hàng không Air Niugini khi hạ cánh trên đảo Weno, tây bắc Papua New Guinea. Nhà chức trách địa phương xác nhận chiếc máy bay gặp sự cố khi thực hiện lộ trình bay từ Micronesia tới Papua New Guinea. Trong quá trình hạ cánh, máy bay bị trượt khỏi đường băng và lao xuống biển lúc 9h30 ngày 28/9 theo giờ địa phương.
Trong vụ việc được mô tả là phép màu, nhà chức trách cho biết toàn bộ 48 người có mặt trên máy bay, bao gồm 36 hành khách và 11 thành viên phi hành đoàn, đều sống sót. Chiếc máy bay bị ngập nước trong khi một hành khách bị thương. Nhà chức trách phải sử dụng tuyền nhỏ để tiếp cận vị trí máy bay gặp nạn và đưa hành khách và phi hành đoàn lên bờ. Khi máy bay rơi xuống nước, các cửa thoát hiểm được mở ra và hành khách đứng trên cánh phi cơ chờ cứu giúp.
Chiếc máy bay gặp nạn cất cánh từ sân bay Pohnpei to Chuuk của Micronesia. Nó dự kiến đáp xuống đảo để nghỉ giữa chừng trong cuộc hành trình tới Cảng Moresby, Papua New Guinea. Jimmy Emilio, quản lý sân bay Chuuk, cho biết, máy bay của Air Niugini đáp trượt đường băng khoảng 160 m. Hiện tại, tất cả hành khách và thành viên phi hành đoàn đều đã được đưa tới bệnh viện để kiểm tra sức khỏe dù không ai bị thương nặng.
Hiện tại, nhà chức trách vẫn chưa thể xác định nguyên nhân tai nạn. Đội điều tra hàng không của Papua New Guinea cũng đã tới hiện trường để tìm hiểu nguyên nhân sự việc.
Hành khách và những người tham gia cứu hộ cũng đăng tải hàng loạt hình ảnh về vụ việc lên mạng xã hội. Trên Facebook, Bill Jaynes, một hành khách người Mỹ, mô tả chiếc máy bay gặp khó khăn trong lúc hạ cánh. Khi nhìn ra bên ngoài, hành khách thấy máy bay ở dưới biển và nước tràn vào phi cơ. Tuy có cú hạ cánh khác thường nhưng hành khách đều cảm thấy may mắn vì "còn sống".
Vụ việc ngay lập tức được giới truyền thông thế giới mô tả là phép màu khi không ai thiệt mạng. Nó cũng gợi nhớ lại sự kiện máy bay của hãng hàng không US Airways hạ cánh xuống sông Hudson, cứu sống 155 hành khách và thành viên phi hành đoàn khi cả hai động cơ bị hỏng do đâm phải chim trong quá trình cất cánh.
Phi công Chesley B. "Sully" Sullenberger III, người điều khiển chiếc máy bay đáp xuống nước khi cả hai động cơ không còn hoạt động, được ngợi ca là người hùng khi hành động dũng cảm và chính xác giúp cứu sống gần 160 mạng người. Vụ việc được người ta nhớ tới với tên gọi "Phép màu trên sông Hudson.