Chia sẻ với truyền thông, ông Hoàng Khải thừa nhận, hiện nguồn tơ lụa trong hệ thống Khaisilk nhập khẩu từ Trung Quốc 50%. 50% còn lại nhập từ các làng nghề nổi tiếng của Việt Nam, chủ yếu là làng Nha Xá (Hà Nam).
Trước vấn đề này, PV Báo Lao Động đã tìm về làng dệt Nha Xá ghi nhận sự việc. Theo chia sẻ của người dân địa phương, làng nghề Nha Xa vốn nổi tiếng với nghề dệt lụa tơ tằm truyền thống. Song mấy năm nay, ở đây không có nhiều tiếng khung cửi, tiếng thoi đưa như xưa, bởi nhiều hộ gia đình đã chuyển nghề.
Gia đình bà Nguyễn Thị Bích (54 tuổi) là một trong số hộ vẫn giữ được nghề dệt tơ tằm truyền thống. Bà Bích kể, lụa Nha Xá được làm thủ công 100% từ xưa đến nay, được các nhà thiết kế nổi tiếng đặt hàng và quảng cáo ở các hội chợ, triển lãm thương mại.
Trước thông tin, tơ lụa trong hệ thống của Khaisilk có 50% nhập từ làng Nha Xá, bà Bích khá bất ngờ. Người phụ nữ tóc búi cao, đôi bàn tay kéo những tấm lụa mới nhuộm phơi trước sân nói: "Khaisilk không nhập hàng nhà tôi, tơ lụa ở làng Nha Xá sản xuất không nhiều, trong khi số lượng hàng của thương hiệu Khaisilk rất lớn". Bà nghi ngờ con số 50% nhập từ làng Nha Xá không xác thực.
Bà Bích chia sẻ, giá của 1 khăn lụa chính gốc, gia đình bà bán thị trường trong nước là 100.000 đồng, khăn lụa dày giá gấp đôi, còn giá xuất khẩu là 54 đô la.
"Những hộ làm tơ lụa truyền thống không nhiều, ai đến đây nhập hàng, chúng tôi đều biết".
Bình luận về việc thương hiệu Khaisilk bán khăn lụa tơ tằm vừa gắn mác thương hiệu Việt vừa gắn mác Trung Quốc, ông Tuấn - một người làm nghề - cho hay, việc làm này xúc phạm đến những người làm nghề tơ lụa chân chính.
Trước sự việc trên, ông Nguyễn Tiến Quảng, Chủ tịch Hiệp hội sản xuất và kinh doanh lụa Nha Xá cho biết, hiệp hội không quản lý tất cả các sản phẩm cá nhân mà những sản phẩm tơ lụa làm ra đều do các cá nhân trong làng tự tìm đối tác.
“Trước đây, có người kinh doanh bán lại tơ lụa cho ông Hoàng Khải nhưng chỉ là phần nhỏ. Lượng mua tơ lụa của Khaisilk ở Nha Xá cũng không đáng kể. Chủ yếu, tơ lụa sản xuất tại địa phương đều bán cho thị trường ở Sài Gòn, Hội An (Quảng Nam), Hà Đông hay xuất khẩu nước ngoài”, ông Quảng nói.
Trước việc ông Hoàng Khải thừa nhận, cúi đầu xin lỗi khách hàng vì bán hàng tơ lụa Trung Quốc, ông Quảng cho biết, việc cắt tem mác “Made in China” gắn tem “Made in Việt Nam” với giá thành chênh nhau để thu lợi cá nhân khiến người dân làng nghề bức xúc.
“Chúng tôi mong cơ quan chức năng làm rõ hơn để trả lại công bằng cho người dân làng nghề vì người dân rất vất vả, lợi nhuận thu về rất nhỏ”, ông Quảng chia sẻ.