Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) vừa công bố tờ trình ĐHĐCĐ về việc nhận chuyển giao bắt buộc một tổ chức tín dụng (TCTD).
Theo đó, MB thực hiện nhận chuyển giao bắt buộc một TCTD phù hợp với chủ trương của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước nhằm tái cơ cấu các ngân hàng thương mại yếu kém, lành mạnh hóa hoạt động ngành ngân hàng theo hướng an toàn bền vững, trên cơ sở tự nguyện đề xuất từ phía MB và phù hợp quy định pháp luật.
Căn cứ Luật các TCTD, sau khi MB nhận chuyển giao bắt buộc TCTD thì MB trở thành chủ sở hữu 100% vốn điều lệ của TCTD được chuyển giao bắt buộc; TCTD được chuyển giao bắt buộc là pháp nhân độc lập với MB.
MB được áp dụng một số quyền và lợi ích theo quy định của pháp luật như: MB không phải thực hiện hợp nhất báo cáo tài chính của TCTD được chuyển giao bắt buộc; MB được loại trừ TCTD được chuyển giao bắt buộc khi tính tỷ lệ an toàn vốn hợp nhất; khoản góp vốn vào TCTD được chuyển giao bắt buộc không phải thực hiện trích lập dự phòng giảm giá các khoản đầu tư và được loại trừ khi tính giới hạn góp vốn, mua cổ phần của MB; MB và TCTD được chuyển giao bắt buộc được áp dụng các biện pháp hỗ trợ theo phương án chuyển giao bắt buộc được phê duyệt.
Việc nhận chuyển giao bắt buộc một TCTD giúp MB có cơ hội để tăng trưởng quy mô cao hơn mức tăng trưởng bình quân thị trường khoảng 1,5~ 2 lần trong dài hạn, cải thiện thứ hạng cạnh tranh và có nhiều không gian tăng trưởng mới.
Việc tối ưu mạng lưới kênh phân phối của MB và TCTD được chuyển giao bắt buộc (dự kiến khoảng 401 điểm mạng lưới trên toàn quốc) cùng với các điều kiện ưu tiên được phát triển mạng lưới trong tương lai sẽ giúp MB tiết kiệm thời gian và chi phí đầu tư, tăng độ bao phủ phục vụ khách hàng theo chiến lược bán lẻ và chuyển đổi số của MB.
Trong thời gian thực hiện phương án chuyển giao bắt buộc, MB được xử lý phần vốn góp, xử lý cổ phần dưới các hình thức phù hợp hoặc sáp nhập theo phương án chuyển giao bắt buộc được phê duyệt, qua đó MB có cơ hội tạo giá trị thặng dư vốn và/ hoặc tăng quy mô cho MB.
MB cho rằng, việc nhận chuyển giao bắt buộc này sẽ có nhiều tác động tích cực với xã hội và nhà nước, góp phần lành mạnh hóa hoạt động ngân hàng, tránh rủi ro mất an toàn hệ thống, từng bước giải quyết được các khoản lỗ phát sinh từ TCTD được chuyển giao bắt buộc, giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước.
Đối với khách hàng, các quyền, lợi ích hợp pháp và nghĩa vụ của khách hàng đối với TCTD được chuyển giao bắt buộc được kế thừa sau khi chuyển giao bắt buộc. Với nguồn lực, kinh nghiệm của MB và sự hỗ trợ của Ngân hàng Nhà nước sẽ giúp TCTD được chuyển giao bắt buộc có thể cung cấp các giá trị gia tăng tốt hơn cho khách hàng.
Tuy nhiên, việc triển khai phương án chuyển giao bắt buộc và tái cơ cấu thành công một TCTD là nhiệm vụ khó khăn lâu dài, đòi hỏi đầu tư nhiều nguồn lực, công sức, trí tuệ của MB. Vì vậy cần sự đồng thuận ủng hộ cao từ ĐHĐCĐ, các cơ quan quản lý nhà nước, tập thể cán bộ nhân viên MB.
Sau khi MB nhận chuyển giao bắt buộc, TCTD được chuyển giao bắt buộc hoạt động dưới hình thức ngân hàng trách nhiệm hữu hạn một thành viên do MB là chủ sở hữu.
MB cũng trình ĐHĐCĐ phê duyệt chủ trương việc MB thực hiện góp vốn điều lệ, với mức không quá 5.000 tỷ đồng vào TCTD được chuyển giao bắt buộc theo lộ trình góp vốn phù hợp. MB có thể triển khai phần vốn góp, cổ phần dưới các hình thức phù hợp quy định pháp luật và phương án chuyển giao bắt buộc được phê duyệt (như các hình thức huy động vốn, nhận vốn góp, góp vốn bằng tiền hoặc bằng tài sản khác (như tài sản quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật và/hoặc tài sản khác phù hợp quy định pháp luật), phát hành cổ phần, chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ phần vốn góp, cổ phần với các tổ chức, cá nhân trong nước, nước ngoài, sáp nhập và các hình thức khác); chuyển đổi hình thức pháp lý của TCTD được chuyển giao bắt buộc phù hợp với phương án chuyển giao bắt buộc được cấp có thẩm quyền phê duyệt và quy định pháp luật.